Sau khi được chuyển đổi giấy phép đầu tư, Công ty TNHH Sao Đại Hùng (gọi tắt là Công ty SĐH) vẫn không trả các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp…
Sau khi được chuyển đổi giấy phép đầu tư, Công ty TNHH Sao Đại Hùng (gọi tắt là Công ty SĐH) vẫn không trả các khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… cho người lao động (NLĐ) như đã cam kết. Đại diện hơn 300 lao động, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty SĐH đã làm đơn khởi kiện ra Tòa nhưng vẫn không được giải quyết...
Từ năm 2010 đến nay, Công ty Sao Đại Hùng đã không còn hoạt động. |
Mệt mỏi vì đi đòi nợ
Công ty SĐH là công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, đi vào hoạt động từ năm 2001. Đây là công ty chuyên sản xuất và chế biến các sản phẩm hải sản đông lạnh cao cấp và đóng hộp xuất khẩu. Do làm ăn thua lỗ, tháng 5-2010, Công ty SĐH chính thức đóng cửa nhà máy và bỏ mặc hơn 300 công nhân không có việc làm, kèm theo đó là các khoản nợ: lương công nhân, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp… hơn 2,5 tỷ đồng (Báo Khánh Hòa đã nhiều lần phản ánh).
Khi sự việc xảy ra, các ngành chức năng đã nhanh chóng vào cuộc để giải quyết. Phía Công ty SĐH cũng mong muốn tìm mọi cách để khôi phục nhà máy. Mong muốn ấy được chấp thuận bằng việc Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong điều chỉnh lần thứ 11 giấy phép đầu tư và kèm theo bản cam kết của Công ty SĐH sẽ thanh toán các khoản nợ cho NLĐ. Thế nhưng, sự việc lại không như bản cam kết của SĐH đưa ra, NLĐ vẫn không được nhận lương. Từ ngày 27-6 đến 1-9-2011, Công ty SĐH đã có tới 4 bản thông báo về kế hoạch trả nợ lương cho NLĐ theo kiểu nhỏ giọt. Tuy nhiên, đến nay, Công ty SĐH vẫn chưa trả một khoản tiền nào như đã thông báo. Trong khi đó, các cơ quan chức năng không có động thái gì, để mặc NLĐ tự xoay xở đòi nợ trong vô vọng. Chị N.T.T.D - công nhân Công ty SĐH cho biết: “Hiện nay, chúng tôi không biết phải nhờ cơ quan nào để đòi và bảo vệ quyền lợi cho mình. Chúng tôi rất mệt mỏi khi hàng tháng đều phải đến Công ty SĐH để đòi nợi, rồi lại ra về với bản thông báo hẹn đến ngày khác thanh toán nợ. Đại diện cho chúng tôi là Ban Chấp hành Công đoàn Công ty SĐH đã làm đơn khỏi kiện ra Tòa, nhưng đến nay vẫn không có Tòa án nào chịu thụ lý hồ sơ để giải quyết. Không biết đến bao giờ chúng tôi mới đòi được quyền lợi”.
Cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm?
Ngày 22-11-2010, Công đoàn Công ty SĐH đã làm đơn gửi Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh khởi kiện để đòi quyền lợi. Thế nhưng, đơn khởi kiện đã không được TAND tỉnh thụ lý mà yêu cầu chuyển hồ sơ khởi kiện về TAND huyện Cam Lâm giải quyết. Ngày 15-5-2012, TAND huyện Cam Lâm đã trả lại đơn khởi kiện của Công đoàn Công ty SĐH vì không có chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (NLĐ không thể thu thập được chứng cứ vì các chứng cứ liên quan đến nợ lương đều nằm trong tay chủ doanh nghiệp). Ông Lê Thanh Hải - Chủ nhiệm Văn phòng Tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh cho biết: “Cho đến thời điểm này, các cấp Tòa án và cơ quan chức năng vẫn chưa thống nhất được ai có thẩm quyền đứng ra giải quyết quyền lợi cho NLĐ”.
Ông Hoàng Công Thắng - Phó Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong cho biết: “TAND tỉnh đã thoái thác trách nhiệm. Bởi, theo Điều 170b Bộ Luật Lao động (BLLĐ), TAND tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động về quyền. Nhưng ở đây, TAND tỉnh chỉ căn cứ vào Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) mà chưa căn cứ vào BLLĐ. Từ đó dẫn đến quyền lợi của NLĐ ở Công ty SĐH bị xâm phạm kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết. Hiện nay, chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình. Bây giờ là trách nhiệm của TAND tỉnh; còn LĐLĐ tỉnh phải đứng ra hướng dẫn cho NLĐ làm đơn khởi kiện Công ty SĐH. Có như vậy, mọi việc mới nhanh chóng được giải quyết triệt để…”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi được điều chỉnh giấy phép đầu tư, người tiếp quản điều hành Công ty SĐH là ông Karapet Elbakyan đã bỏ về nước và ủy thác trách nhiệm lại cho bà Victoria Tikhacheva - giám đốc cũ của Công ty. Thế nhưng, mỗi lần cơ quan chức năng xuống làm việc, bà Victoria Tikhacheva lại thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm.
Cần sớm giải quyết dứt điểm
Trước tình hình đó, ngày 29-5-2012, LĐLĐ tỉnh đã báo cáo sự việc cho UBND tỉnh; đồng thời đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo giải quyết vụ kiện nói trên. Tuy nhiên đến nay, UBND tỉnh vẫn chưa có hướng dẫn, chỉ đạo. Bà Nguyễn Thị Biên - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp - khu kinh tế tỉnh nói: “Mấu chốt của sự việc nằm ở chỗ lãnh đạo Công ty SĐH không xác nhận các khoản nợ lượng của NLĐ. Do đó, khi khởi kiện ra Tòa, Công đoàn Công ty SĐH đã bị trả lại đơn. Nếu UBND tỉnh và các cơ quan chức năng không sớm vào cuộc quyết liệt, yêu cầu lãnh đạo SĐH cung cấp và xác nhận các khoản nợ lương của NLĐ thì quyền lợi của NLĐ sẽ không được bảo vệ”.
Việc NLĐ Công ty SĐH đòi các khoản nợ lương đã kéo dài từ năm 2010 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết đang tạo ra bức xúc trong dư luận. Thiết nghĩ, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng này.
PHÚ VINH
Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Không hiểu LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn cho NLĐ làm đơn khởi kiện như thế nào mà đến nay, TAND không thụ lý hồ sơ, dẫn đến vụ việc nhùng nhằng chưa được giải quyết. LĐLĐ tỉnh cần hướng dẫn cụ thể cho NLĐ để nhanh chóng đưa vụ việc ra Tòa án xử lý…
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh: Để đảm bảo quyền lợi cho tập thể NLĐ, Tòa án và cơ quan chức năng cần phối hợp thống nhất giải quyết một số vấn đề pháp lý sau đây: Trước tiên phải xác định đây là tranh chấp lao động cá nhân hay tranh chấp lao động tập thể để xác định Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết. Theo tôi, đây là tranh chấp lao động tập thể về quyền. Căn cứ khoản 2 Điều 157, Điều 159 và Điều 170b BLLĐ, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là do TAND cấp tỉnh. Thứ hai, xác định đúng người khởi kiện: Theo tôi, tập thể NLĐ phải trực tiếp ký đơn khởi kiện, sau đó có văn bản ủy quyền cho Công đoàn cơ sở đại diện tham gia tố tụng. Thứ ba, việc thu thập chứng cứ: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ kiện, Tòa án, Viện Kiểm sát và các cơ quan chức năng có trách nhiệm tiến hành thu thập chứng cứ đang lưu trữ tại Công ty SĐH (theo Điều 94 BLTTDS), từ đó mới có căn cứ giải quyết, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho NLĐ.