08:06, 08/06/2012

Chuyện một người vợ liệt sĩ

Chồng hy sinh, chị ở vậy âm thầm nuôi con trong khó nhọc. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị đã phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề: gánh nước thuê, bốc vác, phụ hồ...

Chồng hy sinh, chị ở vậy âm thầm nuôi con trong khó nhọc. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị đã phải bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề: gánh nước thuê, bốc vác, phụ hồ. Mấy chục năm ròng rã, người vợ liệt sĩ ấy đã nuôi con trưởng thành bằng những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi và nước mắt… Chị là Đỗ Thị Hà - vợ liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh - sĩ quan đã hy sinh trong trận chiến tại đảo Gạc Ma năm 1988.

Chị Hà bên ngôi nhà tình nghĩa thắm đượm tình đồng chí, đồng đội.
Chị Hà bên ngôi nhà tình nghĩa thắm đượm tình đồng chí, đồng đội.

Nỗi đau khôn nguôi

Trong căn nhà cấp 4 xập xệ ở thị trấn Mỹ Ca, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), chị Đỗ Thị Hà kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện tình đơn sơ nhưng nồng thắm của hai người. “Hôm ấy, trời nhá nhem, tôi đang đạp xe từ Ba Ngòi về hướng Mỹ Ca thì có anh lính thủy xin đi nhờ xe. Thấy anh sĩ quan trẻ dáng vẻ vội vàng, ba lô trĩu nặng, vạt áo đẫm mồ hôi, nên tôi nhận lời. Cũng nhờ chuyến đi nhờ xe đó mà chúng tôi có những thông tin về nhau. Ban đầu chỉ là sự cảm mến, thế rồi yêu nhau lúc nào không biết. Chắc có lẽ sự chân thành của anh lính Trường Sa đã khiến trái tim tôi thổn thức” - chị kể.

“Đầu năm 1986, chúng tôi cưới nhau, cuối năm sinh cháu Đinh Thị Mỹ Lệ. Vợ chồng, con cái sum vầy bên nhau hơn một năm thì chồng tôi nhận lệnh ra đảo. Đêm trước lúc lên đường, tôi thấy bố con quấn quýt bên nhau. Giọng anh nựng con thật đáng yêu: “Cún của ba ở nhà phải ngoan, không được quấy mẹ nha!”. Nựng con một hồi, anh sang thăm ông bà ngoại và bà con làng xóm, rồi về động viên tôi: “Mình ở nhà ráng nuôi con nghe. Anh ra đảo một năm sẽ về!”. Tôi đâu ngờ đó là lời căn dặn cuối cùng của người chồng yêu quý”.

“Những ngày đầu năm 1988, nghe tin chiến sự Trường Sa nóng bỏng, tôi thấy lòng dạ như lửa đốt. Và rồi cái ngày đau buồn ấy bỗng nhiên ập tới. Ngày 14-3, tôi chết lặng khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo anh Doanh và đồng đội đã anh dũng hy sinh tại đảo Gạc Ma. Suốt mấy ngày liền, tôi không ăn uống gì cả, chỉ ôm con khóc ròng. Trước tình hình như vậy, anh em chồng ở tận Hoa Lư (Ninh Bình) vào Mỹ Ca đưa hai mẹ con tôi về quê. Ngày đơn vị làm lễ truy điệu cho anh, mẹ con tôi không có mặt. Về quê, bà con, họ hàng ai cũng đến an ủi, động viên. Mỗi lần ôm cháu nội vào lòng là mẹ anh lại rưng rưng nước mắt vì thương hai mẹ con tôi, thương con trai hy sinh vì nước khi tuổi đời còn quá trẻ. Đến nỗi, cưới vợ xong, chưa kịp về ra mắt họ hàng thì đã đi xa…”, chị nghẹn ngào kể lại.

Tay trắng nuôi con vào đại học

Tay mân mê những tấm hình trong ngày cưới, đôi vai gầy của người vợ liệt sĩ rung lên theo tiếng nấc… Qua phút giây xúc động, chị tâm sự: “Dạo ấy, bố mẹ chồng khuyên tôi chuyển ra Ninh Bình sinh sống. Nghĩ mình nghề nghiệp không ổn định, nếu ở lại sẽ thêm gánh nặng cho gia đình anh ấy, thế là tôi ôm con trở vào Mỹ Ca. Thời gian đầu, tôi gần như suy sụp, bệnh tật, đau ốm triền miên nhưng vẫn phải gắng gượng đi gánh nước, giặt đồ thuê để lấy tiền mua sữa cho con. Vài năm sau, sức khỏe khá hơn, tôi đi làm phụ hồ. Công việc này quá cực nhọc, nhưng tôi vẫn liều vì tiền công khá hơn. Dạo đó, cũng có vài đám đến ngỏ lời, nhưng vì thương con nên tôi không nỡ đi bước nữa. Đến tuổi cháu Mỹ Lệ đi học, cuộc sống gia đình càng thêm khó khăn, trong khi tôi bị căn bệnh sỏi thận hành hạ. Để có tiền trang trải, tôi làm việc quần quật suốt ngày đêm. Đầu năm 2000, trong một lần phụ hồ, tôi bị ngã gãy tay. Gần một tháng điều trị, không làm ra tiền, nhiều hôm hai mẹ con ăn mì tôm trừ bữa. Thấy con người ta mua sắm đủ thứ, còn con mình thì vẫn manh áo cộc, tôi xót thương đến trào nước mắt. Tuy cuộc sống còn thiếu thốn nhưng con gái tôi rất ngoan ngoãn, chăm học. Hết giờ đến lớp là cháu về nhà lo lắng công việc nội trợ. Thời gian ôn bài không nhiều, nhưng năm nào cháu cũng đạt học sinh giỏi!”.

Có lẽ vì thấu hiễu nỗi gian truân của mẹ, nên cô bé Mỹ Lệ rất quyết tâm. Học hết lớp 12, cháu thi đỗ vào Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Ngày con gái nhập trường, chị Hà buồn, vui lẫn lộn. Vui vì ước mơ của chị và con gái đã thành hiện thực; còn buồn là không biết sức khỏe của chị có còn như xưa để tiếp tục đi làm phụ hồ kiếm tiền nuôi con ăn học…

Hạnh phúc mỉm cười

“Cứ tưởng cuộc đời tôi cực khổ mãi, đâu ngờ có được ngày hôm nay! Đó cũng một phần nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị và những người đồng đội của anh ấy!” - chị Hà chia sẻ.

Tôi thấy ánh mắt chị sáng lên. Không vui sao được khi cháu Mỹ Lệ đã tốt nghiệp đại học và xin được việc làm tại Công ty Cổ phần Dược phẩm TP. Hồ Chí Minh. Năm nay Mỹ Lệ đã tròn 25 tuổi. Cháu luôn lo dành dụm tiền lương để gửi về giúp mẹ trang trải nợ nần và chữa bệnh.

Năm 2011, Thiếu tá Võ Văn Chung, Trợ lý Ban Chính sách (Phòng Chính trị Vùng 4 Hải quân) ra tận nhà thông báo tin vui mà chị cứ ngỡ như mơ. Qua giới thiệu của Thiếu tá Nguyễn Văn Minh, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Công ty Lương thực miền Bắc tài trợ cho Vùng 4 Hải quân 180 triệu đồng để giúp các gia đình chính sách xây nhà tình nghĩa. Từ số tiền đó, Vùng 4 Hải quân đã đề nghị trích 60 triệu đồng hỗ trợ chị Hà sửa sang lại ngôi nhà tình nghĩa xây cách đây hơn chục năm đã xuống cấp. Đó cũng là sự tri ân nặng nghĩa, nặng tình với sự hy sinh, mất mát của những người con đã xả thân vì đất nước.

Phút chia tay, chị Hà nghẹn ngào chẳng nói nên lời. Trải qua những mất mát hy sinh, giờ đây hạnh phúc đã mỉm cười với chị.

HÙNG DŨNG