Tuy mới đến ở hơn 2 tháng nhưng các hộ dân ở Chung cư Bình Phú (Nam Hòn Khô, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) đã phải liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Bên cạnh những lo ngại về chất lượng của các căn hộ, điều khiến họ bức xúc nhất là nước sinh hoạt.
Chung cư Bình Phú khá vắng vẻ. |
Tuy mới đến ở hơn 2 tháng nhưng các hộ dân ở Chung cư Bình Phú (Nam Hòn Khô, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) đã phải liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp. Bên cạnh những lo ngại về chất lượng của các căn hộ, điều khiến họ bức xúc nhất là nước sinh hoạt.
Bức xúc vì nước
Chúng tôi đến Chung cư Bình Phú vào giờ tan tầm. Cả 3 dãy nhà mới khang trang nhưng khá vắng vẻ. Gia đình ông Lê Đình Đức - nhà C6-1 là một trong những cư dân đầu tiên của Chung cư Bình Phú. Ông Đức cho biết: “Chúng tôi đến ở được hơn 60 ngày. Điều khiến chúng tôi bức xúc là hợp đồng mua bán nhà ghi rõ có điện nước đầy đủ, thế nhưng khi đến nhận nhà, các hộ dân mới biết điện, nước đều không có. Chúng tôi phải ký hợp đồng với Điện lực Vĩnh Hải để bắt điện vào nhà. Tuy nhiên, việc bắt điện cũng không đơn giản vì dây diện chạy nhầm lung tung, trong khi bản vẽ lại không có, thợ phải mò mẫm cả ngày mới xong. Đường cáp điện thoại chưa sử dụng đã hỏng. Đó là chưa kể khi được bàn giao, hệ thống ổ khóa ở các cửa trong nhà đều không sử dụng được, phải thay lại toàn bộ”. Ông Đ. ở nhà B2.1 cho hay: “Việc đấu nối hệ thống điện từ đồng hồ tổng đến các hộ dân rất khó khăn, vì dây điện chạy nhầm lung tung. Có khi đấu nối xong, nhà vừa được đấu nối không có điện nhưng nhà hàng xóm lại sáng đèn, rồi nhà này mở đèn nhưng công tơ nhà khác lại hoạt động…”.
Vấn đề khiến các hộ dân bức xúc nhiều nhất là không có nước sinh hoạt. “Không có điện còn chịu được vì có thể dùng đèn sạc, nhưng không có nước thì thật là khốn khổ. Đã dọn về nhà mới, nhưng vì không có nước, lại có con nhỏ nên vợ chồng tôi vẫn phải tiếp tục thuê lại căn nhà cũ để có nơi tắm giặt, nấu nướng hàng ngày. Những hộ dân khác thì phải đi xin nước ở các nhà dân bên cạnh. Đến nay, nước sinh hoạt đã có được hơn 2 tuần, nhưng lúc này mới biết, đồng hồ nước trong nhà tôi bị lắp ngược và bị bể nên nước thất thoát rất nhiều” - chị M.Q ở dãy nhà B cho biết. Còn một người dân khác tiết lộ: “Gửi đơn cho chủ đầu tư mãi không được giải quyết, chúng tôi phải gửi đơn trực tiếp đến lãnh đạo tỉnh thì mọi việc mới tiến hành nhanh hơn”.
Nước có rồi, hệ thống vận hành nước lại có vấn đề. Các hộ dân ở đây lại phải tiếp tục gửi đơn yêu cầu sửa chữa hệ thống nước và trực tiếp đến Trung tâm Quản lý nhà và chung cư (QLN-CC) để phản ánh nhiều lần nhưng không được giải quyết. Một người dân phản ánh: “Chúng tôi phải tự đóng tiền thuê thợ súc rửa hồ chứa và vận hành hệ thống cung cấp nước. Khi vệ sinh các bể cung cấp nước xong và tiến hành bơm kiểm tra hệ thống, chúng tôi phát hiện đường ống dẫn nước cấp lên bể chứa ở tầng thượng bị rò rỉ quá nhiều, nước phun ra như mưa nên không thể lên được bể chứa; nước cũng bị rò rỉ trên đường ống cấp cho các hộ. Chúng tôi có gọi điện thoại và gửi đơn đến Trung tâm QLN-CC thêm một lần nữa để yêu cầu khắc phục sự cố; thế nhưng hơn 10 ngày sau, Trung tâm vẫn chưa tiến hành sửa chữa”.
Chủ đầu tư chậm giải quyết
Ông Nguyễn Tấn Thành - Phụ trách phòng Kỹ thuật của Trung tâm QLN-CC cho biết “Dự án nhà ở xã hội Chung cư Bình Phú đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2010. Thế nhưng đến nay các hộ dân mới được bố trí về ở, và cũng mới có gần 40 hộ dọn đến ở. Do một thời gian dài không sử dụng nên hệ thống ống bị rò rỉ. Ngày 5-6 vừa qua, nhận được đơn yêu cầu của các hộ dân tại dự án này, Trung tâm QLN-CC đã xuống kiểm tra, tiến hành sửa chữa để giải quyết việc cung cấp nước cho các hộ dân. Đến ngày 14-6, việc sửa chữa đã xong”.
Cũng theo ông Thành, Chung cư Bình Phú là nhà ở xã hội được khởi công xây dựng từ năm 2004. Quy mô công trình có 3 khối chung cư 5 tầng được xây dựng mới để giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, tổng diện tích sàn là 10.448m2, gồm 143 căn hộ và các công trình phụ trợ khác. Tổng mức đầu tư hơn 34 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách. Khối A và khối B do Công ty Kinh doanh - Phát triển nhà thi công, còn khối C do Công ty Xây dựng Khánh Hòa thi công. Công trình đã hoàn thành từ năm 2010, nhưng do chưa bố trí người ở nên Trung tâm phải thuê người bảo vệ gần 2 năm nay với chi phí không nhỏ. Dù vậy, tình trạng mất cắp dây điện vẫn xảy ra thường xuyên. Đơn vị thi công phải đấu nối lại nhiều lần. Đường dây điện thoại do VNPT lắp đặt, còn điện thì cũng có nhầm lẫn một chút trong việc đấu nối. Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu đơn vị thi công khắc phục.
Ống nước trong nhà bà M.Q bị bể từ lâu nhưng chưa được sửa. |
Ông T. ở nhà C 2.1 băn khoăn: “Chúng tôi rất mong chủ đầu tư phối hợp với đơn vị thi công kiểm tra lại toàn bộ hệ thống nước của chung cư để có biện pháp giải quyết dứt điểm. Nếu cứ tình trạng rò rỉ, thất thoát nước như hiện nay, không biết ai sẽ trả tiền cho phần thất thoát trong khi chúng tôi là những người có thu nhập thấp”.
Trước đây, giữa Công ty Cấp thoát nước và Trung tâm QLN-CC cũng đã xảy ra nhiều vướng mắc trong việc thanh toán tiền nước do có sự chênh lệch chỉ số nước tiêu thụ giữa đồng hồ tổng và chỉ số tổng cộng các đồng hồ nước của từng hộ gia đình tại Chung cư Ngô Gia Tự, Chung cư Nguyễn Thiện Thuật và Chung cư Lê Hồng Phong. Đến nay, Trung tâm QLN-CC vẫn còn nợ tiền nước của Công ty Cấp thoát nước. Với lượng nước thất thoát không nhỏ trong những ngày qua, liệu những mâu thuẫn, vướng mắc này có tiếp tục lặp lại ở Chung cư Bình Phú?
Bên cạnh những bức xúc vì thiếu điện, nước sinh hoạt của người dân tại Chung cư Bình Phú, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và người mua nhà cũng chưa gắn bó; nhiều phản ánh của người dân về chất lượng công trình không được chủ đầu tư giải quyết kịp thời.
BÍCH KHUÊ