Mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng; tăng phụ cấp công vụ lên 25%; tăng thêm 26,5% mức lương hưu, trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; thi tuyển viên chức có 4 môn; miễn, giảm giá vé giao thông công cộng cho người khuyết tật nặng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2012.
Ảnh minh họa. |
Mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng; tăng phụ cấp công vụ lên 25%; tăng thêm 26,5% mức lương hưu, trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; thi tuyển viên chức có 4 môn; miễn, giảm giá vé giao thông công cộng cho người khuyết tật nặng;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 6/2012.
Mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng
Theo Nghị định 31/2012/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung có hiệu lực từ 1/6/2012, mức lương tối thiểu chung là 1.050.000 đồng/tháng, tăng 220.000 đồng/tháng so với mức lương 830.000 đồng/tháng hiện đang áp dụng.
Mức lương tối thiểu chung nêu trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức gồm: Cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý và hoạt động theo Luật doanh nghiệp.
Mức lương mới này được tính hưởng từ ngày 1/5/2012.
Tăng phụ cấp công vụ với cán bộ, công chức
Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ phụ cấp công vụ đối với một số đối tượng cán bộ, công chức. Mức phụ cấp này bằng 25% (hiện nay là 10%) mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp quân hàm.
Theo Nghị định, các đối tượng được áp dụng chế độ phụ cấp công vụ nói trên là cán bộ, công chức, người hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ở xã, phường, thị trấn và lực lượng vũ trang.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2012. Chế độ quy định tại Nghị định này được tính hưởng kể từ ngày 1/5/2012.
Tăng thêm 26,5% mức lương hưu, trợ cấp đối với cán bộ xã đã nghỉ việc
Theo Nghị định 35/2012/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc, từ ngày 1/5/2012, tăng thêm 26,5% mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc.
Nghị định 35/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/6/2012.
Thi tuyển viên chức có 4 môn
Chính phủ ban hành Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, trong đó quy định thi tuyển viên chức có 4 môn: kiến thức chung; chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành; ngoại ngữ và tin học văn phòng.
Nghị định quy định, người dự thi tuyển viên chức phải thực hiện các bài thi sau: Thi kiến thức chung và thi chuyên môn, nghiệp vụ chuyên ngành. Việc thi tin học văn phòng và ngoại ngữ đối với người dự thi tuyển viên chức thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và yêu cầu vị trí việc làm.
Miễn, giảm giá vé giao thông công cộng cho người khuyết tật nặng
Theo Nghị định 28/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt.
Bên cạnh đó, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được giảm giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa bằng các phương tiện sau: Giảm tối thiểu 15% đối với máy bay; giảm tối thiểu 25% đối với tàu hỏa, tàu điện, tàu thủy, xe ô tô vận tải khách theo tuyến cố định.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/6/2012.
Cá nhân đăng ký tối đa 3 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng
Đây là một trong những nội dung của Thông tư 04/2012/TT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định về quản lý thuê bao di động trả trước, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2012.
Thông tư nêu rõ, các chủ thuê bao phải đến đăng ký trực tiếp tại điểm đăng ký thông tin thuê bao để cung cấp số thuê bao, xuất trình chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) đối với người có quốc tịch Việt Nam, hộ chiếu đang còn thời hạn sử dụng đối với người có quốc tịch nước ngoài, giấy giới thiệu cùng với bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép thành lập của cơ quan, tổ chức đối với người đại diện cho cơ quan, tổ chức cho nhân viên hoặc chủ điểm đăng ký thông tin thuê bao; điền thông tin đăng ký vào “Bản khai thông tin thuê bao di động trả trước” theo mẫu thống nhất do doanh nghiệp ban hành.
Chỉ sau khi đã hoàn thành việc cập nhật thông tin thuê bao được đăng ký hợp lệ vào cơ sở dữ liệu tập trung của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động mới được đáp ứng nhu cầu kích hoạt của chủ thuê bao đối với số thuê bao đã được đăng ký.
6 thực phẩm nhập khẩu được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm
Theo Nghị định 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm có hiệu lực từ 11/6, tất cả các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm... khi nhập khẩu vào Việt Nam phải kiểm tra tại cơ quan kiểm tra nhà nước có thẩm quyền.
Tuy nhiên, có 6 trường hợp được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu: 1. Thực phẩm mang theo người nhập cảnh để tiêu dùng cá nhân trong định mức được miễn thuế nhập khẩu; 2. Thực phẩm trong túi ngoại giao, túi lãnh sự; 3. Thực phẩm quá cảnh, chuyển khẩu; 4. Thực phẩm gửi kho ngoại quan; 5. Thực phẩm là mẫu thử nghiệm hoặc nghiên cứu; 6. Thực phẩm là mẫu trưng bày hội chợ, triển lãm.
Xác định và quản lý vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập
Đây là nguyên tắc xác định và quản lý vị trí việc làm được nêu trong Nghị định 41/2012/NĐ-CP quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định nêu rõ, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng; là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Vị trí việc làm được xác định dựa trên 5 căn cứ sau: 1- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và công việc thực tế của đơn vị sự nghiệp công lập; 2- Tính chất, đặc điểm, nhu cầu công việc của đơn vị sự nghiệp công lập; 3- Mức độ phức tạp, quy mô công việc; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của luật chuyên ngành; 4- Mức độ hiện đại hóa công sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin; 5- Thực trạng bố trí, sử dụng viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25/6/2012.
Bộ quản lý nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp có thể có nhiều hơn 4 Thứ trưởng
Chính phủ ban hành Nghị định số 36/2012/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, thay thế cho Nghị định số 178/2007/NĐ-CP trước đây quy định về vấn đề này.
Cụ thể, về số lượng Thứ trưởng trong mỗi Bộ, trước đây Nghị định số 178/2007/NĐ-CP quy định “số lượng Thứ trưởng ở mỗi Bộ không quá bốn người. Trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Trong Nghị định mới này, Chính phủ giữ nguyên quy định về số lượng Thứ trưởng trong mỗi Bộ, tức là không quá 4 người. Đồng thời quy định rõ: “Đối với Bộ quản lý nhà nước nhiều ngành, lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, số lượng Thứ trưởng có thể nhiều hơn 04 người do Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2012.
Làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao bị phạt 15 - 20 triệu đồng
Theo Nghị định 37/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể dục, thể thao, mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 70 triệu đồng.
Cụ thể, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Gian lận tên, tuổi trong hoạt động thể dục, thể thao; gian lận giới tính trong hoạt động thể dục, thể thao; gian lận khác về hồ sơ để tuyển chọn, thi đấu thể thao không thuộc quy định nên trên.
Hành vi làm sai lệch kết quả thi đấu thể thao sẽ bị phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng.
Đối với hành vi gian lận về thành tích để tuyển chọn người vào đội tuyển thể thao, các trung tâm và trường năng khiếu thể dục, thể thao sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2012.
Rút ngắn thời gian thủ tục trình khen thưởng
Đây là nội dung được nêu tại Nghị định số 39/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.
Theo đó, đối với thủ tục trình khen thưởng, Nghị định 39/2012/NĐ-CP nêu rõ, khi có văn bản xin ý kiến của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản đề nghị (tính theo dấu bưu điện), cơ quan được xin ý kiến có trách nhiệm trả lời. Thời hạn này theo Nghị định 42/2010/NĐ-CP là 15 ngày. Như vậy thời hạn trả lời theo quy định mới được rút ngắn 5 ngày.
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thẩm định hồ sơ khen thưởng và trình Thủ tướng Chính phủ trong thời hạn 10 ngày làm việc (20 ngày làm việc đối với các trường hợp phải lấy ý kiến hiệp y), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Thời hạn này cũng được rút ngắn hơn so với quy định tại Nghị định 42/2010/NĐ-CP (lần lượt là 15 ngày và 30 ngày).
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2012.
Rút ngắn thời gian cho phép thành lập hội
Theo Nghị định số 33/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, kể từ 1/6/2012, thời gian quyết định cho phép thành lập hội sẽ được giảm từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
Nghị định 33/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2012.
Theo CP