08:06, 19/06/2012

Cần biện pháp mạnh

Tính đến hết tháng 5-2012, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.900 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội với tổng số tiền hơn 170 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp cần bảo đảm tốt quyền lợi cho người lao động, có như vậy, người lao động mới yên tâm lao động
Các doanh nghiệp cần bảo đảm tốt quyền lợi cho người lao động, có như vậy, người lao động mới yên tâm lao động

Tính đến hết tháng 5-2012, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.900 đơn vị, doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) với tổng số tiền hơn 170 tỷ đồng. Tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc và làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của hàng ngàn người lao động (NLĐ).

Người lao động chịu thiệt

Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Đối với những DN làm ăn thua lỗ do bị ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, không đủ sức nộp BHXH thì còn có thể chấp nhận được. Nhưng trong số các DN, đơn vị nợ BHXH, có nhiều đơn vị, DN ăn nên làm ra mà vẫn cố tình không nộp BHXH theo đúng quy định (trong đó có cả những đơn vị hành chính sự nghiệp). Hàng năm, chúng tôi đều tổ chức đối thoại với DN và thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra để nhắc nhở, xử phạt, nhưng các DN vẫn cố tình chây ỳ…”.

Tính đến ngày 31-5, toàn tỉnh có hơn 1.900 đơn vị, DN nợ BHXH với tổng số tiền hơn 170 tỷ đồng. Những DN chây ỳ nhiều tháng như: Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh nợ hơn 3,7 tỷ đồng (21 tháng); Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nha Trang nợ hơn 2,1 tỷ đồng (26 tháng); Công ty FLD Việt Nam nợ hơn 3,9 tỷ đồng (40 tháng); Công ty TNHH Thực phẩm Sakura nợ hơn 3,1 tỷ đồng (25 tháng); Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang nợ hơn 2,2 tỷ đồng (23 tháng)… Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Các đơn vị, DN nợ BHXH tức là đã chiếm dụng quyền lợi của NLĐ. Bởi khi DN nợ BHXH thì các chế độ như: ốm đau, thai sản, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, hưu trí, tai nạn lao động… của NLĐ sẽ không được giải quyết”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện có rất nhiều DN chấp nhận chịu xử phạt vài chục triệu đồng hơn là phải nộp BHXH từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng. Khi cơ quan chức năng xuống kiểm tra, thanh tra, xử phạt, nhiều DN đối phó bằng việc trả nợ theo kiểu nhỏ giọt rồi lại tiếp tục nợ… Bên cạnh đó, sự thiếu trách nhiệm, cố tình vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động, sự buông lỏng quản lý, thiếu thanh tra, kiểm tra thường xuyên cũng là kẽ hở để các DN này lách luật. Để qua mắt NLĐ, các DN này đều thực hiện tương đối tốt việc đóng bảo hiểm y tế. Chính hành động này mà NLĐ nhầm tưởng DN luôn thực hiện tốt quyền lợi cho mình.

Ngoài ra, nhiều DN nợ BHXH để gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh khác nhằm tránh việc vay nợ ngân hàng. Trong trường hợp này, nếu rủi ro xảy ra thì NLĐ đứng trước nguy cơ không được chi trả tiền khi ốm đau, thai sản, mất việc làm, không được hưởng chế độ hưu trí hoặc mất sức sau thời gian cống hiến…

Doanh nghiệp kêu khó

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Hà - Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho biết: “Thực chất, chúng tôi không muốn nợ BHXH để ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Chỉ vì những năm gần đây, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, DN làm ăn không sinh lời, vay nợ ngân hàng rồi phải trả lãi nên tạo nhiều áp lực cho DN. Trước tình hình đó, hiện nay, ngân hàng cũng đang chia sẻ khó khăn, Chi cục Thuế đang giãn nợ cho chúng tôi. Do đó, BHXH cũng nên chia sẻ khó khăn với DN, tạo điều kiện để DN tháo gỡ khó khăn và từng bước trả nợ…”. Được biết, hiện nay, Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên đang nợ BHXH hơn 3,2 tỷ đồng (với thời gian 10 tháng). Công ty đã cam kết trả nợ BHXH mỗi ngày 20 triệu đồng, tức mỗi tháng Công ty sẽ thanh toán nợ 600 triệu đồng. Thế nhưng trên thực tế, trong tháng 5, Công ty này chỉ trả nợ được hơn 120 triệu đồng.

Ông Phạm Ngọc Minh - Trưởng phòng Tổ chức lao động - Hành chính Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 505 cho biết: “Nguyên nhân khiến chúng tôi phải nợ BHXH là do một số chủ đầu tư nợ tiền của chúng tôi hơn 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế nên những năm qua, Công ty làm ăn thua lỗ, nhiều giám đốc lên điều hành và đưa ra các giải pháp khắc phục nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng lộ trình đòi nợ và trả nợ BHXH từ nay đến cuối năm…”.  

Sẽ có biện pháp cứng rắn

Theo ông Mai Xuân Trí, để cải thiện tình hình hiện nay, BHXH tỉnh cần nhanh chóng phối hợp với các đơn vị chức năng đưa ra giải pháp thích đáng để thu hồi nợ. Đồng thời, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của DN, xem vì sao họ lại nợ BHXH và làm rõ khả năng, thời gian trả nợ. Đối với những đơn vị thực sự khó khăn thì cũng nên chia sẻ, tạo điều kiện cho DN vượt khó, từng bước trả nợ; còn những DN cố tình chây ỳ, nợ dai dẳng thì cần nhanh chóng khởi kiện ra Tòa để bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. 

Ông Lê Hùng Chính cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, chúng tôi đang tiến hành khởi kiện ra Tòa những đơn vị, DN nợ BHXH nhiều năm. Trước mắt, chúng tôi chính thức gửi đơn cho Tòa án nhân dân TP. Nha Trang khởi kiện 4 đơn vị nợ với số tiền lớn và lâu năm gồm: Công ty Cổ phần Hòn Tằm Biển Nha Trang, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 510, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 505, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu lâm sản Nha Trang. Sau 4 đơn vị này, chúng tôi tiếp tục khởi kiện những đơn vị còn lại. Đây là giải pháp bắt buộc, bởi các đơn vị, DN nợ nhiều năm đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, đẩy họ vào tình cảnh khốn khó”. Hiện nay, BHXH đang gặp khó khăn trong việc khởi kiện DN có yếu tố nước ngoài, vì cả Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân TP. Nha Trang chưa chịu nhận đơn khởi kiện.

Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn chấn chỉnh tình trạng nợ BHXH. Quyền lợi BHXH luôn gắn liền với đời sống NLĐ nên cần phải xem nợ BHXH là căn nguyên của những vụ khiếu nại tập thể, đình công, lãn công… ở một số DN hiện nay.

PHÚ VINH

Vừa qua, tại buổi làm việc với các cơ quan chức năng, ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo: BHXH tỉnh cần nghiên cứu, phân loại đơn vị, DN nợ BHXH theo từng đối tượng (cơ quan Nhà nước, DN, tư nhân…), số lao động tại đơn vị, thời gian nợ, nguyên nhân nợ để có hướng xử lý, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp Nhà nước thuộc tỉnh, cần lập danh sách những đơn vị nợ từ 2 tháng trở lên trình UBND tỉnh đôn đốc, nhắc nhở; các đơn vị hành chính sự nghiệp cấp huyện, các sở, ban, ngành cũng lập danh sách đề nghị đôn đốc, nhắc nhở. Đối với các DN, cần phân loại để phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh nhắc nhở thu hồi nợ. Trong trường hợp DN có số nợ cao, kéo dài trên 6 tháng mà khó thu nợ, BHXH cần chủ động thực hiện các thủ tục khởi kiện ra Tòa.