08:06, 19/06/2012

Chưa thể đóng cửa như dự kiến

Bãi rác mới thi công quá chậm khiến bãi rác Rù Rì (thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) rơi vào cảnh quá tải trầm trọng, kéo theo đó là nhiều vấn đề an sinh xã hội nảy sinh, cần được cảnh báo.

 

Bãi rác Rù Rì đã quá tải từ nhiều năm nay, lại nằm trên núi nên mức độ ô nhiễm càng lớn.
Bãi rác Rù Rì đã quá tải từ nhiều năm nay, lại nằm trên núi nên mức độ ô nhiễm càng lớn.

Bãi rác mới thi công quá chậm khiến bãi rác Rù Rì (thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP. Nha Trang) rơi vào cảnh quá tải trầm trọng, kéo theo đó là nhiều vấn đề an sinh xã hội nảy sinh, cần được cảnh báo.

Dự án “rùa”

Do bãi rác Rù Rì đã tồn tại mấy chục năm nay, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng và đã quá tải nên một bãi chôn lấp chất thải rắn mới được đầu tư xây dựng. Bãi rác mới do Ban Quản lý Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang làm chủ đầu tư (nằm trong dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang do Ngân hàng Thế giới tài trợ), Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) thi công. Bãi rác dự kiến rộng 24ha (tương lai mở rộng thành 35ha), kinh phí gần 8,5 triệu USD, nằm cách bãi rác cũ khoảng 1,5km. Theo thiết kế, bãi rác mới này sẽ được lót lớp bảo vệ dưới nền để chống thấm. Nước thải rỉ ra từ rác sẽ được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường… Bãi rác được thi công từ tháng 7-2008, dự kiến hoàn thành cuối tháng 5-2011 (bao gồm cả việc lấp bãi rác cũ), nhưng theo bà Lý Ngọc Dung - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cải thiện vệ sinh môi trường TP. Nha Trang, đến nay, dự án mới thực hiện được khoảng 40% khối lượng công trình.

Bà Lý Ngọc Dung cho biết, công trình chậm tiến độ do nhà thầu cũ không đáp ứng được yêu cầu, nên phải cắt hợp đồng vào tháng 5-2011. Hiện, liên danh Tổng Công ty Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Công ty TNHH Vật tư thiết bị kỹ thuật hạ tầng đã được chọn thi công công trình. Dự kiến tháng 6-2012 sẽ khởi công lại và hoàn thành trong 18 tháng. “Lần này, chúng tôi cân nhắc rất kỹ việc chọn nhà thầu và sẽ tăng cường giám sát, đôn đốc đơn vị thi công để công trình hoàn thành đúng như cam kết”, bà Dung nói.

Gồng mình gánh rác

Ông Lương Khánh Thuận - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nha Trang cho biết, hiện mỗi ngày có khoảng 300 tấn rác thải tập trung về bãi rác Rù Rì, chưa kể lượng lớn xe hút hầm vệ sinh cũng đổ về đây. Theo ông Thuận, bãi rác Rù Rì có tổng diện tích khoảng 10ha, nằm ở phía Bắc TP. Nha Trang, đã quá tải trong thời gian dài và nhiều năm trước, UBND tỉnh đã tính đến phương án làm bãi rác mới để đóng của bãi rác cũ. Song song với việc xây dựng bãi rác mới, bãi rác cũ cũng sẽ được lấp dần và hiện đã lấp được một nửa, trong khi đó, bãi rác mới lại chưa hoàn thành. Ông Thuận bức xúc: “Bãi rác Rù Rì vốn đã quá tải, nay bị lấp một nửa trong khi lượng rác đổ về không hề giảm, khiến chúng tôi rất lo ngại đến sự an toàn của bãi rác. Mới đây, chúng tôi đã làm văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép mở rộng bãi rác thêm 3ha ở phía sau để giải quyết tình thế trước mắt, trong khi chờ bãi rác mới hoàn thành”. Ông Huỳnh Văn Trà, Trưởng thôn Lương Hòa bày tỏ: “Bà con chúng tôi chịu cực khổ vì ô nhiễm của bãi rác này đã mấy chục năm nay nên nghe thông tin đóng cửa bãi rác, ai cũng mừng. Vậy mà mấy năm qua, thấy bãi rác mới thi công ì ạch, bãi rác cũ thì chưa đóng cửa, thậm chí rác còn quá tải nên ai cũng bất an, chán nản”.

Đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản đồng ý về chủ trương cho phép Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nha Trang làm chủ đầu tư thực hiện dự án mở rộng bãi rác Rù Rì như đề xuất của Công ty. Đồng chí cũng thừa nhận, bãi rác mới triển khai quá chậm nên buộc phải mở rộng bãi rác cũ để giải quyết tình thế trước mắt.

Chưa thể đóng cửa

Ông Nguyễn Phụng Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lương e ngại: “Đây là bãi rác tập trung lớn nhất của TP. Nha Trang, được hình thành từ trước năm 1975. Nước rỉ ra từ bãi rác ngấm vào đất, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến mạch nước ngầm của xã, đồng thời chảy vào dòng suối chạy vòng từ chân bãi rác, qua khu dân cư, rồi đổ ra biển”. Ông Hoàng nhớ lại, khoảng tháng 6-2009, khu chứa chất thải hút từ hầm vệ sinh nằm dưới chân bãi rác bị vỡ bờ chứa, theo dòng suối chảy ào về khu dân cư. Lúc đó, hàng trăm hộ dân sống dọc con suối phải bỏ nhà ra ngoài đường do mùi hôi thối nồng nặc, gây nên cảnh náo loạn. Cá dưới suối chết nổi trắng mặt nước. Ngay sau đó, xã phải cho xe ủi múc đất ngăn dòng chất thải lại, đồng thời cử công an xã gác chặn ở khu nghĩa trang phía Bắc nhằm hạn chế xe hút hầm vệ sinh vào đổ, đồng thời xử lý hóa chất để hạn chế mùi. “Bãi rác đã quá tải trong một thời gian dài, lại nằm trên núi, đất xốp bao quanh nên khi có mưa lớn, tình huống vỡ bãi rác, nước thải và rác chảy xuống khu dân cư là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Hoàng lo lắng.

Cụ Nguyễn Văn Thương (84 tuổi, thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương) cho biết: “Trước kia, công trình xây dựng ít nên dòng nước thoáng hơn, khi lũ về thì chảy qua hết. Còn bây giờ, mỗi trận mưa lớn là nước ngập cả vào nhà, đem theo rác thải và mùi hôi thối nồng nặc, không thể nào chịu được. Ở đây ngày càng ô nhiễm mà chúng tôi không biết kêu ai”. Nhà cụ Thương, cũng như hàng trăm nhà sống ở đây, từ nhiều năm qua, chỉ dám dùng nước giếng để tắm giặt, còn nước uống phải đi mua tại các điểm bán nước sạch của xã. Tuy vậy, cụ Thương vẫn thấy nước giếng rất ngứa và hay bị mắc bệnh về mắt và hô hấp. Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Vĩnh Lương, có khoảng 200 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự ô nhiễm này, trong đó chủ yếu là người dân ở thôn Lương Hòa.

Hiện mỗi năm, UBND TP. Nha Trang cấp gần 200 triệu đồng để Công ty Môi trường đô thị mua hóa chất xử lý nguồn nước suối chảy qua khu dân cư nhằm giảm mùi hôi thối. Nhưng theo ông Hoàng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Với tình trạng thi công dự án bãi rác mới ì ạch như hiện nay, chưa biết khi nào mới đóng cửa được bãi rác cũ.

NHẬT THANH

Trước tình trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm trầm trọng, năm 1996, UBND TP. Nha Trang đã đầu tư cho xã một hệ thống nước sạch nông thôn bằng cách đào giếng ở trên núi, bơm lên hồ rồi rót về bằng đường ống cho 14 điểm nước. Các điểm này đều có người quản lý, thu tiền với giá khoảng 2.500 đồng/m3.