Gần 2 tháng qua, “cơn sốt” truy lùng cây thuốc lạ đã khuấy tung xã đảo Ninh Vân và rừng Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), nhưng nay đã bắt đầu hạ nhiệt. Không phải hạ nhiệt vì người dân tỉnh táo nhận ra mặt trái của cây thuốc mà do cây này ngày càng khó tìm.
Gần 2 tháng qua, “cơn sốt” truy lùng cây thuốc lạ đã khuấy tung xã đảo Ninh Vân và rừng Hòn Hèo (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), nhưng nay đã bắt đầu hạ nhiệt. Không phải hạ nhiệt vì người dân tỉnh táo nhận ra mặt trái của cây thuốc mà do cây này ngày càng khó tìm. Trong khi chờ cơ quan chức năng đưa ra kết luận cuối cùng, người dân cần thận trọng khi sử dụng nó bởi tác dụng phụ rất khó kiểm soát.
."Thần dược" được khai thác cạn kiệt
Những ngày này, không khí truy lùng cây thuốc lạ đã bắt đầu giảm nhiệt. Trên con đường đi vào xã đảo, không còn thấy bóng người đi lấy cây “thần dược” chữa bá bệnh như trước. Xe máy dựng ven bìa rừng, khe suối cũng không còn như hôm nào. Dường như “cơn sốt” đã tạm lắng. Ông Hàng Văn Hướng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Vân cho biết, bây giờ, lượng người đi tìm cây thuốc đã giảm hẳn, một ngày chỉ còn 30 - 40 người, chủ yếu là dân địa phương khác. Cây thuốc bị khai thác cạn kiệt nên người dân phải đi vào tận rừng sâu hay chuyển hướng sang khu vực Đá Bàn (xã Ninh Sơn, Ninh Hòa) tìm kiếm. Phong trào tạm lắng một phần cũng do Kiểm lâm Hòn Hèo tăng cường ngăn chặn người dân vào rừng…
Một người dân trên đường chở “thần dược” từ rừng về nhà. |
Còn nhớ cách đây không lâu, cuối tháng 4, đầu tháng 5, phong trào đi lấy cây thuốc lạ diễn ra rầm rộ. Chúng tôi gặp nhiều người chở những bao tải chất đầy thân, rễ cây chạy xe máy vèo vèo giữa buổi trưa. Mọi người cho biết, sau khi nghe thông tin về cây “thần dược” tại Hòn Hèo chữa bá bệnh, đã có rất nhiều người đến đây để săn lùng cây này đem về bán. Hàng ngày có không dưới 100 người đổ xô vào các cánh rừng ở Hòn Hèo để tìm kiếm. Dân Vạn Giã (Vạn Ninh) là những người tiên phong, sự việc này đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Ông Ngô Thanh Sơn - một người dân xã Ninh Vân cho biết: “Thấy cây này bán có tiền nên tôi cùng mọi người đi lấy, mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng từ việc săn lùng cây thuốc, thu nhập tốt hơn nhiều so với làm nông và nghề biển khi đang gặp khó. Bình quân 1kg thân, rễ sau khi đem xắt lát, phơi khô bán với giá 50 - 70 ngàn đồng, số lượng bao nhiêu cũng được bán hết. Đầu nậu thu gom bán lại cho khách với giá 100 ngàn đồng/kg”. Theo ông Hướng, do việc khai thác khó khăn nên giờ đây họ đã chuyển sang lấy cả cành. Trước đây thu hái dễ, mỗi ngày một người có thể kiếm được 10kg, nay chỉ còn 2 - 3kg. Giá cả dao động từ 150 - 200 ngàn đồng/kg tùy bộ phận (rễ được bán với giá 200 ngàn đồng). Tại xã Ninh Vân cũng đã hình thành 2 điểm thu mua chính tại nhà ông Lê Hăng (thôn Đông) và nhà bà Trần Thị Xuân Hồng (thôn Tây). Tư thương cũng coi mặt bắt hình dong, nếu khách đi ô tô sẽ bán với giá cao, còn đi xe máy thì bán thấp hơn…
. Cần thận trọng
Việc mua bán, thu hái cây thuốc lạ diễn ra rầm rộ đã một thời gian, tuy nhiên hiệu quả trong chữa bệnh của cây thuốc này chưa có ai khẳng định ngoài ông Lê Hăng - người được cho là chữa khỏi bệnh xơ gan cổ trướng. Ngược lại, có người cho rằng, sau khi dùng cây thuốc đã xảy ra các vấn đề về rối loạn hoạt động tình dục.
Do làm theo tin đồn nên người không có bệnh cũng uống, người bị bất cứ bệnh gì cũng uống mà không biết tác dụng của nó như thế nào.
Để xác định tên, loài cây, thời gian qua, Chi cục Lâm nghiệp phối hợp các đơn vị liên quan đến Hòn Hèo khảo sát, làm tiêu bản gửi Viện Sinh học nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh để định danh. Mới đây, Sở Y tế, Hội Đông y Khánh Hòa cũng có chuyến khảo sát tại Hòn Hèo để tìm hiểu về tình hình sử dụng cây thuốc, đồng thời gửi mẫu phân tích tại Viện Dược liệu Trung ương để xác định kết quả. Theo kỹ sư Trần Giỏi - Chi cục Lâm nghiệp, kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, loài cây này thuộc họ Cam (Rutacea). Qua đối chiếu mẫu thu được có thể hiện các đặc điểm của loài Trang xa một lá, tên khoa học là Luvunga monophylla (DC) Mabb. Ở Việt Nam, loài này còn được GS. Phạm Hoàng Hộ gọi là Xáo tam phân. Còn ông Lâm Quang Chứng - Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết, vừa qua, Sở đã tiến hành khảo sát về tình hình sử dụng cây thuốc lạ tại xã Ninh Vân, đồng thời đã gửi mẫu về Viện Dược liệu Trung ương để kiểm nghiệm thành phần hoạt chất cây này làm cơ sở cho việc nghiên cứu, ứng dụng điều trị. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, thị xã Ninh Hòa, xã Ninh Vân tuyên truyền cho người dân không nên sử dụng cây thuốc này khi chưa được các cơ quan chuyên môn nghiên cứu đầy đủ về thành phần hoạt chất cũng như liều dùng, chỉ định, chống chỉ định của cây thuốc nhằm phòng ngừa nguy hại đến sức khỏe người dân. Sở Y tế cũng kiến nghị tỉnh có biện pháp bảo vệ nguồn gen, không để rơi vào cạn kiệt một khi khai thác quá mức…
Trong khi các cơ quan chức năng chưa xác định được dược tính của cây thuốc, người dân không nên mang tính mạng mình ra “đùa với lửa”.
QUANG VIÊN