09:05, 02/05/2012

Vẹn nguyên tình đồng chí, đồng đội, đồng bào

Một ngày cuối tháng 4, tại xã Ninh Quang anh hùng, cán bộ, nhân viên và lực lượng vũ trang huyện Nam Ninh Hòa (mật danh 301) đã gặp lại nhau trong niềm xúc động khôn cùng hòa chung với niềm vui mừng 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Một ngày cuối tháng 4, tại xã Ninh Quang anh hùng, cán bộ, nhân viên và lực lượng vũ trang huyện Nam Ninh Hòa (mật danh 301) đã gặp lại nhau trong niềm xúc động khôn cùng hòa chung với niềm vui mừng 37 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2012). Buổi gặp mặt ôn lại truyền thống cũng là để những người đồng chí, đồng đội cũ hàn huyên thăm hỏi nhau sau nhiều năm xa cách.

Ngoài những cán bộ, nhân viên, lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở chiến trường Nam Ninh Hòa còn có 25 cựu chiến binh nguyên là cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 8 Trung đoàn Sao Thủy và các gia đình cơ sở cốt cán đã có nhiều công lao đóng góp cho cách mạng của xã Ninh Quang và Ninh Hưng. Người từ Hà Nội vào, người trên Đắc Lắc xuống, người giờ sinh sống ở Nha Trang, Cam Ranh, Khánh Sơn, Vạn Ninh, Diên Khánh đều trở về nơi các cụ từng sống và chiến đấu năm xưa.


Những cựu chiến binh Trung đoàn Sao Thủy trở lại Nam Ninh Hòa - nơi các cụ sống và chiến đấu năm xưa.
Những cựu chiến binh Trung đoàn Sao Thủy trở lại Nam Ninh Hòa - nơi các cụ sống và chiến đấu năm xưa.

 

Hơn 80 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, ông Nguyễn Tấn, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Ninh Hòa ôn lại truyền thống của mảnh đất anh hùng. 301 (mật danh của Nam Ninh Hòa) được thành lập năm 1961. Lực lượng vũ trang của huyện ban đầu chỉ hơn 1 tiểu đội, sau lớn mạnh dần và lập nhiều chiến công. Năm 1972, đội công tác và du kích mật phục bắt gọn 1 tiểu đội dân vệ, giải thích, thả tại chỗ, thu 5 súng các loại. Đội công tác cùng cơ sở cốt cán của ta mạnh dạn phục diệt những tên ác ôn khét tiếng. Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, hàng ngàn người con của Ninh Hòa nói chung, Nam Ninh Hòa nói riêng đã rời xa gia đình, tự nguyện thoát ly theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để có ngày được sum họp khi đất nước sạch bóng quân thù. Trong những năm tháng chiến đấu hy sinh, biết bao người con của quê hương cùng cán bộ, chiến sĩ từ mọi miền Tổ quốc đã ngã xuống trên mảnh đất Nam Ninh Hòa kiên cường. Những chiến công tiêu biểu của họ như 4 ngày đêm đánh quân Nam Triều Tiên ở Phong Ấp (Ninh Bình), Thạch Thành (Ninh Quang) sát nách quận Ninh Hòa, diệt hàng trăm tên địch năm 1967; năm 1968, đánh vào quận lỵ Ninh Hòa gây cho địch hoang mang, dao động; năm 1969, đánh tan đại đội Nam Triều Tiên ở gộp Ông Quyền, Hòn Lớn…

Hiếm có dịp gặp lại nhau đông đủ như thế, những câu chuyện, những kỷ niệm về đồng chí, đồng đội dường như không dứt. Lần đầu tiên gặp lại cô y tá Huỳnh Thị Ánh bé nhỏ đã từng cõng mình bị thương năm xưa, ông Nguyễn Quang Quế (đến từ Đắc Lắc, 65 tuổi, nguyên cán bộ Huyện đội Nam Ninh Hòa) chia sẻ: “Tôi rất xúc động, không quên được thời đói cơm lạt muối, đồng chí, đồng đội như người thân. Tôi không quên được những đồng đội, khi mình bị thương, đã cố gắng đưa đến trạm xá tiền phương. Không quên được những cán bộ y tế chăm sóc thương binh hơn cả ruột thịt. Không quên được người cán bộ trạm y tế tiền phương thương anh em thương binh ăn uống kham khổ nên đêm đến đốt đuốc xuống suối bắt cua giã nhỏ giả muối dành cho anh em thương binh nặng”.

Trong đoàn cựu chiến binh từ Hà Nội vào thăm lại chiến trường xưa sau 37 năm, ông Trịnh Thắng, người lính của Trung đoàn Sao Thủy bất ngờ gặp lại bà Cúc lùn (cách gọi thân mật của đồng chí, đồng đội dành cho bà Võ Thị Cúc (Diên Phú, Diên Khánh) thời trẻ). Nếu không có người bạn giới thiệu trước, ông cũng không nhận ra cô y tá mới ngoài đôi mươi năm xưa thường cùng đi hái rau, bẫy sóc với bà Võ Thị Cúc bây giờ. Sau ngày đất nước giải phóng, trở về quê hương, nhiều đồng chí, đồng đội như ông Thắng, bà Cúc bặt tin nhau. Giờ gặp lại, những mái đầu xanh đều đã điểm bạc, những gương mặt đã hằn dấu vết năm tháng nhưng những nụ cười hồn nhiên và ký ức của họ vẫn còn tươi nguyên. Nhập ngũ năm 1964, khi gần tròn 18 tuổi, năm 1965, ông Thắng được vào chiến trường miền Nam. Suốt từ năm 1966 đến ngày đất nước giải phóng, ông Thắng sống và chiến đấu ở chiến trường Khánh Hòa, từng ở các căn cứ như Đồng Bò, Hòn Dữ. Ông từng được giao nhiều nhiệm vụ như phụ trách cối 82 ly, 60 ly rồi cưa những quả bom tịt lấy thuốc nổ đúc bánh để du kích làm bộc phá. Ông vẫn nhớ những lúc ngồi trên quả bom, mồ hôi túa ra khi tháo dây, gỡ kíp rồi thở phào nhẹ nhõm khi hoàn thành công việc. Ông vẫn nhớ quả bom mình tháo cuối cùng năm 1972, trên đỉnh Hòn Dù… Chuyện xưa, chuyện nay cứ dài mãi… Mượn chúng tôi cây bút, ông hý hoáy ghi lại kỷ niệm lên tấm ảnh đen trắng nhỏ xíu chụp cách đây đúng 37 năm, mặt sau tấm ảnh còn dòng chữ Nha Trang mới giải phóng (27-4-1975) để tặng bạn cũ.

Trở lại Nam Ninh Hòa những cựu chiến binh Trung đoàn Sao Thủy ngỡ ngàng trước sự thay đổi của mảnh đất anh hùng. “Mọi thứ thay đổi nhiều quá, chỉ có kỷ niệm, cảm xúc là còn vẹn nguyên. Đó là một thứ tình cảm cao cả không thể nói được bằng lời”, những người lính già chia sẻ.

N.D