04:05, 18/05/2012

Cần rèn kỹ năng hơn “nhồi nhét”

Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa vừa cho biết kết quả kiểm tra học kỳ 2 các môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông theo đề chung của Sở. Theo ghi nhận của chúng tôi, kết quả của kỳ thi thử này không cao, đặc biệt là các môn: Địa lý, Ngữ văn và Tiếng Anh.

Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa vừa cho biết kết quả kiểm tra học kỳ 2 các môn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) theo đề chung của Sở. Theo ghi nhận của chúng tôi, kết quả của kỳ thi thử này không cao, đặc biệt là các môn: Địa lý, Ngữ văn và Tiếng Anh. Với kết quả này, đòi hỏi giáo viên (GV) và học sinh (HS) phải điều chỉnh kịp thời việc ôn luyện trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức.

. Kết quả thi thử không cao

Ngày 27, 28, 29-4, HS khối 12 toàn tỉnh đã làm bài kiểm tra học kỳ 2 đối với các môn thi tốt nghiệp theo đề chung của Sở GD-ĐT. Đây được xem như kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2012 do Sở tổ chức. Từ ngày 14-5, các trường THPT trên địa bàn tỉnh bắt đầu báo cáo kết quả về Sở GD-ĐT. Ông Trần Thức - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được hết tất cả báo cáo của các trường, nhưng ghi nhận ban đầu có thể thấy, kết quả của kỳ thi này không cao, đặc biệt là các môn: Địa lý, Ngữ văn và Tiếng Anh”. Cụ thể, theo báo cáo kết quả của Trường THPT Trần Quý Cáp (Ninh Hòa), trong 6 môn kiểm tra, dưới 5 điểm ở môn Địa lý có tới 354/582 HS (chiếm 60,8%), môn Tiếng Anh 321 HS (55,2%), môn Ngữ văn 318 HS (54,6%); chỉ có 13/582 HS (2,2%) đạt điểm 8 trở lên ở môn Địa lý và 4 HS đạt điểm 8 trở lên ở môn Ngữ văn. Trường THPT Lạc Long Quân (Khánh Vĩnh) có 129/170 HS (chiếm 75,9%) dưới 5 điểm môn Tiếng Anh, 134 HS (78,8%) dưới 5 điểm môn Toán, 110 HS (64,7%) dưới 5 điểm môn Ngữ văn. Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Diên Khánh) có 364/777 HS (chiếm 46,8%) dưới 5 điểm môn Địa lý. Trường THPT Phan Bội Châu (Cam Ranh), chỉ có 38/723 HS (chiếm 5,3%) đạt 8 điểm trở lên môn Địa lý. Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Cam Lâm) có 144/269 HS (chiếm 53,5%) dưới 5 điểm môn Toán, 124 HS (46,1%) dưới 5 điểm môn Địa…

Học sinh Trường Trung học phổ thông Dân lập Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang) trong giờ học môn Địa lý.
Học sinh Trường Trung học phổ thông Dân lập Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang) trong giờ học môn Địa lý.

Được biết, đề kiểm tra các môn không khó. Nội dung đề nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu chương trình lớp 12. Qua kiểm tra sơ bộ ở một số trường, kết quả bài kiểm tra của HS không cao là do các em không biết cách học bài, làm bài, thiếu những kỹ năng, kinh nghiệm cần thiết. Nhiều HS làm bài đúng nhưng không đủ nên bị trừ điểm. “Kết quả này là căn cứ quan trọng để nhà trường chỉ đạo GV bộ môn điều chỉnh kịp thời trong việc ôn luyện cho HS”, ông Trần Thức nhấn mạnh.

. Rèn kỹ năng hơn “nhồi nhét”

Chỉ còn nửa tháng nữa là tới ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Các HS lớp 12 đang bước vào giai đoạn ôn thi nước rút. Để giúp HS đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi, tại Hội nghị tổ chức các kỳ thi năm 2012 (lần 2), lãnh đạo Sở GD-ĐT đã chỉ đạo hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh tăng cường bồi dưỡng đối với HS yếu. GV phải hướng dẫn HS phương pháp học hiệu quả, rèn kỹ năng hơn là “nhồi nhét”. Bên cạnh đó, các trường phải làm việc với phụ huynh HS, yêu cầu phụ huynh quản lý chặt chẽ hơn việc học tập của con em cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các em chuyên tâm học tập; quan trọng hơn hết là phải giáo dục ý thức tự học cho HS. Thầy cô giáo tận tâm đến mấy, phụ huynh lo lắng tạo điều kiện đến đâu nhưng HS không có ý thức, bỏ bê học hành thì mọi thứ đều như không.

Năm nay, trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT, môn Ngoại ngữ, Hóa học (đối với giáo dục THPT) và Hóa học, Vật lý (đối với giáo dục thường xuyên) thi theo hình thức trắc nghiệm. Các môn còn lại: Ngữ văn, Toán, Địa lý, Lịch sử thi theo hình thức tự luận. Qua kết quả thi tốt nghiệp của HS trong nhiều năm trở lại đây cho thấy, HS không dễ kiếm nhiều điểm ở môn Toán và Tiếng Anh; môn Văn, Sử, Địa lại càng khó kiếm điểm hơn nếu không biết cách học, “học vẹt”, “học tủ”. Ông Trần Thức - người trực tiếp chỉ đạo môn Địa của Sở GD-ĐT chia sẻ: “Các môn học dù là tự nhiên hay xã hội đều cần có tính khoa học. Có phương pháp học đúng không chỉ giúp HS nắm vững kiến thức mà còn đỡ mất thời gian. Với môn Địa, nhiều năm nay, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT đã có sự chuyển đổi hoàn toàn so với trước đây. Cụ thể, cách đặt các câu hỏi (đề thi) chuyển từ thuộc lòng theo kiểu nhớ kiến thức sang cách hỏi vận dụng kiến thức có tính chất tổng hợp hơn. HS thuộc bài nhưng chưa chắc đã làm bài được. Vì vậy, vận dụng kiến thức mới là khâu quan trọng chứ không phải thuộc lòng kiến thức”.

Môn Lịch sử vốn được nhiều HS coi là khó “nuốt” vì có quá nhiều số liệu, dữ kiện. Nhiều HS còn mặc định đây là môn phải học thuộc bài nên áp lực học và ôn tập càng nặng nề. Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập môn học này, cô Nguyễn Thị Kim Hoa - Phó Trưởng Phòng Quản lý khoa học và công nghệ thông tin, người trực tiếp chỉ đạo môn Sử của Sở GD-ĐT nói: “Học Sử là phải nhớ sự kiện, nắm kiến thức từng chương, từng phần. Do đặc thù bộ môn nên HS phải học thuộc bài, nhớ kỹ nội dung, không thuộc bài thì không thể nào làm bài được. Kiến thức của lịch sử là kiến thức của quá khứ, không thể sai lệch được. Khi ôn tập, HS cần học đều tất cả các bài trong sách giáo khoa, phải nhớ tên từng bài và mỗi bài có nội dung gì. Đồng thời, HS nên hệ thống các sự kiện lại với nhau để dễ hiểu bài, nhớ lâu và tránh được hiện tượng học lệch, học tủ”.

THU HIỀN