10:05, 12/05/2012

Khó xử lý “ma men” điều khiển phương tiện giao thông

Thiếu trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, người vi phạm không chấp hành việc kiểm tra…; đó là một số tồn tại khiến việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm liên quan đến sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn.

Thiếu trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, người vi phạm không chấp hành việc kiểm tra…; đó là một số tồn tại khiến việc kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm liên quan đến sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông của các lực lượng chức năng gặp không ít khó khăn. Gần 1 năm qua, trên địa bàn TP. Nha Trang chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì có nồng độ cồn vượt quá quy định…

Vòng quanh các nhà hàng, quán nhậu, từ sang trọng đến bình dân mỗi chiều tối, chỉ cần nhìn vào số lượng xe máy, ô tô xếp hàng dài trên đường và số khách đang hồ hởi “dzô dzô… trăm phần trăm”, cũng đủ thấy hàng đêm có đến hàng ngàn người tham gia giao thông có “ma men” làm bạn đồng hành. Tuy nhiên, trong năm qua, trên địa bàn TP. Nha Trang chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì có nồng độ cồn vượt quá quy định.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Dũng - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Nha Trang cho biết: “Nguyên nhân là do gần 1 năm nay, các thiết bị kiểm tra nồng độ cồn của Đội bị trục trặc, phải đi bảo dưỡng. Mặt khác, trên thực tế, để xử lý người có nồng độ cồn vượt quá quy định khi điều khiển phương tiện giao thông không dễ dàng, trong khi mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này chưa đủ sức răn đe, lực lượng CSGT lại mỏng”.

 Các nhà hàng đều có đông khách đến mỗi ngày.

 Các nhà hàng đều có đông khách đến mỗi ngày.

Được biết, thời gian qua, Đội CSGT TP. Nha Trang được trang bị 2 máy đo nồng độ cồn. Hàng năm, các thiết bị này đều được đưa đi kiểm tra chất lượng tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để xin gia hạn thời gian sử dụng. Giữa năm 2011, khi được đem đi bảo dưỡng theo định kỳ, cả 2 máy đều có biểu hiện hỏng và chờ khắc phục.

Bên cạnh việc thiếu trang thiết bị, tình trạng người vi phạm không chấp hành việc kiểm tra cũng xảy ra khá phổ biến. Một CSGT cho biết: Việc phát hiện và xử lý người tham gia giao thông có nồng độ cồn rất khó khăn. Khi kiểm tra nồng độ cồn, hầu hết người vi phạm đều tìm cách tránh né hoặc chống đối, không cộng tác với lực lượng chức năng. Có người ngậm vào ống nhưng mãi không chịu thổi, có người viện đủ lý do như sợ lây bệnh để không thổi vào máy, có người ngồi trong xe đóng chặt cửa không chịu ra… Xử lý những trường hợp vi phạm khác rất nhanh, thường không mất quá 10 phút, nhưng xử lý một người đang say mất rất nhiều thời gian, có khi đến 2 giờ nhưng vẫn không xử lý được, dù biết chắc họ say xỉn.

Mặt khác, việc xử lý các trường hợp vi phạm này lại thường tập trung vào giờ cao điểm, nhà hàng, quán nhậu mọc lên khắp nơi trong khi lực lượng tuần tra kiểm soát lại mỏng. Đó là chưa kể trường hợp khi thấy có lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, các chủ nhà hàng thường báo cho khách hàng tránh đi chỗ khác, hoặc chuyển sang đi bộ, đi xe ôm, taxi… Chính vì thế, tuy các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT đã tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng hiệu quả chưa cao, số người bị kiểm tra, phát hiện vi phạm về nồng độ cồn chưa nhiều, trong khi phương tiện cơ giới đường bộ tăng nhanh. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Nha Trang hiện đã có đến 250.000 xe máy và 18.000 ô tô các loại đang lưu thông và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

Sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân trực tiếp và chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT). Cho đến nay, tuy chưa có thống kê đầy đủ về các vụ TNGT do người sử dụng rượu bia gây ra, Khó xử lý nhưng tình trạng người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện gây tai nạn đã xảy ra không ít. Phần lớn các vụ TNGT xảy ra và để lại hậu quả đau lòng đều có nguyên nhân ban đầu là do “ma men” dẫn lối.

Vì vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi sử dụng rượu bia quá nồng độ đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ và mức độ quy định ngày càng chặt chẽ. Từ năm 1995 đến nay, Chính phủ đã 5 lần sửa đổi Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở đối với người điều khiển phương tiện cơ giới luôn được điều chỉnh cho phù hợp để tăng tính răn đe, giáo dục.

Trong Năm An toàn giao thông 2012, “phòng, chống uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông” là một trong những chủ đề chính được triển khai thực hiện. Để kiềm chế TNGT xuất phát từ nguyên nhân này, UBND TP. Nha Trang đã giao Công an thành phố xây dựng kế hoạch và chỉ đạo Đội CSGT thường xuyên trực tại các chốt giao thông trong giờ cao điểm và tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là vi phạm có nồng độ cồn vượt quá quy định; bổ sung thiết bị đo nồng độ cồn đồng thời tổ chức các chiến dịch cưỡng chế chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn. “Tin xấu” cho các “ma men”, đó là Đội CSGT TP. Nha Trang vừa được trang bị thêm 2 thiết bị đo nồng độ cồn mới. Và Đội đang tiến hành đợt cao điểm kiểm tra xử lý hành vi vi phạm này.

Thiếu tá Nguyễn Quốc Dũng cũng đề nghị các cơ sở y tế nên tăng cường kiểm tra, xác định nồng độ cồn, trong máu của người bị TNGT để tạo điều kiện cho cơ quan điều tra xử lý đúng người, đúng lỗi. Lâu nay, thủ tục trưng cầu giám định rất mất thời gian và chỉ những vụ nào cơ quan điều tra trưng cầu giám định, cơ sở y tế mới thực hiện. Và trong thời gian qua, các cơ quan y tế cũng mới giám định 1 trường hợp.

BÍCH KHUÊ

Theo quy định, đối với người điều khiển mô tô có nồng độ cồn vượt quá từ 0,25 - 0,4mg/l khí thở thì mức xử lý hành chính trung bình từ 200.000 - 400.000 đồng; nồng độ cồn vượt quá 0,4mg thì sẽ bị xử phạt từ 500.000 - 1 triệu đồng và tạm giữ xe 10 ngày.

Đối với người điều khiển ô tô có nồng độ cồn thấp hơn 0,25mg/l khí thở, sẽ bị xử phạt thấp nhất là 1 triệu đồng, mức trung bình là 5 triệu đồng và tạm giữ xe 10 ngày.