Lượng rác sinh hoạt nhiều, thường xuyên ứ đọng rác trong khu dân cư và chợ; nhân lực thu gom rác quá mỏng, kinh phí thấp… là những khó khăn mà chính quyền xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang gặp phải trong công tác xử lý, thu gom rác thải ở địa phương.
Lượng rác sinh hoạt nhiều, thường xuyên ứ đọng rác trong khu dân cư và chợ; nhân lực thu gom rác quá mỏng, kinh phí thấp… là những khó khăn mà chính quyền xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đang gặp phải trong công tác xử lý, thu gom rác thải ở địa phương.
. Tràn lan rác thải
Có mặt tại xã Ninh Phụng vào một ngày cuối tháng 4, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều bọc rác vứt dọc hai bên Quốc lộ 26, đoạn từ cầu Bến Gành đến cầu Đại Cát. Bãi đất trống gần Trạm Y tế xã và sân bóng tự phát cạnh chợ Ninh Phụng (thuộc thôn Xuân Hòa 1, Xuân Hòa 2) cũng đầy rác. Những túi nilon nhiều màu sắc cùng đủ loại rác thải vương vãi khắp nơi. Dưới chân cầu Đại Cát, hàng chục bọc rác đã bốc mùi xộc vào mũi người qua cầu. Chị Nguyễn Thị Hoa, một người dân buôn bán ở chợ Ninh Phụng bức xúc: Rác thải khắp nơi một phần là do một số hộ dân thiếu ý thức đổ rác ra đường, phần khác là do xe thu gom rác 3 ngày mới đi thu gom một lần chở về các điểm tập trung rác của xã. “Tuy xã đã thuê người dọn dẹp; phát động học sinh, Đoàn Thanh niên thu gom rác thải dọc hai bên Quốc lộ 26, nhưng do ý thức của một bộ phận người dân còn kém nên dọn sạch được vài ngày, đâu lại vào đấy” - chị Hoa nói. Theo ông Năm Hoàng (thôn Đại Cát 2), thời gian qua, xã có vận động người dân đóng tiền thu gom rác. Một số hộ hưởng ứng, nhưng có hộ lại không đồng ý. “Những hộ này cứ chờ sáng sớm đi tập thể dục hoặc tối đến là vứt rác ra đường”, ông Hoàng cho biết.
Hiện nay, vẫn thấy rác thải sinh hoạt vứt la liệt hai bên Quốc lộ 26. |
. Bài toán nan giải
Ông Dương Hữu Đạo, cán bộ phụ trách môi trường của địa phương cho biết, tình trạng rác thải tràn lan trên Quốc lộ 26, đoạn đi qua xã Ninh Phụng đang là vấn đề bức xúc của cả người dân và chính quyền. Thực ra, xã cũng đã đề ra nhiều phương án khắc phục, như để thùng rác tại một số nơi thường có nhiều rác. Tuy nhiên, nhiều người dân thiếu ý thức, bất kể loại rác nào cũng bỏ vào thùng, kể cả xác súc vật. Vì vậy, xã phải thu thùng rác về. Xã cũng đã vận động người dân xây dựng hố rác gia đình, phát động phong trào “5 không 3 sạch”, phạt tiền đối với hộ xả rác ra đường… Nhưng một số người lại né quy định bằng cách lợi dụng lúc mờ sáng hoặc đêm khuya, lén vứt rác ra đường. Đây là những thời điểm mà địa phương rất khó phát hiện và xử phạt kịp thời.
Được biết, xã đã vận động người dân đăng ký nộp tiền thu gom rác và đã có gần 200 hộ tham gia (khoảng 8% số hộ của địa phương). Đây là tín hiệu cho thấy người dân đã có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, hiện nay, xã lại thiếu kinh phí, phương tiện cũng như nhân lực thu gom rác, do vậy, khó mở rộng thu gom rác thải đến từng hộ dân. Ông Dương Hữu Đạo cho biết, với mức phí từ 5.000 đến 9.000 đồng hộ/tháng, mỗi tháng, xã thu được khoảng 1,3 - 1,4 triệu đồng. Trong khi đó, tiền thuê xe thu gom rác thải đến bãi rác là 1,2 triệu đồng/tháng, tiền hỗ trợ cho 2 công nhân thu gom rác là 100 ngàn đồng/người/tháng (tiền công của công nhân thu gom rác là 900 ngàn đồng/người/tháng, thị xã hỗ trợ 800 ngàn đồng/người/tháng), nên phần thu chỉ vừa đủ chi. Nếu mở rộng thu gom rác, chỉ cần thêm 100 hộ đóng phí, số tiền thu được tăng thêm khoảng 800.000 đồng/tháng. Khoản này không đủ để thuê thêm 1 công nhân thu gom rác bởi thị xã chỉ hỗ trợ trả lương cho 2 công nhân, nếu thuê thêm, xã phải trích từ khoản thu phí để trả.
Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Phụng cho biết, để giải bài toán này, UBND thị xã cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để xã hợp đồng với Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa thu gom rác thải sinh hoạt tại địa phương. Có như thế, Ninh Phụng mới giải quyết dứt điểm được tình trạng trên.
NGHĨA HÀ