Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới...
Theo đánh giá của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Khánh Hòa, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết (NQ) số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) trong tình hình mới, hoạt động VHNT trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ văn nghệ sĩ (VNS) đối với công tác phát triển VHNT có chuyển biến. Phong trào nghiên cứu, sáng tác VHNT tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần không nhỏ phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Ngay sau khi NQ của Bộ Chính trị được ban hành, BTV Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện. Sau khi được quán triệt về NQ của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của BTV Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh, đa số cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở đã nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của VHNT trong đời sống xã hội. Từ đó có sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ về mọi mặt để VHNT của tỉnh phát triển đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh, một số chính sách cho VNS đã được triển khai và sử dụng đúng mục đích như: đầu tư, hỗ trợ các trang thiết bị, cơ sở vật chất; chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ; quỹ hỗ trợ sáng tạo, công bố tác phẩm…, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ VNS trong tỉnh tiếp cận thực tế sinh động và đầu tư sáng tác, công bố tác phẩm… Từ năm 2009 đến 2011, nguồn quỹ hỗ trợ sáng tác đã chi hỗ trợ cho hơn 120 tác giả và nhóm tác giả về sáng tác, công bố tác phẩm; tổ chức hơn 10 chuyến đi thực tế và hỗ trợ hội viên tham gia liên hoan, triển lãm tại khu vực.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đưa nghệ thuật truyền thống ra đường phố, thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. |
Hiện toàn tỉnh có 16 câu lạc bộ VHNT với hơn 300 hội viên. Đây là con số không nhỏ, thể hiện sức mạnh và tiềm năng sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của tỉnh. Điều đáng phấn khởi là, tuy cuộc sống còn khó khăn, nhưng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, các VNS vẫn luôn bám sát thực tế sinh động, phát huy tinh thần sáng tạo, ngày càng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT giá trị, góp phần đắc lực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Mỗi năm có hàng trăm tác phẩm được xuất bản, triển lãm, dàn dựng hoặc phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có không ít tác phẩm đạt giải thưởng của tỉnh, Trung ương và quốc tế. Cụ thể, lĩnh vực văn học đã xuất bản được 46 cuốn sách, gồm các thể loại: nghiên cứu phê bình, tiểu thuyết, tập bút ký, truyện ký, hồi ký, tập thơ, tập truyện dịch. Lĩnh vực sân khấu đã dàn dựng 8 vở diễn ở các thể loại tuồng, dân ca kịch và một số trích đoạn mang tính thể nghiệm, đồng thời đã thực hiện hơn 200 buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong tỉnh. Dịp Tết Nhâm Thìn, lần đầu tiên, nghệ thuật tuồng truyền thống được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh đưa ra biểu diễn ở đường phố, lôi cuốn đông đảo người dân và du khách. Việc làm này góp phần đưa nghệ thuật tuồng tiếp cận với công chúng nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, cái hay, cái đẹp của loại hình nghệ thuật truyền thống. Lĩnh vực âm nhạc đã có gần 100 sáng tác mới được công bố (chủ yếu là ca khúc, khí nhạc, nhạc múa); sản xuất 20 đĩa VCD ca nhạc, thực hiện 15 chương trình biểu diễn âm nhạc, nhiều tác phẩm đạt giải thưởng cấp quốc gia, khu vực và tỉnh. Cuộc thi sáng tác tình khúc “Nha Trang điểm hẹn” có 144 tác phẩm tham gia, trong đó có 1 tác phẩm đạt giải nhì (không có giải nhất), 1 giải ba và 5 giải khuyến khích. Lĩnh vực văn nghệ dân gian đã hoàn thành hơn 10 công trình nghiên cứu, trong đó có 6 công trình được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng giải thưởng. Lĩnh vực mỹ thuật đã tổ chức được 7 triển lãm cá nhân, 3 triển lãm chung; hàng năm đều tổ chức cuộc thi sáng tác mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa với hàng chục nghìn tác phẩm dự thi; năm 2010 đã xuất bản tập tranh “Mỹ thuật thiếu nhi Khánh Hòa”. Lĩnh vực nhiếp ảnh có hàng trăm tác phẩm của các tác giả đăng tải, giới thiệu trên báo chí, tham gia triển lãm mỗi năm. Trong đó, có nhiều tác phẩm được triển lãm tại các nước và vùng lãnh thổ như: Anh, Mỹ, Pháp, Úc, Trung Quốc, Hồng Kông… Trung tâm Văn hóa tỉnh đã tổ chức 36 triển lãm ảnh, trong đó có nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật quy mô lớn như: Nét đẹp Xứ Trầm Hương, Khánh Hòa 20 năm xây dựng và phát triển, Khánh Hòa 40 năm theo di chúc của Người… Các đơn vị, doanh nghiệp trong tỉnh như Công ty Yến sào Khánh Hòa, Khu Du lịch Vinpearl Land, Khách sạn Novotel… cũng đã tổ chức nhiều cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật, góp phần thúc đẩy hoạt động nhiếp ảnh của tỉnh ngày càng phát triển. Cuộc thi sáng tác các tác phẩm VHNT và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã thu hút gần 200 tác giả trong và ngoài tỉnh tham gia với 583 tác phẩm, trong đó có 48 tác phẩm có chất lượng về nội dung và hình thức thể hiện, được Ban tổ chức khen thưởng; đã xuất bản Tuyển tập các tác phẩm VHNT và báo chí trong cuộc thi sáng tác về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu tài năng trẻ được quan tâm. Tạp chí Nha Trang đã có một số chuyên đề giới thiệu tác phẩm của các tác giả trẻ. Hàng năm, các cây viết trẻ được tham dự các trại sáng tác do Trung ương và địa phương tổ chức. Đến nay, Khánh Hòa đã tổ chức được 3 hội nghị những tác giả trẻ toàn tỉnh, tạo điều kiện để các cây bút trẻ giao lưu, nâng cao nhận thức về chính trị cũng như chuyên môn.
Các lĩnh vực khác như: Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Các cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng được duy trì và phát triển tốt. Các công trình văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được đầu tư, tôn tạo và sử dụng đã phát huy hiệu quả. Theo thống kê, đến nay, Khánh Hòa có 1.591 loại di sản văn hóa phi vật thể và 1.098 di tích và có dấu hiệu di tích, trong đó có 140 di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 13 di tích cấp quốc gia. Đây là tín hiệu tích cực đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.
Tuy vẫn còn một số tồn tại và hạn chế, nhưng với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, tin rằng, thời gian tới, hoạt động VHNT của tỉnh sẽ còn nhiều khởi sắc.
NGỌC KHÁNH