Ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020”.
Ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2010-2020”. Đề án này mở ra cơ hội việc làm mới cho học sinh, sinh viên (HS-SV) đã, đang và sẽ theo học ngành CTXH…
. Sự cần thiết của công tác xã hội
Theo các chuyên gia đầu ngành, nghề CTXH là hoạt động chuyên nghiệp, có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội. Mục đích của CTXH nhằm trợ giúp con người cũng như cộng đồng giải quyết và đối phó với các khó khăn trong cuộc sống; tìm ra những điểm mạnh và phát huy tiềm năng của cá nhân, nhóm và cộng đồng trong giải quyết các vấn đề xã hội. Đồng thời, nối kết con người với các nguồn lực và hệ thống các dịch vụ xã hội. Từ đó, thúc đẩy các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ và nguồn lực cho con người hoạt động có hiệu quả và mang tính nhân văn hơn; tạo sự phát triển và cải thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, chuyên viên công tác xã hội trên địa bàn tỉnh còn rất thiếu. |
CTXH có chức năng cung cấp dịch vụ và hoạt động để ngăn ngừa những trường hợp khó khăn về tâm lý, quan hệ, kinh tế… có thể xảy ra. Người làm CTXH sẽ làm việc với cá nhân, nhóm, cộng đồng để đưa ra các giải pháp làm giảm bớt hoặc loại trừ những vấn đề, khó khăn đã và có nguy cơ phát sinh. Đồng thời, phục hồi chức năng hoạt động về thể chất, tâm lý, xã hội… cho những đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội. Bên cạnh đó, phát huy những tiềm năng để tăng năng lực giúp đỡ con người vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nâng cao chất lượng sống và tăng cường trách nhiệm đối với xã hội.
Ông Trần Hiệp - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội (BTXH) tỉnh cho biết: “Lĩnh vực của ngành CTXH rất rộng, gồm: tham vấn, tư vấn, tiếp nhận và nuôi dưỡng ngắn hạn các đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp như: Trẻ em bị bỏ rơi, bị bắt cóc, nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị xâm hại tình dục, nạn nhân bị buôn bán, bị cưỡng bức lao động. Bên cạnh đó, người làm CTXH sẽ tham vấn, tư vấn, cung cấp dịch vụ cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH. Đồng thời, tham vấn, tư vấn, cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cần thiết cho các đối tượng sinh sống tại các địa phương, đang gặp khó khăn trong cuộc sống như: Trẻ em mồ côi, khuyết tật, khiếm thị, người cao tuổi cô đơn thuộc hộ gia đình nghèo, người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh tâm thần mãn tính, người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động thuộc hộ gia đình nghèo…”.
Cùng với đó, nghề CTXH còn thực hiện công tác bảo vệ trẻ em ở một số lĩnh vực như: tham vấn, tư vấn, hỗ trợ gia đình tiếp cận các dịch vụ xã hội; thực hiện các biện pháp chăm sóc thay thế đối với trẻ em không còn người thân hoặc gia đình không có khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng; tư vấn pháp lý đối với trẻ em làm trái pháp luật; kết nối các dịch vụ để bảo vệ trẻ em... Nghề CTXH cũng sẽ cung cấp các dịch vụ đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người dễ bị tổn thương như: thất nghiệp, nhiễm HIV/AIDS, có vấn đề sức khỏe mãn tính. Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng và cung cấp các dịch vụ về giáo dục xã hội như: Hỗ trợ HS-SV có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp và tác động tới hoạt động của trường học, gia đình và cộng đồng nhằm đạt mục tiêu trong học tập.
Ngoài ra, CTXH còn cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe tâm thần như: Hỗ trợ bệnh nhân và gia đình giải quyết các vấn đề xã hội, tâm lý, tình cảm hoặc những căng thẳng phát sinh từ bệnh tật, thương tích. Tham gia các chương trình tư vấn sức khỏe cộng đồng và thực hiện những kỹ năng, nghiệp vụ, quy trình phối hợp giải quyết, hỗ trợ cá nhân và gia đình đối tượng. Cùng với đó, CTXH còn tham gia đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong hoạt động phòng, chống, ngăn ngừa tệ nạn xã hội, xây dựng các dự án cộng đồng, nghiên cứu các vấn đề phát triển xã hội. Tham gia đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ đang công tác tại các cơ sở BTXH, cán bộ làm CTXH cấp huyện, thị xã, thành phố và cộng tác viên CTXH đang công tác tại các xã, phường, thị trấn…
. Cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên
Hiện nay, số lượng cán bộ, viên chức đang công tác tại các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội trong cả nước nói chung, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng qua đào tạo chính quy, chuyên nghiệp về nghề CTXH rất ít. Trong khi đó, các vấn đề xã hội ngày càng phát sinh mạnh, cần có đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp để giải quyết kịp thời. Vì vậy, việc lựa chọn nghề này là phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và có rất nhiều cơ hội tìm việc đối với những HS-SV sau khi tốt nghiệp nghề CTXH.
Theo khảo sát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến năm 2015, toàn tỉnh có khoảng 418.000 người cần được hỗ trợ dịch vụ CTXH. Đến năm 2020, số lượng đối tượng cần được hỗ trợ dịch vụ CTXH khoảng 475.000 người. Giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh sẽ ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các đơn vị như: Nâng cấp Trung tâm BTXH tỉnh, thành lập Trung tâm BTXH huyện Khánh Sơn, Trung tâm BTXH huyện Khánh Vĩnh, Trung tâm BTXH TP. Cam Ranh (Cam Ranh - Cam Lâm), Trung tâm BTXH thị xã Ninh Hòa (Ninh Hòa - Vạn Ninh). Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các cơ sở BTXH ngoài công lập và bố trí đội ngũ nhân viên CTXH không chuyên trách tại 137 xã, phường, thị trấn. Chính vì vậy, đây là cơ hội việc làm rất lớn cho HS-SV đang theo học nghề CTXH sau khi tốt nghiệp.
Ông Trần Hiệp nhấn mạnh: “Sinh viên đang theo học các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học nghề CTXH muốn có cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp thì ngay từ khi đang theo học, cần nỗ lực trong học tập, tiếp thu tốt những kiến thức về nghề CTXH. Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia các hoạt động xã hội để có điều kiện rèn luyện những kỹ năng cơ bản của nghề CTXH như: Kỹ năng giao tiếp không lời, hỏi đáp, phản hồi, cách ăn mặc, sử dụng câu hỏi hợp lý, kỹ năng khích lệ, làm rõ ý, thấu cảm…”.
VĂN GIANG