Nộp thuế là nghĩa vụ đồng thời là trách nhiệm của người dân và các tổ chức. Tuy vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ngành Thuế vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý các đối tượng chịu thuế, trong đó có trường hợp liên quan đến đơn vị quốc phòng.
Nộp thuế là nghĩa vụ đồng thời là trách nhiệm của người dân và các tổ chức. Tuy vậy, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ngành Thuế vẫn gặp khó khăn trong việc quản lý các đối tượng chịu thuế, trong đó có trường hợp liên quan đến đơn vị quốc phòng.
. Bên yêu cầu nộp, bên nói không
Gần đây, có dư luận Trường Sĩ quan Chỉ huy kỹ thuật Thông tin (SQCHKTTT) cho thuê mặt bằng nhưng không đóng thuế. Ông Trần Sơn Nam, nguyên Đội phó phụ trách Đội Thuế phường Vĩnh Hòa, Nha Trang trao đổi với chúng tôi: “Các ki-ốt kinh doanh nằm trên đất của Trường SQCHKTTT thuộc diện quản lý thuế của Đội Thuế phường Vĩnh Hòa. Trong quá trình quản lý thu thuế, người kinh doanh có xuất trình các hợp đồng cho thuê mặt bằng giữa các hộ kinh doanh với nhà trường. Tuy các hộ kinh doanh đã kê khai và nộp thuế đầy đủ, song phía cho thuê mặt bằng lại không kê khai, nộp thuế theo quy định. Xét thấy bên cho thuê mặt bằng là đơn vị quân đội và hiện chưa quản lý thuế nên Đội Thuế đã chuyển hồ sơ về Đội Thanh tra thuế của Chi cục Thuế TP. Nha Trang”.
Các ki-ốt này được xây dựng trong khuôn viên Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật thông tin |
Qua xác minh, chúng tôi được biết, từ năm 2008, Trường SQCHKTTT đã cho xây dựng rất nhiều ki-ốt dọc đường Mai Xuân Thưởng để cho thuê. Từ đó đến nay, nhà trường chưa hề kê khai, nộp các loại thuế theo quy định. Ngay cả khi ngành Thuế phát hiện và mời nhà trường lên làm việc cũng gặp khó khăn. Ông Phạm Văn Khanh - Đội trưởng Đội Kiểm tra thuế số 3 Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho biết: “Sau khi có hồ sơ của Đội Thuế gửi về, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã có công văn mời đại diện nhà trường lên làm việc. Tuy nhiên, nhà trường không hợp tác. Sau khi Chi cục tiếp tục gửi 2 văn bản thì họ mới cử người đến giải quyết”.
Trong quá trình làm việc, Chi cục Thuế TP. Nha Trang luôn khẳng định, Trường SQCHKTTT thuộc đối tượng phải chịu các loại thuế khi cho thuê mặt bằng. Tuy nhiên, Trường SQCHKTTT lại không đồng ý. Trong công văn gửi Chi cục Thuế, Trường SQCHKTTT giải trình: “Thực tế, khu căng-tin dịch vụ (ki-ốt) của nhà trường đều nằm trong đất quốc phòng. Nhà trường đầu tư xây dựng khu căng-tin dịch vụ với mục đích phục vụ bộ đội, nhưng do biên chế của nhà trường có hạn, không có biên chế trực tiếp làm, mặt khác, để giải quyết chính sách cho các đối tượng là vợ, con, thân nhân của cán bộ, nhân viên trong trường gặp khó khăn, không có việc làm, không có nhà ở, phải đi thuê, nhà trường đã giao cho các hộ gia đình sử dụng để ở và kinh doanh một số mặt hàng phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương”. Trường SQCHKTTT còn viện dẫn Thông tư số 35/2009/TT-BQP và Thông tư số 55/2009/TT-BQP để khẳng định nhà trường không thuộc diện chịu thuế.
Ông Phạm Hoài Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang đánh giá: “Việc quản lý thuế trong phạm vi đất quân đội có những khó khăn riêng. Nhưng không phải đơn vị nào cũng không chấp hành; có những đơn vị vẫn thực hiện rất tốt nghĩa vụ thuế”.
. Xây ki-ốt không phải để cho thuê?
Trước 2 luồng quan điểm trái chiều của 2 phía, chúng tôi đã làm việc với Trường SQCHKTTT. Đại tá Phạm Văn Vỹ - Chính ủy Trường SQCHKTTT đã chỉ đạo trực tiếp cho Phòng Hậu cần làm việc với chúng tôi. Trung tá Đặng Tiến Cường - Phó phòng Hậu Cần cho rằng, việc xây dựng các ki-ốt này không nhằm mục đích cho thuê. Ông cho biết: “Năm 2008, Trường SQCHKTTT có cho xây dựng 24 ki-ốt, mục đích ban đầu là để bộ đội bán những mặt hàng phục vụ cho cán bộ, học viên của nhà trường. Nhưng do trường không có người để bán, trong khi đó, đa số cán bộ lại chưa có nhà ở nên nhà trường đã cho các gia đình cán bộ về đây ở. Trong quá trình ở, các gia đình này có buôn bán một số hàng tạp hóa và luôn hoàn thành các loại lệ phí cũng như các loại thuế đối với Nhà nước”. Vì vậy, ông Cường yêu cầu Chi cục Thuế TP. Nha Trang không đưa Trường SQCHKTTT vào diện chịu thuế.
Ký túc xá của Trường Sĩ quan chỉ huy Kỹ thuật Thông tin nhưng chủ yếu là người dân thuê ở |
Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị nhà trường cung cấp văn bản chứng minh cho lập luận này thì Thượng úy Đình Nhật, trợ lý Ban Doanh trại đã phản ứng khá quyết liệt và cho rằng, chúng tôi đến làm việc nhưng không có công văn, không có giấy giới thiệu đích danh nên không cung cấp. Điều này khiến chúng tôi bất ngờ. Bởi, tuy không có giấy giới thiệu đích danh nhưng chúng tôi đã có giấy giới thiệu của cơ quan gửi cho các cơ quan, đơn vị trong tỉnh; bên cạnh đó, lãnh đạo nhà trường cũng đã chấp nhận làm việc với chúng tôi. Hơn thế, tuy Trung tá Đặng Tiến Cường đã yêu cầu Thượng úy Đình Nhật chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng vị trợ lý này vẫn cho rằng “cung cấp hay không là quyền của mình”.
. Đâu là sự thật?
Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, tuy Trường SQCHKTTT khẳng định nhà trường xây dựng khu ki-ốt nhằm giải quyết chính sách cho vợ, con, thân nhân của cán bộ, nhân viên trong trường, nhưng sự thực không hẳn như vậy. Quan sát dọc đường Mai Xuân Thưởng, chúng tôi nhận thấy có 40 ki-ốt được xây dựng trong phạm vi đất của Trường SQCHKTTT. Trong vai người đi thuê ki-ốt, chúng tôi được bà T., một hộ kinh doanh thuê ki-ốt tại đây giải thích cặn kẽ về đối tượng được thuê, cách thức thuê, sang nhượng mặt bằng cũng như thủ tục ký hợp đồng. Bà T. khẳng định: “Các ki-ốt ở đây được Trường SQCHKTTT xây từ tháng 3-2008. Hầu hết ki-ốt đều được nhà trường cho người dân thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Không phân biệt đối tượng, ai có nhu cầu thuê (kèm theo giấy chứng minh nhân dân và hộ khẩu) là được trường chấp thuận. Trường ký hợp đồng với hộ kinh doanh theo từng năm, 3 tháng, người thuê ki-ốt đóng tiền cho Phòng Hậu cần của trường một lần”. Thấy chúng tôi còn nghi ngờ, bà T. tiếp: “Lúc mới đến, tôi cũng cho rằng chỉ có người trong trường mới được ở các ki-ốt này, người ngoài muốn thuê phải được người trong trường giới thiệu. Không ngờ, dân thường như vợ chồng tôi cũng thuê được. Ban đầu, tôi thuê một ki-ốt khác, sau đó chuyển nhượng ki-ốt này cho người em; rồi sang lại ki-ốt hiện nay với số tiền 13 triệu đồng để bán hàng tạp hóa”. Khi nghe chúng tôi nói cần tìm mặt bằng để kinh doanh, bà T. bật mí: “Trường SQCHKTTT đã cho thuê hết ki-ốt rồi. Nếu anh chị muốn sang lại mặt bằng thì có ki-ốt ở đầu đường (cũng thuê của trường) đang muốn sang lại với giá khoảng 20 triệu đồng. Anh chị ưng thì đến đó hỏi. Nếu muốn tiết kiệm tiền thì đợi quý sau, tôi giới thiệu ki-ốt trước đây đã thuê để anh chị làm chung. Sau khi 2 bên thỏa thuận giá, người thuê ki-ốt cũ sẽ dẫn anh chị vô trường để làm thủ tục sang nhượng…”.
Ngoài ra, chúng tôi còn phát hiện một khu nhà trọ được xây dựng ngay trong khuôn viên của trường với tên gọi “Ký túc xá Trường SQCHKTTT”. Tuy là ký túc xá của quân đội nhưng đa số người ở đều là dân thường. Khi chúng tôi hỏi thuê phòng, anh N.H, người xưng là quản lý ký túc xá đã dẫn chúng tôi đi xem phòng. Sau khi làm quen, anh niềm nở: “Hiện chỉ còn một phòng trống, nếu anh chị muốn thuê thì gọi điện sớm cho tôi. Tôi sẽ làm hợp đồng cho anh chị”. Sau đó, anh N.H giải thích thêm: “Tất cả 45 phòng trọ này đều do gia đình tôi quản lý. Mọi thủ tục cho thuê phòng không phải thông qua nhà trường…”.
LAM ĐIỀN - KIM THAO
Ông Trần Sỹ Quân - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Căn cứ kết quả điều tra của phóng viên thì việc Trường SQCHKTTT đề nghị không đưa các ki-ốt của trường vào diện chịu thuế là không đúng. Việc nhà trường trình bày xây ki-ốt để cho các cán bộ ở là không phù hợp với thực tế. Bản chất hợp đồng là cho thuê mặt bằng nên theo quy định phải chịu thuế.
Ông Phạm Hoài Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang: Căn cứ quy định của các luật thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành thì hoạt động cho thuê ki-ốt của Trường SQCHKTTT thuộc đối tượng phải kê khai, nộp các loại thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và môn bài.
Trung tá Đặng Tiến Cường - Phó phòng Hậu cần Trường SQCHKTTT: Theo ý kiến của Hiệu trưởng nhà trường, trong thời gian tới, sẽ thu hồi toàn bộ các ki-ốt để lấy đất phục vụ vào mục đích quốc phòng.