05:05, 02/05/2012

Nhớ nhà báo, nhà hoạt động cách mạng lão thành Lý Văn Sáu

Vào một sáng đầu Xuân 2006, tôi đến thăm nhà thơ Giang Nam ở số 46 Yersin (TP. Nha Trang), tình cờ lại được gặp nhà báo Lý Văn Sáu vừa từ Hà Nội vào. 

 

 

Vào một sáng đầu Xuân 2006, tôi đến thăm nhà thơ Giang Nam ở số 46 Yersin (TP. Nha Trang), tình cờ lại được gặp nhà báo Lý Văn Sáu vừa từ Hà Nội vào. Chỉ qua ít phút trò chuyện, tôi đã cảm mến ông, một người hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực và có cách nói chuyện giản dị, tình cảm, thu hút người nghe.

Hôm sau, nhà báo Lý Văn Sáu, nhà thơ Giang Nam và bác sĩ Kiều Xuân Cư lên thăm chiến khu Hòn Dữ, nơi các ông hoạt động và cho ra đời tờ báo “Thắng” năm 1947 - tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay. Trong chuyến đi đó, tôi vinh hạnh được đi cùng. Sáng ấy, trời mưa to gió lớn do ảnh hưởng của đợt gió mùa ở miền Bắc. Tuy thời tiết không thuận nhưng cả ba vẫn quyết tâm lên đường. Nhà báo Lý Văn Sáu, khi ấy đã 82 tuổi, bác sĩ Kiều Xuân Cư 90 tuổi và nhà thơ Giang Nam 82 tuổi, cả ba đều đã vào tuổi “xưa nay hiếm”. Được về thăm lại chiến trường xưa, các cụ rất phấn khởi, hăng hái hệt như thời trẻ ra trận. Dọc đường đi, các cụ trò chuyện rôm rả. Từ Nha Trang lên Khánh Vĩnh chỉ hơn 30km, vậy mà lái xe phải đi mất hơn 2 giờ, bởi các cụ muốn vừa đi vừa ngắm làng mạc hai bên đường - những nơi mà cách đây hơn nửa thế kỷ, các cụ từng hoạt động cách mạng. Ở một số nơi như cây Dầu Đôi, ngã ba Thành Diên Khánh, thôn Thanh Minh, huyện Diên Khánh…, xe còn dừng lại để các cụ xuống ngắm kỹ từng dấu tích bom đạn còn lại trên từng cổng làng, thân cây…

Chuyến đi ấy giúp tôi hiểu biết đôi chút về nhà báo - nhà cách mạng lão thành Lý Văn Sáu. Ông là một người sống rất tình cảm, luôn trân trọng quá khứ. Về thăm lại các bản làng, ông vào từng nhà dân, cho quà các cháu nhỏ, động viên bà con tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống, tích cực dựng xây quê hương. Cảm động nhất là khi thăm Trường Tiểu học Cầu Bà. Xe vừa đỗ, dân làng ùa ra đón. Nhiều cụ già từng che chở, giúp đỡ nhà báo Lý Văn Sáu, nhà thơ Giang Nam và bác sĩ Kiều Xuân Cư hoạt động thời chống Pháp còn tới tận cửa xe, bắt tay, ôm hôn các cụ. Khi về huyện Khánh Vĩnh, nhà báo Lý Văn Sáu tâm sự: “Mình là người có vinh hạnh đi nhiều nơi, trong nước, ngoài nước đủ cả, nhưng suốt mấy chục năm qua, lòng vẫn canh cánh nhớ về Khánh Vĩnh, thương đồng bào dân tộc đã đùm bọc chở che chúng mình suốt 9 năm kháng chiến gian khổ. Giờ về thăm lại, thấy đồng bào ấm no, con em được học hành, đường sá đi lại thuận tiện, nhà nào cũng có điện thắp sáng…, mình mừng, mừng lắm!”. Từ sau chuyến đi đó, hễ nhà báo Lý Văn Sáu vào thăm Nha Trang (Khánh Hòa), ông lại kêu tôi đi cùng lên thăm Diên Khánh, Khánh Vĩnh. Những chuyến đi ấy đã giúp tôi học được rất nhiều về phong cách tiếp xúc với cán bộ địa phương và cách lấy tài liệu. Ông là nhà báo giàu kinh nghiệm khi tác nghiệp.

Cuối năm 2006, tôi xuất bản tập truyện ngắn: “Tiếng vĩ cầm trong đêm” và có gửi biếu ông. Nhà báo Lý Văn Sáu đọc rất kỹ và viết thư cho tôi, đưa ra nhận xét tinh tế, nêu cả những ưu, nhược điểm trong tập truyện của tôi. Tôi rất trân trọng những nhận xét quý báu của ông.

Nhà báo Lý Văn Sáu vào Khánh Hòa hoạt động cách mạng từ trước năm 1940. Theo nhà thơ Giang Nam và bác sĩ Kiều Xuân Cư - hai người bạn và đồng chí của nhà báo Lý Văn Sáu, 3 ông là những người góp phần đắc lực để làm ra tờ báo “Thắng” - tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay. Sau khi về nghỉ hưu tại Hà Nội, tuy sức khỏe yếu nhưng nhà báo Lý Văn Sáu vẫn thường xuyên viết bài cho các báo, đài ở Trung ương. Đặc biệt, ông thường xuyên quan tâm đến Khánh Hòa, đọc và theo dõi từng bước trưởng thành của tỉnh nói chung và báo Khánh Hòa nói riêng.

Mấy năm gần đây, nhà báo Lý Văn Sáu lâm bệnh nặng. Hàng ngày, việc đi lại đều nhờ vào chiếc xe lăn. Tuy vậy, đầu óc ông vẫn minh mẫn; ông vẫn chăm chú đọc sách, báo và nghe đài. Mới cách đây 1 tháng, ông còn viết thư cho bác sĩ Kiều Xuân Cư, bày tỏ niềm vui khi đọc được bài đăng trên báo Quân đội nhân dân số ra Thứ bảy, ngày 10-12-2011: “Người mang mùa xuân lên buôn làng” viết về bác sĩ Kiều Xuân Cư trao nhà tình nghĩa cho đồng bào dân tộc huyện Khánh Vĩnh. Không ngờ, mới đấy mà ông đã về cõi vĩnh hằng, để lại nỗi tiếc thương sâu sắc cho gia đình, bè bạn, đồng chí, đồng nghiệp.

Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt nhà báo, nhà hoạt động cách mạng lão thành Lý Văn Sáu.

XUÂN TUYNH

Nhà báo LÝ VĂN SÁU, tên khai sinh là Nguyễn Bá Đàn, sinh năm 1924, quê quán: Nghệ An; từng giữ chức vụ Trưởng Ty Thông tin tỉnh Khánh Hòa; chủ bút tờ báo Thắng năm 1947 - tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay; Giám đốc Đài Phát thanh Tiếng nói miền Nam; Phó Trưởng đoàn đại diện cơ quan đại diện thường trú Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cu Ba; Vụ phó Vụ Tuyên truyền Ban Thống nhất Trung ương; người phát ngôn phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau này là phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) tại Hội nghị Paris về Việt Nam; người phát ngôn phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Hội nghị hiệp thương giữa hai bên miền Nam Việt Nam họp tại Paris; Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Văn hóa của Ban Miền Nam trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Phó Giám đốc thứ nhất Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh - Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng Biên tập Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam; Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba; được tặng thưởng 3 Huân chương và 6 Huy chương cao quý.

Lễ viếng đồng chí Lý Văn Sáu được tổ chức từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 ngày 6-5-2012 (tức 16 tháng Tư âm lịch);

Lễ truy điệu tổ chức từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 30 cùng ngày tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội);

An táng tại Nghĩa trang Thanh Tước (Hà Nội).