Một báo cáo do Mỹ vừa công bố cho thấy, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư…
Một báo cáo do Mỹ vừa công bố cho thấy, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư… Tuy nhiên, vì 7.000 chất độc này không hiện hữu trước mắt nên người hút thuốc lá vẫn dửng dưng, trong khi các chất độc này còn kinh khủng hơn cả đại dịch AIDS và tai nạn giao thông. Nó âm thầm tấn công vào cơ thể và mỗi năm cướp đi sinh mạng của khoảng 40.000 người Việt Nam.
Khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc
Bác sĩ Nguyễn Thế Tài - Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh cho biết, thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong trên thế giới. Một báo cáo do Mỹ vừa công bố cũng cho thấy, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, không phải 4.000 chất như được công bố trước đây; trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư, đó là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này, khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết, gây ra bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư. Những nghiên cứu gần đây cho thấy, những người hút thuốc lá có thể mắc nhiều loại bệnh khác nhau như ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tràn dịch màng phổi do lao, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư da, các bệnh tim mạch… Ngoài ra, những người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc của người khác cũng có nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Năm 2011, toàn tỉnh có 1.309 bệnh nhân bị mắc bệnh lao phổi và hơn 60% bệnh nhân này đều có tiền sử hút thuốc lá. Riêng Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh năm qua đã tiếp nhận điều trị nội trú 48 ca mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, 21 ca ung thư phổi màng phổi; trong số này, hơn 95% bệnh nhân đều có tiền sử hút thuốc lá trên 10 năm.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, trên thế giới có 5,4 triệu người chết do hút thuốc chủ động và khoảng 600.000 người chết do hút thuốc thụ động. WHO cảnh báo, nếu Việt Nam không có các biện pháp mạnh và hiệu quả phòng, chống tác hại thuốc lá thì đến năm 2030, số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng đến 70.000 người/năm. Không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe con người mà thuốc lá cũng chính là nguyên nhân gây ra đói nghèo. Xã hội phải trả khoảng 2.000 tỷ đồng/năm cho những chi phí khám, chữa các bệnh liên quan đến thuốc lá. Mới đây, WHO đã thử nghiệm tác hại của thuốc lá đến lá phổi của con người. Các nhà khoa học thử nghiệm với 400 điếu thuốc, mỗi điếu thuốc có chứa 18mg nhựa. Kết quả cho thấy, khi đốt hết 150 điếu thuốc thì màu nước trong bình (tượng trưng cho lá phổi con người) đã chuyển từ màu trắng trong sang màu vàng như nước chè pha loãng. Khi đốt đến điếu thứ 380, nước chuyển thành màu đen đặc như cà phê do thấm nhựa, và sau 400 điếu, nước đen kịt như màu nước cống. Sau khi tiến hành đun chỗ nước này lên, bốc hết hơi nước, các nhà khoa học thu lại được 7,2g nhựa rất dính và đắng. Tương tự như vậy, khi hút thuốc, với số lượng đạt như mức thử nghiệm, lá phổi của con người cũng trở nên đen kịt do nhựa dính chặt. Và đó là nguyên nhân gây bệnh ung thư phổi ngày càng phổ biến hiện nay. Trong khi đó, 1 người nghiện thuốc lá có thể hút mỗi ngày 1 bao thuốc (20 điếu) và thậm chí còn nhiều hơn.
. Thực trạng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, gấp 4 lần số người chết vì tai nạn giao thông. Theo một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K (Hà Nội), những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm. Đặc biệt, những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc có nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Ngoài ra, trẻ phải ngửi khói thuốc thụ động cũng hay mắc các bệnh lý như viêm họng, viêm tắc mũi, khàn tiếng, và bị cúm nhiều hơn những đứa trẻ không phơi nhiễm. Nghiên cứu của Viện Chiến lược và chính sách y tế năm 2011 cho thấy có khoảng 11% tổng số ca tử vong ở nam giới có liên quan đến thuốc lá. Tỷ lệ nam thanh thiếu niên hút thuốc lá ở Việt Nam ngày càng trẻ hóa. Họ bắt đầu hút thuốc ở độ tuổi trung bình là 19 và khoảng 43% người hút thuốc hiện nay nằm trong độ tuổi từ 15-45.
Bác sĩ Bùi Xuân Minh - Giám đốc Sở Y tế cho biết, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31-5) và ngày Thế giới không thuốc lá (31-5), ngành Y tế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày này như mít tinh, treo băng rôn, khẩu hiệu; lồng ghép hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá vào phong trào xây dựng làng văn hóa, sức khỏe với xây dựng cộng đồng dân cư không có người hút thuốc lá, thuốc lào. Ngoài ra, ngày 31-5, Hội Y tế công cộng tỉnh phối hợp với TP. Nha Trang phát động lễ “Xây dựng TP. Nha Trang không khói thuốc”.
BÁ NGHĨA
Năm nay, chủ đề của ngày Thế giới không thuốc lá (31-5) là “Sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá đối với chính sách phòng, chống tác hại của thuốc lá”. Chủ đề năm nay tập trung nêu lên sự cần thiết phải phơi bày và ngăn chặn những hành động trắng trợn của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm làm suy yếu Công ước khung về kiểm soát thuốc lá.