08:05, 03/05/2012

Sống trong nỗi lo ngập lụt

Từ nhiều năm nay, địa bàn thôn Vĩnh Điềm Trung cứ hễ mưa là bị ngập. Nước tràn vào sân, nhà người dân và ứ đọng cả tuần. Điều này đã khiến hàng trăm hộ gia đình gặp khó khăn trong đi lại, sinh hoạt và sản xuất. Vậy, nguyên nhân do đâu?

Từ nhiều năm nay, địa bàn thôn Vĩnh Điềm Trung cứ hễ mưa là bị ngập. Nước tràn vào sân, nhà người dân và ứ đọng cả tuần. Điều này đã khiến hàng trăm hộ gia đình gặp khó khăn trong đi lại, sinh hoạt và sản xuất. Vậy, nguyên nhân do đâu?

. Người dân kêu khổ

Nói về tình trạng ngập lụt ở thôn Vĩnh Điềm Trung (nằm sát Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung), anh Nguyễn Văn Tiến, ở tổ 1, kể: “Cứ mưa xuống nhà tôi lại ngập. Trước đây, khi Dự án khu đô thị Vĩnh Điềm Trung chưa xây dựng, mưa xuống nhà cũng ngập, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn nước chảy ra khu vực có ruộng, rút rất nhanh. Bây giờ dự án đổ nền quá cao, nước không thoát được. Mưa một đêm là nước ngập đến đầu gối, tràn vào sân nhà, ngập nửa bánh xe, không đi được”. Anh Huỳnh Công Việt (cùng ở tổ 1) cho biết, anh sống ở đây đã 4 năm. Mỗi khi mưa xuống, tất cả con đường hẻm quanh xóm đều chìm trong nước, sinh hoạt rất khó khăn. Bà Đinh Thị Gia, hàng xóm cạnh nhà anh Việt, cũng bức xúc: “Đây vốn là vùng trũng, mưa lớn là ngập, rất khổ. Nhưng trước đây nước ngập rút rất nhanh, còn bây giờ dự án xây cất nhà cửa, mỗi khi ngập là nước không rút, gây ứ đọng cả tuần, đi làm ra vào cứ lội bì bõm trong nước ô nhiễm, lở loét hết cả chân; lăng quăng, muỗi cũng sinh sôi nảy nở”. Đối với anh Phạm Xuân Phụng - một nông dân trồng rau trong thôn - thì “nhà tôi có khoảng 1 sào đất trồng rau. Cứ mỗi lần mưa to, rau trong vườn ngập lênh láng, rau lớn, rau nhỏ đều chết hết. Rau chết, cỏ mọc nhiều, người dân không làm rau màu được nên đành bỏ hoang”


 Khu vực phải đặt máy bơm khi có mưa để chống ngập.
 Khu vực phải đặt máy bơm khi có mưa để chống ngập.

 

Đa số hộ dân trong thôn đều cho biết, tình trạng ngập úng kéo dài đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe, quá trình đi lại của hàng trăm hộ dân. Mỗi lần mưa ngập, bà con tụ tập 5 - 7 người, đến gặp Ban Quản lý Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung phản ánh thì họ mới mang máy ra bơm; nếu không thì phải chịu sống chung với nước ngập ô nhiễm kéo dài cả tuần, mùa mưa thì cả tháng.

. Đã nỗ lực giải quyết nhưng chưa hiệu quả

Ông Lê Thành Nhân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hiệp cho biết: Khu vực thôn Vĩnh Điềm Trung vốn là một vùng ruộng trũng, cứ mưa to là nước dâng ngập vào nhà dân khoảng 2m, nhưng sau đó nước rút rất nhanh, chậm nhất là vài ngày. Còn bây giờ, cứ mưa nặng hạt là đã ngập úng. Có nhiều nguyên nhân như: Hệ thống cống thoát nước ở xung quanh khu vực bị người dân địa phương lấn chiếm làm nhà đổ đất bị lấp, không được khơi vét. Nhất là từ năm 2003, khi Dự án Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung xây dựng, đổ nền cao, có hệ thống thoát nước riêng, nên hệ thống thoát nước chung không còn đồng bộ, nước không thoát được, gây ngập ứ lâu ngày. Xã đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền thành phố nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm, bà con vẫn cứ sống thấp thỏm trong nỗi lo ngập lụt.

Trong khi đó, ông Đinh Khắc Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex-VCN (đơn vị đầu tư Dự án Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung) giải thích: Khu vực dự án và phụ cận trước đây vốn là cánh đồng trũng, thường xuyên bị ngập. Sau này dự án san lấp mặt bằng, đổ đất nền cao hơn xung quanh. Từ năm 2004, dự án đã nhiều lần nghe người dân phản ánh chuyện ngập úng. Chính vì vậy, từ năm 2004 đến 2008, Công ty đã trích một phần kinh phí phối hợp với UBND các xã Vĩnh Ngọc, Vĩnh Hiệp tổ chức nạo vét, khôi phục hệ thống cống rãnh để thoát nước, đến nay cơ bản đã giải quyết xong tình trạng ngập úng. Hiện còn một khu vực nhỏ giáp ranh dự án thuộc thôn Vĩnh Điềm Trung thường xuyên bị ngập úng, mỗi lần mưa Công ty phải đặt máy bơm để tiêu thoát nước.

Theo ông Ngô Khắc Thinh - Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang thì tình trạng ngập lụt này là do một phần chính quyền xã không quản lý chặt chẽ việc lấn chiếm, xả rác của người dân. Cuối năm 2011, toàn bộ hệ thống thoát nước đã được Phòng phối hợp với chính quyền xã khôi phục, gia cố và đã giao cho UBND xã quản lý. Hàng năm, xã phải phối hợp với chủ đầu tư dự án kiểm tra, nạo vét. Nếu người dân tái lấn chiếm, xả rác gây tắc nghẽn đường ống thoát nước, đó là trách nhiệm của xã, phải xử lý nghiêm; nếu trường hợp nào vượt thẩm quyền của xã thì báo cáo cấp trên. Riêng khu tổ 1, tổ 2 thôn Vĩnh Điềm Trung còn tình trạng ngập úng kéo dài khi có mưa là do hệ thống thoát nước từ thôn băng qua đường sắt qua địa phận phường Ngọc Hiệp bị lấp. Phòng đã tổ chức kiểm tra, xác định nguyên nhân và làm việc với ngành Đường sắt để thỏa thuận trong thời gian tới sẽ có giải pháp khơi thông dòng chảy, khắc phục dứt điểm tình trạng ứ ngập cục bộ nhằm đảm bảo đời sống cho bà con trong thôn.

Như vậy, việc ngập úng tại khu vực thôn Vĩnh Điềm Trung nhiều năm qua do nhiều nguyên nhân, chính quyền và chủ đầu tư dự án đã nỗ lực giải quyết nhưng chưa hiệu quả. Riêng khu vực ngập cục bộ gần dự án, gây ảnh hưởng đến đời sống của hơn 100 hộ dân trong thôn thì đang chờ Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang phối hợp với ngành Đường sắt khơi thông tuyến mương đi qua phường Ngọc Hiệp. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là việc quản lý, bảo vệ đường ống thoát nước lâu dài. Để tình trạng ngập úng không còn tái diễn, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý tình trạng người dân xả rác thải và tái lấn chiếm xây nhà, làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước trên địa bàn.

MINH THIẾT

Ông Đinh Khắc Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex-VCN: Tình trạng ngập kéo dài hiện nay còn do nhiều nguyên nhân khác như người dân vứt rác bừa bãi, lấn chiếm xây nhà ở làm tắc hết cống rãnh thoát nước phía ngoài dự án. Vì thế, để chống ngập cần có nhiều giải pháp như nạo vét cống rãnh, khơi thông dòng chảy, chống việc lấn chiếm xây nhà. Để làm được việc này, chính quyền cần có giải pháp phối hợp với Công ty mới có thể giải quyết dứt điểm.


Ông Đinh Khắc Lâm - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex-VCN: Tình trạng ngập kéo dài hiện nay còn do nhiều nguyên nhân khác như người dân vứt rác bừa bãi, lấn chiếm xây nhà ở làm tắc hết cống rãnh thoát nước phía ngoài dự án. Vì thế, để chống ngập cần có nhiều giải pháp như nạo vét cống rãnh, khơi thông dòng chảy, chống việc lấn chiếm xây nhà. Để làm được việc này, chính quyền cần có giải pháp phối hợp với Công ty mới có thể giải quyết dứt điểm.