Từng bị xếp thứ 8/10 tỉnh, thành phố trong cả nước có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất, nhưng thời gian qua, nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh, đến nay...
Từng bị xếp thứ 8/10 tỉnh, thành phố trong cả nước có số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) cao nhất, nhưng thời gian qua, nhờ thực hiện tốt công tác phòng, chống (PC) bệnh, đến nay, Khánh Hòa đã ra khỏi danh sách này và cũng không nằm trong danh sách “đỏ” 10 tỉnh, thành phố có số ca tử vong cao do bệnh TCM.
. Diễn biến phức tạp
Sở Y tế cho biết, từ đầu năm cho đến ngày 22-5, toàn tỉnh đã ghi nhận 976 ca mắc TCM, không có ca tử vong. Ngoại trừ huyện miền núi Khánh Sơn, 7/8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có ca mắc TCM. Cao nhất là thị xã Ninh Hòa và TP. Nha Trang với số ca mắc ngang nhau: 325 ca; kế đến là huyện Diên Khánh với 104 ca, huyện Cam Lâm 92 ca, TP. Cam Ranh 87 ca, huyện Vạn Ninh 25 ca và huyện Khánh Vĩnh 18 ca. Cùng thời điểm này năm ngoái, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 32 ca mắc TCM. Tuy nhiên, năm 2011, bệnh TCM tăng nhanh vào cuối năm và bùng phát thành dịch với tổng số hơn 2.000 ca mắc, 1 ca tử vong. Như vậy, có thể thấy, từ giữa năm 2011 đến nay, bệnh TCM trên địa bàn tỉnh đã có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2012, bệnh TCM lưu hành với số ca mắc cao. Các trường hợp mắc TCM từ đầu năm đến nay chủ yếu tập trung ở nhóm dưới 5 tuổi (chiếm 96,3%), trong đó nhóm dưới 3 tuổi chiếm cao nhất (gần 84%), số trẻ trai mắc bệnh TCM cao gấp 1,47 lần so với trẻ gái.
Công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng được đẩy mạnh ở các cơ sở y tế đã đem lại hiệu quả |
Theo nhận định của bác sĩ (BS) Lê Hữu Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế, trong 7 tháng cuối năm, bệnh TCM vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng với số ca mắc cao vì: bệnh do vi-rút đường ruột gây nên, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Có nhiều tuýp vi-rút gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp vi-rút khác nhau, đặc biệt sự lưu hành của tuýp vi-rút EV71 cao nên có nguy cơ diễn biến bệnh cảnh lâm sàng nặng, dễ gây tử vong. Bệnh lưu hành rộng ở các địa phương, tỷ lệ người lành mang trùng trong các ổ dịch cao, thời gian thải trùng kéo dài đến 6 tuần, trong khi đó tỷ lệ người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Và khó khăn nhất hiện nay là chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh
BS Lê Hữu Thọ cho biết, trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo quyết liệt về công tác PC dịch bệnh TCM. Sở Tài chính đã cấp kinh phí kịp thời cho các đơn vị y tế thực hiện công tác này. Song song với đó, dưới sự chỉ đạo của Sở Y tế, Trung tâm Y tế (TTYT) dự phòng tỉnh và các TTYT huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện tốt công tác dự phòng như: Xây dựng kế hoạch PC dịch bệnh ngay từ đầu năm; thành lập 3 đội cơ động PC dịch, trực 24/24 giờ theo dõi, thu thập số liệu và báo cáo hàng ngày về tình hình bệnh TCM của tỉnh; triển khai các hoạt động giám sát, xử lý dịch kết hợp với phát tờ rơi tuyên truyền, cấp xà phòng rửa tay và Chloramin B tại nhà bệnh nhân, các nhà trẻ, trường mẫu giáo có ca mắc TCM; tăng cường giám sát chủ động tại các cơ sở trên để phát hiện và xử lý kịp thời, triệt để khi có ổ dịch; phối hợp với các địa phương triển khai tập huấn đến các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi về các biện pháp PC bệnh TCM; tuyên truyền liên tục và thường xuyên về thông điệp PC bệnh TCM trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và các địa phương; tham mưu cho các địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác PC dịch ở khu vực có ổ dịch cũ, công tác vệ sinh phòng bệnh tại các nhà trẻ, nhất là các nhà trẻ tư nhân. Về công tác điều trị, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh tổ chức các lớp tập huấn, cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh TCM cho bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, các cơ sở điều trị trực thuộc TTYT các huyện, thị xã, thành phố; thành lập đơn nguyên điều trị bệnh TCM tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế để cách ly, điều trị bệnh nhân kịp thời, hạn chế tử vong…. Nhờ thế, công tác PC dịch bệnh TCM của tỉnh đạt được hiệu quả cao. Đến thời điểm này, Khánh Hòa đã ra khỏi danh sách 10 tỉnh, thành phố có số ca mắc bệnh TCM cao nhất và cũng không nằm trong danh sách 10 tỉnh, thành phố có số người mắc TCM tử vong cao.
Để công tác PC bệnh đạt hiệu quả cao hơn, thời gian tới, ngành Y tế kiến nghị Bộ Y tế cần thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh TCM ở tất cả các tuyến: tỉnh, khu vực, toàn quốc nhằm giúp các cơ sở điều trị nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị, xử lý các trường hợp bệnh TCM. Bộ Y tế cần đưa thuốc Gamma Globulin vào danh mục thuốc dự trữ quốc gia, để khi có nhu cầu thì sẵn sàng có thuốc cung ứng cho các địa phương điều trị cho bệnh nhân, tránh tình trạng khan hiếm thuốc khi dịch xảy ra. Với các cơ sở y tế, kể cả công lập và ngoài công lập, cần tổ chức tập huấn và tập huấn lại nghiêm túc “Hướng dẫn giám sát và PC bệnh TCM” của Bộ Y tế. Đây là điều kiện tiên quyết để các tuyến y tế thực hành đúng các biện pháp giám sát, xử lý dịch và thông tin tuyên truyền PC bệnh TCM… Ngoài ra, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cần phối hợp và hỗ trợ nhiệt tình để vận động các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thực hiện biện pháp chủ động PC dịch TCM tại nhà.
THẢO LY