Các bệnh viện ở TP. Nha Trang hiện có quy mô khá lớn, tầm cỡ khu vực. Thời gian đến, khi khu nhà mới của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa được đưa vào sử dụng thì quy mô ấy còn tăng hơn nhiều.
Các bệnh viện ở TP. Nha Trang hiện có quy mô khá lớn, tầm cỡ khu vực. Thời gian đến, khi khu nhà mới của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa được đưa vào sử dụng thì quy mô ấy còn tăng hơn nhiều. Thực tế cho thấy, tuy các BV ngày càng được mở rộng, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh nhiều hơn trước nhưng các lò xử lý rác thải y tế cũ kỹ vẫn chưa được đầu tư xây mới. Đã có nhiều lần rác thải y tế bị tồn ứ, không được xử lý kịp thời, dẫn đến nguy cơ ô nhiễm và lan truyền bệnh…
Rác thải y tế là loại rác đặc biệt, phải được quản lý nghiêm ngặt. Kim tiêm, bệnh phẩm… đều là những nguồn lây nhiễm tiềm tàng. Cách xử lý tốt nhất là đốt ngay trong ngày. Lâu nay, toàn bộ rác y tế của BV được vận chuyển sang lò đốt rác, do Bệnh viện Da liễu (BVDL) tỉnh quản lý và xử lý. Bà Dương Nữ Tường Vy, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BVĐK tỉnh cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 3 lần rác bị ứ đọng là: từ ngày 8 đến 15-3; từ ngày 7 đến 17-4 và từ ngày 4 đến 8-5. Trước đó, ngày 8-10-2011, lò đốt bị hỏng, rác thải y tế ứ đọng dài ngày, khiến thầy thuốc và bệnh nhân bức xúc. Tuy đã có kho lạnh đạt chuẩn tập kết rác, nhưng theo quy định, cũng không được chứa rác quá 72 giờ. Trước thực trạng ấy, BVĐK tỉnh đã nhiều lần kiến nghị phía BVDL nhanh chóng xử lý rác, nhưng không được đáp ứng với lý do “lò hỏng, hết dầu …”!
Lò đốt rác của Bệnh viện Da liễu tỉnh bị xuống cấp trầm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt. |
Thực ra, BVDL cũng đau đầu về vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính BVDL (đơn vị quản lý lò đốt) cho biết: “Lò đốt rác được xây dựng từ năm 2001, hiệu MZ4, có tuổi thọ khoảng 10 năm (đã hết hạn sử dụng 1 năm), đã tu sửa vài lần. Công suất đốt khoảng 400kg/ngày nhưng lúc cao điểm phải đốt cả nghìn kg mỗi ngày. Kinh phí hỗ trợ cho lò đốt khoảng 2 tỷ đồng/năm. Năm nay chưa có số tiền cụ thể, BVDL phải tạm ứng tiền để duy trì hoạt động. Toàn bộ rác thải y tế của TP. Nha Trang được chuyển về đây (chủ yếu là từ BVĐK tỉnh). Chi phí cho việc đốt thực tế khoảng 30.000 đồng/kg (do giá dầu lên), trong khi kinh phí được cấp chỉ 15.000 đồng/kg. Để xử lý rác kịp thời, tránh gây ô nhiễm, BV thường xuyên phải tạm ứng kinh phí để vận hành lò”.
Trong lúc lò đang nghỉ đốt, chúng tôi có dịp xem xét kỹ hiện trạng của lò. Hiện có một vết nứt rộng hoác trên nóc, tiềm ẩn nguy cơ sập lò bất kỳ lúc nào. Những công nhân làm việc tại đây cho biết: “Chúng tôi làm việc đã gần 10 năm nay, trong điều kiện nguy hiểm và môi trường độc hại như vậy. Vì vậy, chúng tôi mong tỉnh, các cơ quan chức năng xây gấp lò đốt rác thải y tế mới, có công suất thích hợp với số lượng rác hiện tại và cho nhiều năm sau”.
Các công nhân này cũng cho biết, khu đất cạnh lò đốt mới được tỉnh dự định xây BV Ung bướu. Vì vậy, nếu xây lò mới thì nên quy hoạch lò tại khu nhà hỏa táng (Nghĩa trang phía Bắc thành phố), đồng thời chuyển giao việc quản lý và đốt rác cho Công ty Môi trường đô thị TP. Nha Trang là hợp lý nhất.
Hiện BVĐK tỉnh sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng khu nhà 10 tầng (nâng lên trên 1.200 giường bệnh), tình hình xử lý rác thải sẽ còn nan giải hơn. Vì vậy, việc đầu tư lò đốt rác y tế có công suất lớn là một yêu cầu khách quan, cần được thực hiện sớm và đồng bộ với sự đầu tư cơ sở hạ tầng của các BV.
Để vấn đề trên sớm trở thành hiện thực, rất cần sự xem xét của UBND tỉnh và các ngành chức năng. Nếu Nhà nước khó khăn về kinh phí, thì phương án xã hội hóa để đầu tư xây dựng lò đốt rác y tế cũng là một biện pháp khả thi. Thiết nghĩ, để giải quyết vấn đề này, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp, nhà đầu tư… cần sớm quan tâm, tất cả vì một môi trường an toàn cho người dân thành phố.
TRẦN CÔNG THI