03:05, 15/05/2012

Có giữ được tỷ lệ đỗ bằng năm trước?

Năm 2011, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của Khánh Hòa là 96,61%, tuy thấp hơn chút ít so với năm 2010 (97,99%) nhưng vẫn được xếp vào “tốp” những địa phương khu vực phía Nam có tỷ lệ tốt nghiệp cao.

Ly Tu Trong high school.
Trường THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang

Năm 2011, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Khánh Hòa là 96,61%, tuy thấp hơn chút ít so với năm 2010 (97,99%) nhưng vẫn được xếp vào “tốp” những địa phương khu vực phía Nam có tỷ lệ tốt nghiệp cao. Kết quả này cũng phản ánh khá đúng vị trí của giáo dục Khánh Hòa trong mặt bằng chất lượng giáo dục chung của cả nước. Năm nay, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT đã gần kề, nhiều cán bộ quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hy vọng sẽ giữ được tỷ lệ đỗ xấp xỉ như năm trước, nếu có giảm sút cũng không “rớt” dưới mốc 95%. Liệu điều này có thành hiện thực?

Những người lạc quan cho rằng, kết quả tốt nghiệp THPT năm nay sẽ cao hơn năm 2011 bởi Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT đã có nhiều đổi mới theo hướng “thoáng” hơn trước và cơ bản giao toàn quyền chủ động cho các địa phương trong quá trình tổ chức thi. Cụ thể, không bắt buộc tổ chức thi theo cụm trường; không tổ chức chấm chéo các môn tự luận giữa các tỉnh, thành; không có các đoàn thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT về cắm chốt tại các hội đồng thi, giảm bớt 50% số lượng bài thi tự luận do thanh tra chấm lại tại hội đồng chấm thi… đồng thời “mở” thêm nhiều khoản khác có lợi cho thí sinh như: Bổ sung chế độ cộng điểm khuyến khích (tính thêm các cuộc thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh trở lên); cho phép thí sinh đến chậm không quá 15 phút sau khi có hiệu lệnh tính giờ làm bài vẫn được vào phòng thi; thí sinh được xin phúc khảo bài thi không kèm theo điều kiện bắt buộc điểm môn thi thấp hơn điểm trung bình cả năm của môn học đó ở lớp 12… Những thay đổi này dường như từng bước biến kỳ thi tốt nghiệp THPT trở thành một kỳ kiểm tra chất lượng học sinh cuối cấp phổ thông và xem ra khá thiết thực, gần gũi với mục tiêu phổ cập giáo dục trung học đang được triển khai.

Tuy vậy, những người trực tiếp quản lý công tác chuyên môn của các trường THPT ở Khánh Hòa lại tỏ ra dè dặt. Ông Trần Thức - Trưởng phòng Giáo dục trung học cho rằng, với 4/6 môn thi tự luận (Văn học, Hóa học, Lịch sử, Địa lý) như năm nay, sẽ có khá nhiều học sinh thuộc diện học lực từ trung bình trở xuống, đặc biệt là các em học sinh yếu phải khó khăn, chật vật hơn để đạt điểm 5 trở lên cho mỗi môn. Điều này lại càng đáng ngại hơn vì sẽ không có nhiều hy vọng được “bù” điểm từ các môn thi khác, nhất là khi môn Vật lý, vốn dư dả điểm, lại không có tên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Các môn Sử, Địa lại nặng về học thuộc lòng, trong khi học sinh Khánh Hòa phần lớn có định hướng thi đại học khối A (Toán, Lý, Hóa), thường lười học thuộc lòng. Riêng môn Địa lý liên tục có mặt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 4 năm nay, nằm ngoài dự đoán của thầy và trò, nên lại càng bất lợi. Điều này đã được chứng minh trong kỳ kiểm tra lớp 12 học kỳ 2 theo đề chung của Sở vừa qua, môn Địa ở phần lớn các trường đều có điểm thấp nhất trong các môn, mặc dù, theo ông Trần Thức, người trực tiếp chỉ đạo môn Địa của Sở GD-ĐT, đề kiểm tra khá đơn giản, chỉ trong phạm vi chương trình học kỳ 2 của lớp 12. Đơn cử như Trường THPT Lý Tự Trọng - một đơn vị vào hàng có chất lượng giáo dục tốt nhất tỉnh, chỉ có 49,97% học sinh đạt điểm trung bình trở lên, 7/729 em (0,96%) đạt từ 8 - 10 điểm. Các môn Toán và Tiếng Anh không dễ kiếm nhiều điểm trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT. Riêng môn Văn, từ trước đến nay chỉ có chừng 50% thí sinh đạt điểm từ trung bình trở lên và chủ yếu cũng chỉ là điểm 5, 6. Điều này sẽ khiến cho các trường THPT bán công mới chuyển sang công lập và các trường THPT ở nông thôn, miền núi có nguy cơ không giữ được tỷ lệ tốt nghiệp như năm trước.

Tỷ lệ tốt nghiệp luôn là ẩn số trước các kỳ thi và không ai có thể đoán định chính xác vì còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện cụ thể khác. Có lẽ, không nên tạo áp lực với các chỉ tiêu tốt nghiệp; vấn đề quan trọng và ý nghĩa nhất là các trường học và từng học sinh phải nỗ lực để đạt kết quả cao nhất và phản ánh đúng nội lực của mình không chỉ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT mà còn trong kỳ tuyển sinh vào đại học.

LÊ VĂN