Sáng 29-5, sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giám định tư pháp,.....
Sáng 29-5, sau khi Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giám định tư pháp, QH đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Theo báo cáo giải trình, hiện còn hai loại ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức giám định pháp y (GĐPY) cấp tỉnh. Có ý kiến nhất trí với Tờ trình và dự thảo Luật Chính phủ trình QH, theo đó, tổ chức GĐPY gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm GĐPY tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thuộc ngành Y tế); Viện Pháp y quân đội Bộ Quốc phòng; Trung tâm GĐPY thuộc Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Như vậy, riêng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh) sẽ không còn Giám định viên pháp y (GĐVPY) tại Phòng Kỹ thuật hình sự (KTHS) Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động GĐPY vào tổ chức GĐPY thuộc ngành Y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cho giữ quy định về GĐVPY thuộc Phòng KTHS Công an cấp tỉnh như quy định hiện hành, vì qua thực tiễn nhiều năm, đội ngũ GĐVPY thuộc Phòng KTHS Công an cấp tỉnh chủ yếu thực hiện giám định tử thi và đang phục vụ kịp thời việc xử lý các vụ án xâm phạm tính mạng con người (gây chết người). Đa số các đại biểu đều nhất trí đưa các tổ chức GĐPY về một mối, tạo điều kiện để Chính phủ đầu tư về cơ sở vật chất, nhân lực, xây dựng hệ thống tổ chức GĐPY chính quy, hiện đại, chuyên nghiệp hóa cao. Tuy nhiên, nên giữ GĐVPY của thuộc Phòng KTHS Công an cấp tỉnh, vì GĐPY không đơn thuần là nghiệp vụ y tế, mà còn góp phần vào bảo đảm an ninh, trật tự.
Về phạm vi hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp (GĐTP) ngoài công lập, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật. Theo đó, về tổ chức GĐTP ngoài công lập do giám định viên tư pháp thành lập trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi các tổ chức GĐTP ngoài công lập bao gồm cả 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, KTHS và các lĩnh vực khác như: giám định chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm; tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị chưa nên quy định nội dung này vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, thảo luận tại hội trường, các ý kiến cho rằng không thể xã hội hóa 3 lĩnh vực cơ bản là pháp y, pháp y tâm thần, KTHS.
L.H (Tổng hợp)