Ngày 27-9-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1785/QĐ-TTg “Về tổ chức tổng điều tra (TĐT) nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011”. Khánh Hòa cùng với cả nước đã triển khai cuộc TĐT với quy mô khá lớn.
Ngày 27-9-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1785/QĐ-TTg “Về tổ chức tổng điều tra (TĐT) nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2011”. Khánh Hòa cùng với cả nước đã triển khai cuộc TĐT với quy mô khá lớn. Kết quả của TĐT là cơ sở để hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNNT) của tỉnh những năm tới.
. Nghiêm túc, quy mô
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc TĐT, ngay từ đầu, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh và xây dựng kế hoạch TĐT. Chỉ trong quý I/2011, toàn tỉnh đã thành lập xong BCĐ các cấp, ngoài BCĐ tỉnh, còn có BCĐ 8 huyện, thị, thành phố và 117 BCĐ xã.
BCĐ các cấp khẩn trương triển khai các phần việc đã định một cách nghiêm túc: tuyển chọn điều tra viên (ĐTV) có kinh nghiệm, am hiểu nghiệp vụ; xây dựng địa bàn điều tra; tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho ĐTV; lập bảng kê các đơn vị điều tra (kể cả điều tra trang trại, xã…). Tính đến cuối tháng 6-2011, toàn tỉnh đã hoàn thành bảng kê của 1.156 địa bàn thường, 172.122 hộ; 32 địa bàn mẫu, 960 hộ; 99 xã, 56 trang trại; tổ chức hàng chục lớp tập huấn nghiệp vụ cho 244 cán bộ BCĐ các cấp; 264 tổ trưởng và gần 1.200 ĐTV. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được quan tâm đúng mức. Một khối lượng lớn phiếu điều tra các loại được chuyển về BCĐ các cấp cùng với các tài liệu truyên truyền về TĐT.
Ngày 1-7-2011, toàn tỉnh triển khai ra quân TĐT đồng loạt. Ngày 15-7 kết thúc ở địa bàn điều tra toàn bộ và ngày 31-7 kết thúc địa bàn điều tra mẫu, xã, trang trại. Các nội dung điều tra được phúc tra ngay sau đó cho thấy sai sót nằm trong khung cho phép.
Các tập thể, cá nhân được khen thưởng qua tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011 |
Có thể nói, cuộc TĐT đã diễn ra nghiêm túc, đúng quy định, quy mô, huy động được một lực lượng lớn ĐTV. Một số địa phương phải vượt qua nhiều khó khăn bởi khối lượng công việc nặng nề và địa bàn rộng lớn. Thị xã Ninh Hòa trong một thời gian ngắn phải xử lý một khối lượng công việc rất lớn; huyện Khánh Vĩnh ĐTV gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (do người dân đi làm nương vắng nhà, ngôn ngữ không đồng nhất…). Tuy nhiên, cuộc TĐT đã thành công tốt đẹp.
. Nhiều đề xuất quan trọng
Kết quả TĐT cho biết nhiều thông tin quan trọng về tình hình phát triển NNNT của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 159.297 hộ sống ở nông thôn, so với 5 năm trước, số hộ nông thôn tăng 7,1%, trong đó hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 6,6%; hộ công nghiệp, xây dựng tăng 17,3%; hộ dịch vụ tăng 35,7%. Điều quan trọng là, cơ cấu hộ nông thôn chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, xây dựng, tuy nhiên tốc độ chuyển dịch chưa đồng đều. Khánh Hòa có bước chuyển dịch ngành nghề theo hướng tích cực, nhanh hơn các tỉnh Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung cũng như mức trung bình chung của cả nước. Kết cấu hạ tầng nông thôn tiếp tục được củng cố, hoàn thiện và đổi mới toàn diện: 100% xã có điện; 96,97% xã có đường ô tô đến trụ sở xã, 96,97% xã có đường liên thôn được bê tông hóa… Các chỉ tiêu về xã có trường mầm non; có nhà văn hóa; có thư viện; có tủ sách pháp luật; có trạm y tế; có phòng khám tư nhân; có chợ; có tổ chức thu gom rác thải… đều khá hơn bình quân cả nước… Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển và đạt nhiều thành tựu quan trọng: giá trị sản xuất nông, lâm ngư tương đương 2.815 tỷ đồng, trong đó nông nghiệp đạt khá nhất 38,4%; vốn tích lũy bình quân 1 hộ đạt 14,4 triệu đồng, gấp 2 lần 5 năm trước; vốn vay bình quân 1 hộ là 8,3 triệu đồng… Toàn tỉnh có 56 trang trại, quản lý hơn 1.500ha đất, thu hút 390 lao động, doanh thu đạt 114 tỷ đồng/năm (bình quân 2 tỷ đồng/trang trại/năm)…
Kết quả TĐT là căn cứ khoa học để BCĐ đề xuất một số kiến nghị quan trọng như: cần đầu tư vốn ngân sách Nhà nước vào lĩnh vực NNNT (bình quân trên 10% hàng năm), tập trung vào sản xuất giống, phòng trừ dịch bệnh, trồng rừng…; xem xét tách xã, tách thôn để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo trật tự an ninh, phát huy dân chủ… (Khánh Hòa đạt 4,9 thôn/xã là mức thấp so với bình quân chung cả nước; một số xã đông dân như Phước Đồng (Nha Trang) 2 vạn dân, Vạn Thắng (Vạn Ninh) 1,6 vạn dân); cần nâng cấp huyện Diên Khánh lên thị xã sớm hơn các huyện đồng bằng khác bởi địa bàn này có dân số phi nông nghiệp hơn 70% (11/18 xã có dân số phi nông nghiệp hơn 50%); tách thị xã Ninh Hòa thành 1 thị xã và 1 huyện…
H.A