04:05, 11/05/2012

Góp yêu thương, xây hạnh phúc

Trong ngôi nhà đại đoàn kết mới xây, vợ chồng ông Đoàn Văn Thân (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hường (72 tuổi) (xã Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm, Khánh Hòa) mừng rỡ cười móm mém suốt buổi.

Trong ngôi nhà đại đoàn kết mới xây, vợ chồng ông Đoàn Văn Thân (74 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hường (72 tuổi) (xã Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm, Khánh Hòa) mừng rỡ cười móm mém suốt buổi. Với 30 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ dành mua vật liệu; con cái, hàng xóm giúp công thợ, ông bà đã có ngôi nhà rộng rãi. Sống gần trọn cuộc đời, ông bà mới thoát cảnh ở nhà vách đất, dột nát. Cùng hưởng niềm vui có nhà mới như vợ chồng ông Thân, từ đầu năm đến nay, huyện Cam Lâm đã xây dựng, bàn giao 86 nhà đại đoàn kết cho các hộ khó khăn về nhà ở.

. Nhà nước hỗ trợ

Bà Phạm Thị Hoan (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân) dọn đồ khỏi nơi ở nhờ (DSC_0405) để về nhà mới cùng người thân (DSC_0403).
Bà Phạm Thị Hoan (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân) dọn đồ khỏi nơi ở nhờ  để .....

Nhìn những người thợ lắp tấm kính cuối cùng vào cánh cửa chính căn nhà của mình, niềm vui như vỡ òa trong lòng anh Mang Thu (thôn Ba Li, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm). Vậy là sau 3 năm anh ở rể theo phong tục của người Raglai, 3 thành viên gia đình nhỏ của anh sắp sửa được ra riêng. Căn nhà được xây dựng trên cao, trước mặt là núi rừng Sơn Tân. Căn nhà có cửa sổ và cửa chính lắp kính đồng bộ, được quét màu xanh pha ánh tím. Ngắm ngôi nhà đã hoàn thành chờ bàn giao, đôi mắt biết cười của chàng trai 25 tuổi lấp lánh: “Màu này rất phù hợp vì vừa nổi lại vừa có cảm giác dịu nhẹ, mát mẻ dưới ánh nắng ban ngày”. “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, vẫn làm rẫy chung với bố mẹ vợ, chưa ăn riêng. Làm rẫy đến mùa mới thu, còn bình thường làm thuê, bươn chải để chờ những mùa rẫy. Vợ chồng tôi thật sự không biết khi nào mới có tiền xây được nhà nên rất mừng khi được Nhà nước tặng nhà đại đoàn kết” - anh Mang Thu tiếp tục chia sẻ.

Gần nhà anh Mang Thu, vợ chồng anh Bo Bo Cước và chị Cao Thị Chuyển (cùng thôn Ba Li) cũng đang phấn khởi quét dọn ngôi nhà mới, đứa con nhỏ chưa đầy 20 tháng tuổi luấn quấn bên chân mẹ. Hai vợ chồng đều làm rẫy, chưa dành dụm được gì nên rất mừng khi có nhà. “Toàn bộ tiền Nhà nước đấy. Người của công ty làm hết, mình chỉ thỉnh thoảng thêm công phụ hồ thôi”- anh Bo Bo Cước chia sẻ.

Trong đợt xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo vừa qua, xã miền núi Sơn Tân có 5 hộ có nhà mới; xã Cam Tân có thêm 4 nhà đại đoàn kết. Ông Lê Hồ Kiếm, Chủ tịch UBMTTQ xã Cam Tân cho biết, đó đều là những hộ khó khăn về nhà ở, có đất nên được ưu tiên xây trước. Các nhà đều hoàn thành chỉ trong khoảng 1 tháng. Hôm chúng tôi ghé thăm, mẹ con bà Nguyễn Thị Xinh (51 tuổi, thôn Vinh Bình, xã Cam Tân) đã chọn ngày tốt để về nhà mới. Cái nghèo vẫn hiện hữu nơi đây. Cả nhà chỉ có 1 cái tủ cũ. Phòng ngủ có chiếc giường cũ và cái màn rách từng miếng to dành cho cô con gái. Căn phòng còn lại trống không là của bà Xinh vì “tôi chỉ cần trải chiếc chiếu là xong”. Tôn lợp nhà cũ gỡ xuống được tận dụng lợp ra khúc sau nhà thành bếp. Những tia nắng xuyên qua những lỗ thủng nhảy nhót dưới nền đất. “Ngày nắng còn được chứ mưa cũng không nấu nướng gì được”, bà Xinh chia sẻ. Cô con gái 15 tuổi tật nguyền yếu tay, yếu chân chẳng thể làm được gì, còn bà Xinh ai mướn gì làm nấy. Bản thân bà Xinh bị bướu cổ rất lớn nhưng không có tiền để mổ. Hai mẹ con sống nhiều năm trong ngôi nhà vách đất, mái tôn sơ sài thủng lỗ chỗ. Mơ ước về ngôi nhà đàng hoàng chẳng biết bao giờ thành hiện thực. Vì thế, mẹ con bà Xinh rất mừng khi được Nhà nước xây cho ngôi nhà hơn 30m2 nền xi măng, mái tôn lành lặn, với 2 phòng ngủ.

. Cộng đồng chung tay góp sức

về nhà mới cùng người thân
..... về nhà mới cùng người thân

Đến thăm nhà bà Phạm Thị Hoan (thôn Phú Bình 2, xã Cam Tân), khi chúng tôi giới thiệu làm việc ở Báo Khánh Hòa thì được người nhà bà Hoan nhận người quen. Hỏi ra mới biết, cháu ngoại bà Hoan - bị bệnh tim bẩm sinh - đã từng được nhận tiền hỗ trợ của bạn đọc từ Hộp thư từ thiện của Báo. Bà Hoan cũng đau ốm luôn. Gia cảnh vốn khó khăn lại cưu mang thêm một người cháu mồ côi. Cả nhà bà phải tá túc ở nhà người em. Hôm chúng tôi đến, gia đình bà Hoan vừa về nhà mới. Cả nhà đang thu dọn đồ đạc ở nhà cũ. Gọi là nhà chứ thực ra chỉ được quây tạm bợ đằng sau nhà người em, vốn là nơi ở của 8 người. Ngoài 30 triệu đồng Nhà nước hỗ trợ, gia đình bà cũng vay mượn thêm để ngôi nhà 43m2 lát gạch cho tươm tất hơn. Ôm đứa cháu ngoại vào lòng, bà Hoan bộc bạch: “Cả nhà chỉ có 1 phòng ngủ, vẫn còn chật chội nhưng cũng mừng vì không còn phải ăn nhờ ở đậu”.

Trong khi đó, mỗi khi mưa xuống, nhà ông Thái Bình Long và bà Nguyễn Thị Kim Phượng (xã Cam Hiệp Bắc, Cam Lâm) lại huy động hết thau ra hứng nước. Nhà đất, kèo cột mối ăn hết. Bà Phượng vốn bị yếu cột sống lại mới mổ về, con lớn đã lập gia đình, con nhỏ còn đi học, nhà 6 miệng ăn chủ yếu nhờ vào ông Long với rẫy mỳ và ít cây đào. Con rể vốn làm thợ xây giúp công, ông Long phụ hồ nên hầu như không tốn công thợ. Gia đình lại dành dụm, vay mượn thêm chút nữa nên xây dựng được ngôi nhà khá rộng, hơn 60m2 .

Trực tiếp khảo sát, bàn giao nhà cho các hộ nghèo, ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cam Lâm chia sẻ, có hộ mừng rơi nước mắt khi biết được hỗ trợ kinh phí xây nhà. Đáng quý là, việc xây nhà đại đoàn kết đã huy động sự đóng góp của bà con, dòng họ của chính các hộ nghèo

THIÊN DI

Ông Nguyễn Văn Mười, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cam Lâm cho biết, vừa qua, chỉ trong 1 tháng, huyện đã xây dựng xong 72 căn nhà đại đoàn kết với nguồn kinh phí do VietinBank tài trợ, nâng số nhà xây dựng từ đầu năm đến nay lên 86 căn. Huyện tiếp tục khảo sát để xây thêm 14 nhà đại đoàn kết cho các hộ khó khăn về nhà ở, dự kiến hoàn thành trong vòng 2 tháng. Theo thống kê cuối năm 2010, Cam Lâm còn 496 hộ khó khăn về nhà ở. Đến nay, huyện đã xây dựng được 297 căn, còn khoảng 200 căn có nhu cầu tiếp tục xây dựng.