Những tháng gần đây, người dân xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thường xuyên nhắc đến chuyện đền bù, hỗ trợ tái định cư khi vùng đất này được thu hồi để phục vụ cho 2 dự án kinh tế trọng điểm phía Nam Khu Kinh tế Vân Phong.
Những tháng gần đây, người dân xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thường xuyên nhắc đến chuyện đền bù, hỗ trợ tái định cư khi vùng đất này được thu hồi để phục vụ cho 2 dự án kinh tế trọng điểm phía Nam Khu Kinh tế Vân Phong. Về tư tưởng, tuy người dân đã “thông” vấn đề di dời đến nơi ở mới nhưng họ vẫn còn thắc mắc về chính sách đền bù và hỗ trợ của Nhà nước.
. Chuyện nhà ông Sang
Những ngày cuối tháng 4, đi trên vùng đất xã Ninh Phước, chúng tôi cảm nhận được cái nắng như đổ lửa. Ghé vào một quán nước ven đường ở thôn Ninh Yểng, chuyện trò với người dân nơi đây, chúng tôi được biết, gần 3 tháng qua, chuyện thời sự nhất vùng này là việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ di dời để thực hiện 2 dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong và Trung tâm Điện lực Vân Phong. Những người mà chúng tôi tiếp xúc đều đồng thuận với chủ trương di dời đến nơi ở mới của Nhà nước, nhường lại vùng đất Ninh Phước để mời gọi đầu tư, phát triển đất nước. Ông Bùi Sang - thuộc trường hợp di dời để thực hiện dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong tâm sự: “Người dân nơi đây sẵn sàng chấp hành chủ trương di dời của Đảng và Nhà nước để phục vụ phát triển kinh tế. Khi các dự án đầu tư vào đây, người lao động sẽ có thêm cơ hội về việc làm, ổn định đời sống…”. Qua câu chuyện của ông, chúng tôi được biết, vợ chồng ông Sang có 2 con trai và 3 con gái. Các con của ông đều đã có gia đình riêng. Ngày trước, nhờ dự án Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin (HVS) đầu tư tại Ninh Phước mà bây giờ 2 con trai của ông có việc làm tại HVS với thu nhập ổn định; các con rể của ông cũng đều làm việc ở HVS với mức lương đủ để lo cho cuộc sống gia đình. Ông Sang cho biết, khi có HVS, các con ông đã nhanh chóng học nghề để đáp ứng yêu cầu công việc ở đây, nhờ đó đã được tuyển dụng. Bây giờ, các con đã có việc làm ổn định, vợ chồng ông cũng đỡ lo hơn khi Nhà nước thu hồi đất và phải chuyển đến nơi ở mới.
Khu dân cư Mỹ Giang sẽ di dời đến nơi khác, nhường đất cho dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong. |
Được biết, theo chính sách đền bù của Nhà nước, gia đình ông Sang sẽ nhận được hơn 1 tỷ đồng để di dời. Ông Sang đã lên kế hoạch sử dụng số tiền này để mua sắm vật dụng cho gia đình, xây dựng nhà, còn lại gửi ngân hàng để lấy lãi phục vụ tuổi già. Ông Sang cho rằng, tuổi già chỉ trông cậy vào con cái chứ nếu có đất cũng không còn sức để làm…
. Băn khoăn của người sẽ di dời
Qua tìm hiểu tâm tư của người dân xã Ninh Phước, chúng tôi thấy, đa số trường hợp thuộc diện di dời đều đồng thuận với chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, những người trong độ tuổi lao động vẫn băn khoăn về đất sản xuất khi đến nơi ở mới. Theo họ, đến nơi ở mới mà không có đất sản xuất sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống. Ông Võ Đức Nhân - trường hợp bị di dời do ảnh hưởng của dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong cho rằng: “Nhiều hộ dân ở đây làm nghề trồng hành tỏi. Khi di dời đến nơi ở khác, chỉ được cấp 200m2 thì không thể sống được. Nếu không có việc làm, chỉ dựa vào tiền đền bù để ăn thì “núi cũng lở”. Vì vậy, Nhà nước phải có một mô hình nào đó để những người di dời có thể sản xuất…”.
Ngoài ra, chính sách đền bù, hỗ trợ sao cho thỏa đáng cũng được người dân quan tâm. Bà Kiều Thị Thanh (thuộc hộ ông Trần Văn Theo) - trường hợp bị di dời do ảnh hưởng của dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong cho biết: “Những người trong diện di dời như chúng tôi luôn mong muốn Nhà nước định giá đền bù vật kiến trúc hợp lý. Nhà tôi chỉ được định giá đền bù chưa tới 100 triệu đồng; trong khi công sức gia đình bỏ ra rất nhiều mới có được cuộc sống như hôm nay. Chúng tôi nhất trí di dời nhưng phải có chính sách bồi thường xứng đáng”. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Công an viên xã Ninh Phước, thuộc trường hợp di dời để thực hiện dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong bày tỏ: “Nếu Nhà nước giải tỏa thì cần khẩn trương triển khai công tác đền bù để người dân còn ổn định cuộc sống. Hiện nay, nhiều nhà dân đã xuống cấp nhưng không thể sửa chữa vì không biết di dời lúc nào. Mặt khác, việc bốc thăm các lô đất tái định cư cũng cần hợp lý. Tôi thấy sau đợt bốc thăm, chia lô vừa qua, nhiều người dân tiếp tục có ý kiến…”. Ông Mạnh cho biết, với trách nhiệm của một công an viên, ông đã vận động gia đình mình gương mẫu đi đầu thực hiện chủ trương di dời của Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, có chuyện người dân chậm trễ trong di dời là do các cấp làm việc không rành mạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Đến - Trưởng thôn Ninh Yểng, thành viên Ban vận động giải phóng mặt bằng dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong và Trung tâm Điện lực Vân Phong cho biết: “Hiện nay, cơ quan chức năng tổ chức cho 74 hộ nằm trong khu vực di dời thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong bốc thăm chọn đất trước, còn dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong đang chờ phê duyệt. Tuy nhiên, điều bất hợp lý hiện nay là các lô đất được chọn không tương xứng với vị trí người dân ở trước đây, do vậy vẫn có “lời ra tiếng vào”. Vì vậy, những người làm công tác địa chính cần giải thích, phân tích cho dân hiểu rõ hơn…”.
Qua tìm hiểu được biết, năng lực của những người trực tiếp tham gia công tác vận động di dời cho 2 dự án nói trên đang là vấn đề cần được quan tâm. Việc vận động và giải quyết chính sách cho người dân vẫn còn nhiều khúc mắc. Những cán bộ ở cơ sở trực tiếp làm công tác dân vận cũng chưa nắm bắt chặt chẽ các quy định. Bà Đỗ Thị Dù - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết: “Trong đền bù, giải phóng mặt bằng, xã chỉ làm công tác hỗ trợ. Khi có quyết định di dời dân Ninh Phước, cán bộ đoàn thể ở xã cũng đã được tập huấn kiến thức, thông tin cơ bản về các chính sách, nhưng việc vận động, giải thích vẫn còn hạn chế. Do chính sách, giá cả đền bù còn bất cập, người đi vận động nắm chủ trương, chính sách không vững nên không dám can thiệp sâu. Trong khi đó, những người có kinh nghiệm trong vận động bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với dự án HVS trước đây (năm 1996) đều đã nghỉ hưu… Mặt khác, công tác đo đạc, xác định giá trị tài sản, vật kiến trúc cũng chưa chuẩn xác ở một số hộ. Điều này đang được các cơ quan chức năng rà soát lại…”.
. Gỡ “nút”
Được biết, tâm lý chung của những người dân sống bằng nghề nông đều mong muốn tái định cư phải song hành với tái định canh, có đất sản xuất và chăn nuôi. Ngoài ra, vấn đề giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, di chuyển tàu thuyền, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở khu tái định cư… cũng được người dân quan tâm. Vì vậy, bên cạnh việc điều chỉnh mức giá đền bù, hỗ trợ theo Quyết định số 46/2001/QĐ-UBND ngày 30-12-2011 của UBND tỉnh (tăng mức hỗ trợ thêm 49%), một số chính sách hỗ trợ khác cũng được khẩn trương triển khai theo Thông báo số 109/TB-UBND của UBND tỉnh về hỗ trợ bổ sung trong bồi thường hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án trọng điểm tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa), trong đó hỗ trợ các trường hợp hộ nghèo bị thu hồi đất thuộc diện tái định cư; giáo dục; nước sinh hoạt; ngư dân di chuyển tàu, thuyền, ngư cụ đến nơi neo đậu mới; lệ phí trước bạ và lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với đất tái định cư; hỗ trợ ổn định đời sống đối với các hộ bị giải tỏa lần 2 (lần 1 giải tỏa bởi dự án HVS)…
Khu dân cư và tái định cư Ninh Thủy cơ bản sẵn sàng đón 74 hộ dân di dời đọt 1 tại thôn Ninh Yểng, xã Ninh Phước đến định cư |
Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng khiếu kiện, sớm đưa 2 dự án trọng điểm phía Nam Khu Kinh tế Vân Phong khởi động, ngày 27-4, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đối thoại với 74 hộ dân trong diện di dời đợt 1 của xã Ninh Phước. Tại đây, ngoài việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh còn giải đáp những thắc mắc của người dân. Đồng chí cho biết, Ninh Phước là xã anh hùng. Tinh thần cách mạng của người dân tiếp tục thể hiện trong sự đồng thuận với chủ trương của tỉnh là di dời đến nơi ở mới để nhường đất cho đầu tư phát triển các dự án trọng điểm. Để người dân an tâm làm ăn tại nơi ở mới, tỉnh đã có nhiều chính sách đền bù, hỗ trợ hợp lý, tốt hơn giá thị trường. Tỉnh đã chỉ đạo chính quyền thị xã Ninh Hòa tiếp tục khẩn trương giải quyết một số ý kiến, kiến nghị của người dân.
Việc phát triển các dự án trọng điểm phía Nam Khu Kinh tế Vân Phong không chỉ mang lại lợi ích riêng cho Khánh Hòa mà còn góp phần đưa đất nước hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vì vậy, UBND thị xã đã có quy chế khen thưởng đột xuất nhằm khích lệ những người dân sớm di dời đến nơi ở mới. Theo đó, những hộ di dời trong tháng 5-2012 đều có mức khen thưởng xứng đáng (di dời từ ngày 1 đến 15-5 được thưởng 5 triệu đồng/trường hợp, di dời từ ngày 16 đến 31-5 được thưởng 3 triệu đồng/trường hợp). Tỉnh cũng đang chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các đơn vị liên quan nghiên cứu quy hoạch khu vực canh tác nông nghiệp công nghệ cao để tạo điều kiện cho người dân sản xuất…
. Thay lời kết
Có thể nói, việc di dời để nhường đất thực hiện các dự án trọng điểm là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ hợp lý của Nhà nước, để tạo được sự đồng thuận cao, các tổ chức, đoàn thể ở cơ sở cần phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc tuyên truyền, vận động người dân di dời. Về phía người dân, những người trong độ tuổi lao động cũng nên nắm bắt thời cơ để đón đầu trong việc chuyển đổi ngành nghề, học nghề…, từ đó có thể trở thành người lao động trực tiếp tại các dự án sẽ được đầu tư. Câu chuyện của gia đình ông Bùi Sang ở thôn Ninh Yểng có lẽ cũng là thông tin để những người dân khác trong vùng dự án xem xét, học tập kinh nghiệm.
ĐẠI HẢI
Ảnh hưởng của 2 dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong và Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong:
- Khu vực phải di dời: Thôn Mỹ Giang và thôn Ninh Yểng.
- Tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi 2 dự án: 656,74ha.
- Số trường hợp bị ảnh hưởng: 1.438 trường hợp. Trong đó, dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong có 74 trường hợp tái định cư; dự án Tổ hợp Lọc hóa dầu Nam Vân Phong có khoảng 790 trường hợp tái định cư.
- Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ: 330,9 tỷ đồng.