12:05, 04/05/2012

Công bố khảo sát hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh

Theo kết quả khảo sát, các tỉnh Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An được người dân đánh giá thực hiện quản trị và hành chính tốt nhất. Trong đó, Long An là tỉnh duy nhất đứng đầu trong cả 6 lĩnh vực được khảo sát.

 

Theo kết quả khảo sát, 31% người được hỏi cho rằng cần thiết đưa hối lộ khi khám chữa bệnh.
Theo kết quả khảo sát, 31% người được hỏi đều thấy cần thiết đưa hối lộ khi khám chữa bệnh.

Ngày 3/5, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng đã phối hợp với Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc, công bố kết quả cuộc khảo sát về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là kết quả khảo sát hơn 13.640 người trên toàn quốc trong 2 năm 2010, 2011 để trực tiếp đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền địa phương trên 6 lĩnh vực: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công.

Bên cạnh đó, chỉ số PAPI cũng cung cấp nhiều thông tin liên quan đến đời sống của người dân, như đất đai, y tế và giáo dục.

Kết quả khảo sát chỉ ra, kiểm soát tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công chưa hiệu quả vì “hiện tượng hối lộ khá phổ biến”. Không có địa phương nào trong số các tỉnh, thành phố được khảo sát là không có hiện tượng “tham nhũng vặt” và hầu hết người dân khi phải làm “những thủ tục bắt buộc phải làm trong đời” đều phải hối lộ cán bộ.

Đặc biệt, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đang gây nhiều khó khăn cho người dân, đặc biệt là những đối tượng trình độ hiểu biết thấp. Cứ 8 người trong số 10 người được hỏi cho biết, họ không được biết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã, phường. Thủ tục và dịch vụ hành chính liên quan đến chứng nhận quyền sử dụng đất là nội dung mà người dân còn phàn nàn nhiều trong số 4 loại thủ tục và hành chính công được khảo sát. Trên toàn quốc có 21% người trả lời cho biết đã hối lộ để làm xong thủ tục về chứng nhận quyền sử dụng đất là cần thiết. Chỉ có 12,86% số hộ gia đình bị mất đất cho biết giá đền bù gần với giá thị trường. Hải Phòng là địa phương mà người dân đánh giá thấp về vấn đề kiểm soát tài nguyên, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Để có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân nơi đây phải chi tiền "lót tay" ở ngưỡng 9,8 triệu đồng. Ngược lại, ở Hà Giang người dân hầu như không phải mất thêm tiền cho thủ tục này. Điều đặc biệt nữa là vấn nạn phong bì ở các bệnh viện tuyến quận huyện còn cao.

Theo kết quả khảo sát, các tỉnh Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An được người dân đánh giá thực hiện quản trị và hành chính tốt nhất. Trong đó, Long An là tỉnh duy nhất đứng đầu trong cả 6 lĩnh vực được khảo sát.

Cũng theo kết quả khảo sát, Bình Dương, Cà Mau, Bình Định, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang và Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc nhóm đạt điểm cao nhất về kiểm soát tham nhũng. Đà Nẵng nằm trong nhóm thành phố trực thuộc TƯ đạt điểm cao nhất về thủ tục hành chính công. Hà Nội đạt điểm khá ở các nội dung “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở”, “Công khai, minh bạch”, và “Cung ứng dịch vụ công”. Phú Thọ được người dân cho là có ít “tham nhũng vặt” trong khu vực công, nhưng kiểm soát “tham nhũng vặt” lại chưa cao; TP Hồ Chí Minh được dân đánh giá cao về thông tin thủ tục rõ ràng, công khai về chi phí, thời gian cũng như thái độ của cán bộ công chức, nhưng lại mất điểm ở việc giấy tờ quá nhiều. Khi xét tổng thể các tiêu chí, TP Hồ Chí Minh có điểm trung bình cao nhất, nhưng về sự tham gia của người dân, họ có thể phải học tập Hải Dương...

Các tỉnh Ninh Thuận, Điện Biên và Quảng Ngãi đứng cuối trong cả nước với điểm tổng hợp thấp nhất.

Theo PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh, thành viên chính trong nhóm nghiên cứu PAPI, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng, triết lý của nghiên cứu PAPI là nhìn từ góc độ người dân là “khách hàng” sử dụng dịch vụ của nền hành chính công, có đủ khả năng thực hiện giám sát và đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của các cấp chính quyền nơi họ sinh sống.

Bà Setsuko Yamazaki, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho biết nghiên cứu PAPI là một công cụ khách quan và sắc bén để theo dõi việc thực hiện hành chính công và cung cấp dịch vụ công.

Chỉ số PAPI giúp các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cũng như cộng đồng phát triển quốc tế hiểu được tâm tư, nguyện vọng, trải nghiệm của người dân, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện hiệu quả và hiệu lực của công tác quản trị công, nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với bộ máy hành chính công.

Ông Hà Công Long, Phó Trưởng Ban Dân nguyện cho biết: “Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất trí tham gia phối hợp với dự án nghiên cứu PAPI nhằm cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội”.

Theo CP, QĐND