Thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Khánh Hòa đã và đang cùng các hội, đoàn thể giải ngân cho hàng ngàn học sinh, sinh viên.
Thực hiện chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), những năm qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Khánh Hòa đã và đang cùng các hội, đoàn thể giải ngân cho hàng ngàn HSSV. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội và mang lại cơ hội học tập cho hàng ngàn HSSV nghèo trong tỉnh
. Đẩy mạnh tuyên truyền
Bà Trương Thị Thanh Tùng - Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng, NHCSXH tỉnh cho biết, những năm qua, phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới đến tận xã, phường, để cán bộ hội, đoàn thể nhận ủy thác và các tổ tiết kiệm - vay vốn nắm bắt, giải quyết thích đáng các nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Nhờ đó đã tạo thuận lợi cho chương trình tín dụng HSSV được thực hiện một cách dân chủ, công khai, tiết kiệm được chi phí cho xã hội. Bên cạnh đó, NHCSXH tỉnh cũng thành lập các điểm giao dịch đến tận xã, phường để kịp thời triển khai công tác giải ngân và thu hồi nợ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 135/137 điểm giao dịch ở các xã, phường, thị trấn.
Cùng với đó, NHCSXH tỉnh thường xuyên phối hợp với các Hội như: Phụ nữ, Nông dân, Thanh niên, Cựu chiến binh tích cực tuyên truyền về lợi ích của nguồn vốn vay HSSV đến người dân tham gia vay vốn. Bà Nguyễn Thị Kiều Tâm, chuyên viên Ban Gia đình và xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: “Để nguồn vốn ưu đãi HSSV phủ rộng đến tận thôn, bản, hàng tháng, thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, chúng tôi đều giải thích những chính sách thiết thực cho hội viên tham khảo. Đồng thời, động viên, khuyến khích những gia đình hội viên có con em theo học tiếp cận nguồn vốn, tạo điều kiện cho các em tiếp tục học tập…”.
. Phát huy hiệu quả nguồn vốn
Triển khai tín dụng học sinh sinh viên tại các điểm giao dịch xã, phường. |
Chúng tôi tới thăm gia đình ông Đặng Xuân Hùng và bà Ngô Thị Lan (xã Diên Lâm, huyện Diên Khánh) và được nghe ông bà bộc bạch: “Có nằm mơ chúng tôi cũng không nghĩ mình có thể chăm lo cho 4 người con ăn, học đại học”. Bà Lan kể: “4 người con lần lượt thi đỗ đại học, 2 vợ chồng vừa mừng vừa lo. Thấy bà con hàng xóm sang động viên, chia vui, chúc mừng, chúng tôi cũng an ủi được phần nào. Tuy nhiên, hai vợ chồng đêm nào cũng trăn trở: lấy tiền đâu cho con học đại học. Tôi đi làm thuê khắp nơi, xoay xở đủ nghề để kiếm tiền, còn ông Hùng mở quán sửa chữa xe đạp nhưng vẫn bữa đói, bữa no. Mấy sào ruộng được địa phương cấp cũng bán dần. Thật may, đúng lúc gia đình tôi phải chắt chiu từng đồng cho con nộp học phí thì cán bộ xã cho biết, những hộ gia đình nghèo có con em học đại học, cao đẳng được vay vốn ưu đãi. Thế là gia đình tôi làm hồ sơ vay và được NHCSXH cho vay vốn hàng năm. Đến nay, gia đình tôi đã vay NHCSXH tổng cộng gần 100 triệu đồng. Tuy còn khó khăn nhưng gia đình tôi đang cố gắng tích cóp để trả nợ
ngân hàng”.
Không chỉ các con vợ chồng Hùng, bà Lan được tiếp sức đến trường, chương trình tín dụng HSSV còn giúp hàng ngàn gia đình ở Khánh Hòa có điều kiện chăm lo cho con cái đến trường, nhất là ở những huyện còn khó khăn trong tỉnh. Gia đình ông Cao Là Linh (người dân tộc Raglai, xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh) có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn. Cuộc sống hàng ngày của gia đình chỉ trông chờ vào mấy ha bắp, rẫy mỳ (sắn) và đồng lương ít ỏi từ việc làm thuê thất thường của ông. Ông Cao Là Linh cho biết: “Khi cả 2 người con thi đỗ Trường Đại học Quy Nhơn, hai vợ chồng rất đắn đo. Tuy nhiên, vì cuộc sống chúng tôi đã vất vả nên cũng cố gắng chạy vạy cho các con theo học. Có cái chữ, kiến thức thì sẽ có việc làm ổn định, sau này con mình mới không còn nghèo nữa. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đã làm đơn vay vốn HSSV. Nhờ đó, cả 2 con tôi có điều kiện ăn học và hiện nay 1 đứa đã tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, đã xin được việc làm, còn 1 đứa đang học năm cuối. Sau khi các con tôi đi làm, gia đình sẽ cố gắng tích cóp hoàn trả vốn vay trong thời gian sớm nhất. Quả thực, chương trình đã mang lại hy vọng cho con em ở các vùng quê nghèo”…
. Tích cực thu hồi nợ
Cùng với công tác cho vay vốn, công tác thu hồi lãi và nợ đến hạn cũng được NHCSXH tỉnh và các hội, đoàn thể triển khai đồng bộ và đem lại hiệu quả thiết thực. Bà Trương Thị Thanh Tùng cho biết: “Nhằm tạo thêm nhiều cơ hội vay vốn cho các đối tượng khác, công tác thu nợ cũng được triển khai tích cực. Trước khi đến hạn trả nợ, chúng tôi đều gửi thông báo trả nợ đến từng hộ gia đình và các hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn nhận ủy thác biết để đôn đốc gia đình trả nợ. Nhờ đó, doanh số thu nợ hàng năm đạt gần 30 tỷ đồng, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt hơn 60%”.
Tuy nhiên, hiện nay NHCSXH tỉnh cũng đang gặp một số khó khăn trong việc thu hồi nợ. Tỷ lệ HSSV ra trường tìm được việc làm còn hạn chế và nếu có việc làm thì thu nhập cũng chưa ổn định. Bên cạnh đó, còn một bộ phận gia đình, HSSV chưa làm hết trách nhiệm trong trả nợ. Do vậy, tình trạng nợ quá hạn tăng so với năm 2011 hơn 600 triệu đồng, chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay đối với HSSV. Bà Trương Thị Thanh Tùng cho biết thêm: “Để giảm tỷ lệ nợ quá hạn, hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập Ban Thu nợ, trong đó Phó Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn làm trưởng ban, các hội, đoàn thể làm thành viên. Nhiệm vụ của ban thu nợ là thường xuyên đôn đốc, tìm hiểu, nắm bắt tình hình, đồng thời đề ra giải pháp xử lý những trường hợp nợ quá hạn tại các xã, phường. Mục tiêu phấn đấu của chúng tôi là trong năm 2012 sẽ giảm tỷ lệ nợ quá hạn xuống còn 0,2%”.
VĂN GIANG
Theo thống kê của NHCSXH tỉnh, năm học 2011-2012, Ngân hàng đã giải ngân được hơn 112 tỷ đồng, cho hơn 22.000 HSSV vay vốn. Tính đến nay, toàn tỉnh có số dư nợ cho vay chương trình HSSV là hơn 519 tỷ đồng, với hơn 27.000 HSSV được vay.