Những ngày này, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp. Các bác sĩ cho biết, vào mùa hè nhiệt độ cao hơn trong năm, môi trường ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt...
Những ngày này, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn cấp (NKC) đường hô hấp. Các bác sĩ (BS) cho biết, vào mùa hè nhiệt độ cao hơn trong năm, môi trường ô nhiễm, thời tiết khắc nghiệt cùng với sức đề kháng yếu nên trẻ rất dễ mắc một số bệnh của mùa nắng, trong đó có bệnh NKC đường hô hấp. Căn bệnh này là nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ.
Bé Võ Ngọc Cát T., 12 tháng tuổi (phường Ninh Hiệp, Ninh Hòa, Khánh Hòa) bị viêm phổi nặng, nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật, ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực. Bé Nguyễn Trần Trọng Kh., 7 tháng tuổi (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) bị viêm phế quản cấp, nhập viện trong tình trạng sốt ho, chảy mũi, thở khò khè. Sau khi được điều trị tích cực bằng kháng sinh, giãn phế quản, long đàm, hạ sốt, sức khỏe các cháu ổn định. Đây là 2 trong nhiều trường hợp bị NKC đường hô hấp được điều trị tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh.
BS Nguyễn Ngọc Huy – Phó Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết, NKC đường hô hấp là loại bệnh có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, trong đó trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc cao nhất. Mỗi năm thế giới có hơn 4 triệu trẻ dưới 5 tuổi chết do căn bệnh này. Riêng ở Việt Nam, tỷ lệ tử vong vì căn bệnh này chiếm từ 20-25% số trẻ mắc bệnh. Nguyên nhân NKC đường hô hấp do các yếu tố như nhiệt độ cao, khói bụi và nắng nóng khiến đường hô hấp của trẻ dễ bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, do trời nóng, gia đình thường cho trẻ nằm máy lạnh liên tục, mở quạt máy suốt đêm…. Điều này làm cho lớp nhầy bảo vệ vùng hầu họng dễ bị khô, tạo điều kiện cho vi trùng thường trú ở đây phát triển, xâm nhập và gây bệnh.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa tiếp nhận nhiều trẻ bị bệnh nhiễm khuẩn cấp đường hô hấp. |
NKC đường hô hấp thường được chia ra 2 loại là NKC đường hô hấp trên (mũi, xoang mũi, họng và thanh quản) và NKC đường hô hấp dưới (phế quản, phổi và phế nang). Bệnh cảnh hay gặp ở NKC đường hô hấp trên thường là cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng, viêm amiđan, bệnh bạch hầu. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là nhiễm virus, vi khuẩn, có khi phối hợp cả hai. Nếu bệnh nhẹ, triệu chứng chủ yếu là chảy nước mũi trong, hắt hơi, ho nhẹ, khô hốc mũi, khó chịu trong họng. Trường hợp nặng hơn, ngoài các dấu hiệu trên, trẻ rất mệt mỏi, sốt 38-38,5 độ C, có khi sốt cao hơn và co giật, khó thở, bỏ bú hoặc bỏ ăn. Bệnh kéo dài khoảng vài ngày đến 2 tuần, sau đó các triệu chứng nhẹ dần và khỏi hẳn. Các trường hợp nặng hơn và kéo dài có thể gây các biến chứng như viêm tai giữa (sốt cao không giảm, do tai đau nên trẻ quấy khóc, ngoẹo đầu sang một bên, sau đó tai chảy mủ), có thể nhiễm khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phổi. Nguy hiểm nhất đối với NKC đường hô hấp dưới là viêm phổi, đây là nguyên nhân gây tử vong cao cho trẻ. Bệnh thường phát sinh khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. Nguyên nhân thường do vi khuẩn và virus gây nên. Dấu hiệu thông thường của viêm phổi là sốt. Có trường hợp bắt đầu bằng cơn rét run, sau đó sốt mới xuất hiện, tiếp theo là tức ngực và ho. Lúc đầu ho khan, về sau có đờm, khó thở, nhịp thở tăng nhanh, mạch nhanh, mệt mỏi, chán ăn. Đối với trẻ nhỏ, biểu hiện của viêm phổi thường là sốt cao đột ngột (39-40 độ C), trẻ thở nhanh, ho khan, về sau mới có đờm, khó thở và nghe tiếng rít; mặt đỏ hoặc tím tái, có khi co giật, trướng bụng, nước tiểu ít và màu sẫm.
BS Nguyễn Ngọc Huy khuyên, khi thấy trẻ dưới 1-2 tuổi có hiện tượng mệt mỏi, chán ăn thì phải chú ý xem trẻ có bị sốt, ho, co giật, giấc ngủ có bị lơ mơ, lồng ngực có co rút, tiếng thở có khò khè không. Sau đó cần xem nhịp thở. Nếu nhịp thở trên 60 lần/phút đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, trên 50 lần/phút với trẻ 3-12 tháng tuổi, trên 40 lần/phút với trẻ 1-5 tuổi nghĩa là nhanh so với bình thường. Nếu thấy những dấu hiệu này phải nghĩ đến viêm phổi cấp và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc sử dụng thuốc, nhất là các loại kháng sinh phải theo đúng chỉ định của BS. Khi bị viêm phổi, ngoài thuốc do BS chỉ định thì việc chăm sóc trẻ hết sức quan trọng. Cha mẹ nên cho trẻ nằm nghỉ tại giường, nơi thoáng khí nhưng không có gió lùa. Những ngày đầu cho trẻ ăn thức ăn lỏng và loãng, hợp khẩu vị, uống thêm nước hoa quả. Khi bệnh đã giảm vẫn tiếp tục cho trẻ nghỉ ngơi, ăn thêm bữa phụ, tăng các thức ăn giàu dinh dưỡng để bệnh chóng khỏi.
Theo các BS, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh NKC đường hô hấp là tăng đề kháng cho trẻ bằng cách giữ vệ sinh và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ.
BÁ NGHĨA