Bác sĩ Phan Thế Long, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) cho biết, sau một thời gian vắng bóng, gần đây bệnh uốn ván đã xuất hiện trở lại.
Bác sĩ Phan Thế Long, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) cho biết, sau một thời gian vắng bóng, gần đây bệnh uốn ván đã xuất hiện trở lại. Tuần qua, Khoa Truyền nhiễm đã tiếp nhận 2 trường hợp bị bệnh uốn ván. Điều đáng nói, bệnh uốn ván tuy đã có vắc xin phòng ngừa nhưng nhiều người vẫn chủ quan không tiêm phòng, vì thế khi nhập viện việc điều trị rất khó khăn, tốn kém.
Theo bác sĩ Phan Thế Long, uốn ván là một bệnh cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như: Cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người, cong người sang một bên, gập người ra phía trước. Các cơn co giật toàn thân thường xảy ra do bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn… Ca bệnh lâm sàng đối với bệnh nhân uốn ván sơ sinh (UVSS): Trẻ đẻ ra bình thường trong 2 ngày đầu, bệnh xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau sinh. Tình trạng cứng hàm làm cho trẻ không thể bú được, trẻ co cứng toàn thân, người ưỡn cong.
Tác nhân gây bệnh là trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani), có lông quanh thân, di động tương đối trong môi trường yếm khí. Trực khuẩn thường tạo nha bào. Nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc ở một đầu của tế bào trực khuẩn nên có hình dùi trống. Vi khuẩn uốn ván chết ở 56 độ C, nhưng nha bào uốn ván rất bền vững. Nha bào còn khả năng gây bệnh uốn ván sau 5 năm tồn tại trong đất. Các dung dịch sát trùng như phenol, formalin có thể diệt nha bào sau 8 - 10 tiếng. Nha bào chết sau khi đun sôi 30 phút.
Bệnh uốn ván là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong ở nhiều nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, đặc biệt ở những vùng nông thôn và nhiệt đới. Trực khuẩn uốn ván tồn tại trong ruột súc vật (nhất là trong ruột các đại gia súc ăn cỏ như ngựa, trâu, bò…), kể cả người, tại đây vi khuẩn cư trú một cách bình thường, không gây bệnh. Nha bào uốn ván có thể tìm thấy trong đất và các đồ vật bị nhiễm phân súc vật hoặc phân người; có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên và có thể gây nhiễm cho tất cả các loại vết thương. Thời gian ủ bệnh từ 3-21 ngày, cũng có thể từ 1 ngày tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 10 ngày. Hầu hết các trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày. Nói chung, các vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn, tiên lượng xấu hơn.
Bệnh uốn ván, kể cả UVSS xảy ra tán phát đối với những người chưa được miễn dịch đầy đủ do ngẫu nhiên bị nhiễm nha bào uốn ván. Đây là bệnh nhiễm khuẩn không lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác. Thông thường, nha bào uốn ván xâm nhập cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm đất bẩn, bụi đường, phân người hoặc phân súc vật, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương giập nát, vết thương nhẹ hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật, nạo thai trong những điều kiện không vệ sinh. Có trường hợp tổ chức của cơ thể bị hoại tử hoặc các dị vật xâm nhập cơ thể bị nhiễm bẩn, tạo ra môi trường yếm khí cho nha bào uốn ván phát triển. Trẻ sơ sinh bị UVSS là do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ và băng đầu rốn không vô khuẩn nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván.
Để phòng tránh bệnh uốn ván và UVSS, cách tốt nhất là nên chủ động tiêm vắc xin phòng uốn ván hoặc tiêm chủng thụ động sau khi bị thương, thực hiện đẻ sạch, vô khuẩn sản khoa. Phụ nữ có thai nên tiêm vắc xin phòng uốn ván để chủ động phòng uốn ván cho mẹ và UVSS cho con vì miễn dịch của người mẹ do vắc xin có giá trị phòng được UVSS cho con.
KHÁNH QUỲNH
Vi khuẩn uốn ván có mặt ở mọi nơi và gây bệnh tán phát ở các nước trên thế giới. Ở những vùng nông nghiệp, những nơi phải tiếp xúc với chất thải của súc vật và không được tiêm phòng đầy đủ, bệnh uốn ván thường gặp nhiều hơn. Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh uốn ván, nhưng nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh là nông dân, nhân viên chăn nuôi gia súc, người nghiện chích ma túy.