Hiện nay, tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa có nhiều trẻ nhập viện vì bị tiêu chảy cấp. Có ngày, khoa tiếp nhận gần chục cháu nhập viện vì căn bệnh này.
Hiện nay, tại Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa có nhiều trẻ nhập viện vì bị tiêu chảy cấp (TCC). Có ngày, khoa tiếp nhận gần chục cháu nhập viện vì căn bệnh này. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, mùa Hè là mùa bệnh TCC dễ bùng phát. Đây là bệnh nguy hiểm, lây lan nhanh và dễ gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Cháu Tôn Khánh Q. (6 tháng tuổi, ở xã Diên Phú, Diên Khánh, Khánh Hòa) vào viện ngày 29-4 trong tình trạng sốt, ói, tiêu chảy 6 lần/ngày, được chẩn đoán bị TCC. Chị Nguyễn Đoan Trang - mẹ của cháu Q. - cho biết, trước khi nhập viện, cháu bị tiêu chảy 2 ngày. Lúc đầu, thấy cháu bị TC nhẹ, gia đình mua thuốc cho cháu uống nhưng không khỏi nên cho cháu nhập viện. Sau khi được các bác sĩ Khoa Nhi điều trị tích cực bằng thuốc hạ sốt, uống Oresol, thuốc chống nôn ói, sức khỏe của cháu diễn biến tốt. Một trường hợp khác là cháu Phan Võ Thu Th. (16 tháng tuổi, xã Diên An, Diên Khánh), vào viện ngày 4-5 trong tình trạng nôn mửa, tiêu chảy phân xanh có nhầy nhớt 4 lần/ngày, được chẩn đoán bị tiêu chảy nhiễm khuẩn. Sau khi được điều trị tích cực, sức khỏe của cháu dần phục hồi. Đây là 2 trong nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh TCC đang được điều trị tại Khoa Nhi BVĐK tỉnh.
Các y, bác sĩ Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đang khám bệnh cho trẻ bị tiêu chảy. |
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Phó Trưởng khoa Nhi BVĐK tỉnh, nguyên nhân gây TC có thể do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng… Các triệu chứng thường là trẻ bị sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, gây co giật nếu không phát hiện và xử trí kịp thời. Trẻ có thể đi ngoài 5 - 10 lần/ngày hoặc nhiều hơn, phân lỏng, nhiều nước, mùi chua, nhiều khi có nhầy, máu; nôn liên tục hoặc vài lần trong ngày, thường nôn sau khi ăn. Giai đoạn trẻ đi cầu phân lỏng nhiều lần với số lượng nhiều có thể gây tình trạng mất nước và muối. Biểu hiện của tình trạng này là: khóc quấy, vật vã hoặc lờ đờ, khát nước, tiểu ít, mắt trũng, miệng khô, thở nhanh, sâu hơn bình thường, mạch nhanh nhỏ, thóp lõm, huyết áp tụt. Những triệu chứng này rất nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được bù nước thích hợp và kịp thời. Cách điều trị là cần phải bù đủ nước và ion cho trẻ bằng cách uống Oresol. Nếu không có Oresol thì thay bằng nước muối đường, nước cháo muối… Nếu tình trạng bệnh không cải thiện trong vòng 2 ngày hoặc kèm theo ói mửa nhiều, sốt cao, khát nước, ăn uống kém, có máu trong phân (phân đen)… thì cần đưa trẻ đến bác sĩ nhi khoa. Tuyệt đối không sử dụng thuốc kháng sinh cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ, bởi việc uống thuốc tùy tiện sẽ gây nhiều tai biến nguy hiểm trước mắt cũng như lâu dài. Ngay sau khi bồi phụ nước điện giải, có thể cho trẻ bú và ăn ngay, không nên kiêng khem, tránh thiếu hụt chất dinh dưỡng cho trẻ. Những trẻ nuôi bằng sữa bò, sau khi bù đủ nước điện giải, cho trẻ uống sữa loãng hơn bình thường hoặc cho uống sữa pha với Oresol (1/3 sữa pha với 2/3 Oresol). Dần dần cho ăn theo chế độ bình thường; khi trẻ khỏi bệnh, mỗi ngày cho ăn thêm một bữa trong một tuần để lấy lại sức.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, cách phòng bệnh tốt nhất là: ăn uống hợp vệ sinh, uống nước đun sôi, không ăn thức ăn ôi thiu, không ăn ở các hàng quán kém vệ sinh. Đối với trẻ nhỏ, nên hạn chế cho trẻ bò lê trên sàn nhà, không cho trẻ ngậm tay hoặc ngậm đồ chơi, nên cho trẻ ăn, uống bằng ly, chén, muỗng để dễ vệ sinh, nếu bú bình thì cần vệ sinh kỹ trước mỗi cữ bú. Với trẻ lớn, nên tập thói quen rửa tay trước khi ăn. Việc chọn nước uống hàng ngày cho trẻ nên theo phương thức: 60% nước giải khát thông thường, 20% sữa các loại và 20% nước trái cây tươi. Thường xuyên cắt móng tay cho trẻ và cho trẻ rửa tay trước khi ăn uống để tránh nguy cơ bị tiêu chảy.
BÁ NGHĨA