03:04, 09/04/2012

Phải đảm bảo kết quả thực chất, tránh qua loa, hình thức

Đây là yêu cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa đối với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. 

Đây là yêu cầu của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy Khánh Hòa đối với việc thực hiện Nghị quyết (NQ) Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Theo hướng dẫn của BTV Tỉnh ủy, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo NQ Trung ương 4 phải được tiến hành nghiêm túc, thận trọng, giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, lớn mạnh của mỗi tổ chức, cá nhân và sự nghiệp chung của Đảng.

Hướng dẫn của BTV Tỉnh ủy chỉ rõ, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là một trong 4 nhóm giải pháp để góp phần giải quyết tốt 3 vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay mà NQ Trung ương 4 đã đề ra. Nội dung chính là tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên (CB-ĐV), trước hết là CB lãnh đạo, quản lý các cấp, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và vai trò tiên phong, gương mẫu của CB lãnh đạo, quản lý các cấp, củng cố niềm tin của ĐV và nhân dân đối với Đảng. Các cấp ủy đảng phải chuẩn bị và tổ chức kiểm điểm chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, đảm bảo đạt kết quả thực chất, cụ thể; tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ; nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình hoặc vu cáo… Phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng. Người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình CB-ĐV và phải nghiêm khắc tiếp thu những ý kiến đóng góp, phê bình đúng đắn. Mỗi tổ chức, CB-ĐV từ tỉnh đến cơ sở, từ CB cấp cao đến ĐV thường, từ ĐV đang công tác đến ĐV đã nghỉ hưu phải thực sự tự giác, trung thực, có tinh thần góp ý xây dựng, thẳng thắn, chân thành trong việc phê bình đồng chí, đồng nghiệp. Phải tiến hành kiểm điểm với phương châm “trị bệnh cứu người”, giúp nhau cùng tiến bộ, vì sự trong sạch, lớn mạnh của mỗi tổ chức, cá nhân và sự nghiệp chung của Đảng; phải có sức thuyết phục cao, kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục, không chủ quan, nóng vội, máy móc, cứng nhắc; đồng thời kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình không tự giác nhận và sửa chữa khuyết điểm. Cấp trên gương mẫu kiểm điểm trước, cấp dưới sau; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân sau; CB kiểm điểm trước, ĐV sau; vừa giữ đúng nguyên tắc, vừa phải mềm dẻo, thuyết phục, có lý có tình; chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chặt chẽ.

Về nội dung kiểm điểm, căn cứ vào 3 vấn đề cấp bách của NQ Trung ương 4, các tổ chức cơ sở đảng đối chiếu với tình hình thực tế hiện tại của tổ chức và cá nhân, có liên hệ đến những năm trước để tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Nội dung kiểm điểm gồm: Việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB-ĐV, trước hết là CB lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Trong kiểm điểm phải làm rõ những biểu hiện và mức độ suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; về xây dựng đội ngũ CB lãnh đạo, quản lý các cấp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Làm rõ những mặt còn yếu kém trong công tác tổ chức CB, nhất là trong thực hiện đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển CB…; có tình trạng mất dân chủ, không tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc, quy định trong công tác CB, bố trí CB không đủ phẩm chất đạo đức, không đúng năng lực, sở trường, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị và sự phát triển của ngành, địa phương hay không; về xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể, nhất là cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong 3 nội dung trên, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt, chi phối các nội dung sau. Khi kiểm điểm cần tập trung làm rõ nguyên nhân tại sao những yếu kém, khuyết điểm đã chỉ ra từ nhiều năm nhưng chậm khắc phục; có mặt lại yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng đó.

Về các bước tiến hành kiểm điểm, theo hướng dẫn của BTV Tỉnh ủy, bước 1: tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân và gợi ý kiểm điểm của cấp trên (nếu có) đối với tập thể và cá nhân; bước 2: tiếp thu ý kiến góp ý, xây dựng báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân và tiến hành kiểm điểm; bước 3: báo cáo, thông báo kết quả kiểm điểm. BTV Tỉnh ủy yêu cầu, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện một cách khẩn trương, nghiêm túc, thiết thực, có sự phân công trách nhiệm cụ thể, chặt chẽ, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị; vừa tổ chức kiểm điểm ở cấp mình, vừa chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới, bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, nội dung, tiến độ. Thời gian thực hiện từ nay đến ngày 1-10-2012.

KHÁNH QUỲNH