Nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đồng thời cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ người dân miền núi, vùng cao canh tác nông, lâm nghiệp...
Nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đồng thời cải thiện đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt Đề án Hỗ trợ người dân miền núi, vùng cao canh tác nông, lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy nhằm giảm thiểu các nguyên nhân trực tiếp của tình trạng phá rừng, cháy rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm triển khai, đề án này đang nằm trên giấy vì không có kinh phí thực hiện. Bên cạnh đó, do định mức hỗ trợ thấp, người dân không mấy mặn mà với việc trồng rừng vì sợ mất đất sản xuất; đến nay vẫn chưa có hộ nào tham gia!
. Được hỗ trợ trồng rừng
Hiện nay, hầu hết các chương trình trồng rừng có vốn đầu tư thấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. |
Theo Đề án Hỗ trợ người dân miền núi, vùng cao canh tác nông, lâm nghiệp bền vững trên đất nương rẫy, đến hết năm 2012, diện tích đất nương rẫy được quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp chuyển sang trồng rừng khoảng 10.115ha, trong đó trồng rừng sản xuất 8.627ha, rừng phòng hộ 1.488ha. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thuộc 26 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh sẽ được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ trồng rừng trên đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Trong đó, đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số trồng rừng sản xuất trên 10 năm tuổi được hỗ trợ đầu tư 3 triệu đồng/ha; dưới 10 năm tuổi 2 triệu đồng/ha; hộ không thuộc xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ 2 triệu/ha; các đối tượng khác 1,5 triệu đồng/ha. Điều kiện để nhận hỗ trợ là các tổ chức, gia đình, cá nhân phải có đất quy hoạch trồng rừng sản xuất được cấp có thẩm quyền giao, hoặc cho thuê và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các đối tượng tham gia trồng rừng sẽ được hưởng toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng, khi khai thác sản phẩm được tự do lưu thông và được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và tiền sử dụng đất theo quy định. Đối với những diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng được quy hoạch cho rừng phòng hộ đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, nếu tự nguyện tham gia trồng rừng sẽ được hỗ trợ 6 triệu đồng/ha cho cả trồng và chăm sóc cho những năm tiếp theo; người dân được hưởng toàn bộ lâm sản dưới tán rừng và những sản phẩm là gỗ theo các quy định hiện hành. Mặt khác, ngoài mức đầu tư hỗ trợ trồng rừng, có khoảng 4.478 hộ/22.390 nhân khẩu nếu tham gia trồng rừng sẽ được trợ cấp gạo kể từ thời gian ngừng canh tác nương rẫy để chuyển sang trồng rừng đến khi có thu nhập thay thế, tối đa không quá 7 năm. Mức trợ cấp gạo xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích nương rẫy thực tế chuyển đổi sang trồng rừng, 1ha không quá 700kg gạo/năm; 1 khẩu bình quân được trợ cấp 10kg gạo/tháng.
Trên thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại miền núi, vùng cao đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, có nguồn thu nhập thấp; hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hầu như gắn liền với rừng, chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Do phương thức canh tác lạc hậu theo lối quảng canh, du canh nên năng suất cây trồng đạt thấp, đất đai bị thoái hóa nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu đất canh tác. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu xảy ra tình trạng phá rừng trái phép, đốt rừng làm nương rẫy để sản xuất lương thực đảm bảo nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Hiện nay, hầu hết diện tích đất lâm nghiệp có rừng được quy hoạch là rừng sản xuất, rừng tự nhiên có trữ lượng giàu và trung bình chủ yếu được giao cho các chủ rừng Nhà nước quản lý, nhưng hiệu quả sử dụng rừng không cao. Mặt khác, các thành phần kinh tế khác như tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chỉ được nhận diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, hoặc các diện tích rừng ở trạng thái rừng nghèo, rừng non nên việc phát triển sản xuất để cải thiện đời sống từ rừng và đất lâm nghiệp rất khó khăn.
. … nhưng người dân lại lo mất đất sản xuất
Ông Nguyễn Trọng Lâm, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn cho biết: Thời gian qua, hầu hết diện tích rừng đã có chủ được quan tâm và đầu tư phát triển còn thấp, dẫn đến tình trạng rừng chưa được quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả. Nhiều diện tích đất lâm nghiệp giao cho các hộ gia đình, cá nhân trồng rừng chưa phát huy hiệu quả về kinh tế, người dân vẫn chưa thực sự sống được bằng nghề rừng. Bên cạnh đó, các hộ gia đình, cá nhân sinh sống ở miền núi đa số là hộ nghèo, chưa có điều kiện để đầu tư sản xuất, kinh doanh nghề rừng trên diện tích đất lâm nghiệp được giao nên vẫn cần sự trợ giúp của Nhà nước, trong khi đó ngân sách đầu tư cho công tác này rất hạn chế. Do chưa có những chính sách ưu đãi, khuyến khích đối với việc giao đất, khoán rừng nên các hộ gia đình, cá nhân không mấy mặn mà đối với việc đầu tư trồng rừng. Một thực tế khác, thời gian trồng rừng thường kéo dài từ 5 - 7 năm mới được khai thác, trong khi nhu cầu lương thực của người dân lại cần trước mắt. Hơn thế, ngoài mức hỗ trợ thấp, tâm lý của người dân còn sợ khi tham gia trồng rừng sẽ mất đất sản xuất nên không muốn tham gia. Tập tục sản xuất của người dân khó thay đổi nếu lợi ích giữa trồng rừng và canh tác nương rẫy chưa được cân đối hài hòa. Ngoài ra, do chưa được quản lý chặt chẽ, hầu hết diện tích rừng trồng đều bán non nêu hiệu quả kinh tế đạt thấp, người dân không mặn mà khi bỏ nương rẫy trồng rừng.
Giao đất lâm nghiệp và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở miền núi trồng rừng thay thế nương rẫy là chủ trương đúng đắn của tỉnh nhằm chuyển biến căn bản công tác quản lý bảo vệ rừng, làm cho rừng thật sự có chủ. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân yên tâm quản lý, đầu tư phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thiết thực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân miền núi, vùng cao. Tuy nhiên, để đề án này đi vào cuộc sống, ngành Nông nghiệp, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; có kế hoạch rà soát, xác định các loài cây trồng chủ lực, cây ăn quả lâu năm có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng để phục vụ mục đích trồng rừng. Đồng thời, tiến hành lồng ghép và phối hợp với các chương trình, dự án và nguồn vốn trên địa bàn để hỗ trợ cho đồng bào, tránh chồng chéo, đảm bảo tiết kiệm và đạt hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, cần rà soát, thống kê và xác định cụ thể diện tích đất canh tác nương rẫy, phân loại xác định từng loại đất phù hợp sản xuất nông nghiệp, trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất, cây công nghiệp, cây ăn qủa… để làm cơ sở lập kế hoạch và cân đối nhu cầu hỗ trợ cho người dân canh tác nông, lâm nghiệp hiệu quả, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao và đảm bảo phát triển rừng bền vững.
Anh Tuấn