Trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) lần thứ II, người dân Cam Lâm đã có nhiều ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội.
Trước thềm Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) lần thứ II, người dân Cam Lâm đã có nhiều ý kiến tâm huyết gửi tới Đại hội.
Ông Huỳnh Uy Viễn, Bí thư Huyện đoàn Cam Lâm:
Quan tâm đến đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên
Trước nhu cầu đào tạo nghề và việc làm của thanh niên tăng cao, chúng tôi đề xuất huyện mở các lớp dạy nghề trực tiếp từ cơ sở để thanh niên có điều kiện tham gia. Chúng tôi cũng mong muốn được quan tâm hơn nữa đến công tác vay vốn và giải quyết việc làm cho thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, bộ đội xuất ngũ, thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, tình trạng thiếu sân chơi đã ảnh hưởng phần nào đến việc đoàn kết, tập hợp thanh niên. Chúng tôi đề nghị đưa vào Nghị quyết nội dung quy hoạch xây dựng các điểm sinh hoạt, sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi các xã, thị trấn và hoàn thành các thủ tục triển khai xây dựng Nhà Thiếu nhi Cam Lâm. Đảng bộ cũng cần có nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo công tác thanh niên theo từng giai đoạn.
Tuổi trẻ Cam Lâm tin tưởng rằng Đại hội lần này, Đảng bộ huyện Cam Lâm sẽ có những giải pháp hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuổi trẻ Cam Lâm sẽ phát huy sức trẻ, cùng các cấp, ngành đưa Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ II đi vào cuộc sống.
Đại đức Thích Giác Tài (Phó Ban đại diện Phật giáo huyện Cam Lâm, trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu): Luôn đồng hành với hoạt động tôn giáo
Những năm qua, Đảng bộ huyện đã đưa ra các nghị quyết, chủ trương hợp lòng dân. Lãnh đạo huyện luôn quan tâm đến đời sống người dân nói chung, các tôn giáo nói riêng. Các vị lãnh đạo đã tạo điều kiện tốt nhất cho Phật giáo cũng như các tôn giáo khác hoạt động hợp pháp; luôn đồng hành với các tôn giáo, tín đồ để kịp thời tháo gỡ vướng mắc và chia sẻ những thành công của chúng tôi.
Chúng tôi mong Đảng bộ, chính quyền địa phương tiếp tục đoàn kết dân tộc, đoàn kết các tôn giáo, để những người có tôn giáo hay không theo tôn giáo đều vì mục tiêu xây dựng huyện Cam Lâm giàu đẹp.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cam Thành Bắc):
Đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nâng cao chất lượng giáo dục
5 năm tuy chưa phải chặng đường dài nhưng ngành Giáo dục Cam Lâm đã thực sự khởi sắc. Điều dễ nhận thấy nhất là mạng lưới trường lớp được quy hoạch quy củ, cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng các tiêu chí xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, lãnh đạo huyện và ngành Giáo dục còn quan tâm đến công tác cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ, có trình độ, năng lực, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Bản thân tôi là một minh chứng thể hiện sự đột phá của huyện Cam Lâm trong công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý giáo dục. Tôi rất vinh dự là hiệu trưởng đầu tiên được bổ nhiệm thông qua thi tuyển. Đến nay, Đề án thi tuyển hiệu trưởng đã được thực hiện lần thứ hai, qua đó, đã tuyển chọn và bổ nhiệm thêm 3 hiệu trưởng của ba cấp học: mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Tôi luôn hy vọng và tin tưởng rằng, thời gian tới, với sự quan tâm của Huyện ủy, UBND huyện và lãnh đạo ngành, chất lượng giáo dục của Cam Lâm ngày một nâng lên.
Ông Lê Đình Xuân (nông dân xã Cam Hải Tây):
Quan tâm đến đầu ra sản phẩm nông nghiệp
Cam Hải Tây là vùng trồng xoài. Cũng như các xã khác, không ít vụ xoài, nông dân rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa”. Vì vậy, người dân mong Đảng bộ, chính quyền có chính sách tạo điều kiện cho nông dân tiếp thu khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra cho cây xoài nói riêng, sản phẩm cây trồng, vật nuôi khác nói chung. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang tuyên truyền xây dựng nông thôn mới. Chúng tôi mong muốn, khi xây dựng nông thôn mới, huyện cần quan tâm đến xây dựng nơi vui chơi cho trẻ em nông thôn.
HOA LINH (Ghi)