03:04, 13/04/2012

Sân chơi của trí tuệ và sức sáng tạo

Vượt qua hàng trăm thí sinh tại các địa phương ở vòng thi Hương, ngày 10-4, 28 TS xuất sắc đại diện cho học sinh các trường trung học cơ sở thuộc các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Khánh Hòa đã có mặt tại TP. Nha Trang....

Vượt qua hàng trăm thí sinh (TS) tại các địa phương ở vòng thi Hương, ngày 10-4, 28 TS xuất sắc đại diện cho học sinh (HS) các trường trung học cơ sở (THCS) thuộc các tỉnh, thành phố: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Khánh Hòa đã có mặt tại TP. Nha Trang để tham gia vòng thi Hội cuộc thi “Tập trung trí tuệ - Trạng nguyên tương lai” khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tại đây, các TS có cơ hội học hỏi, trải nghiệm và thử sức mình trên một sân chơi giàu tính trí tuệ và sáng tạo.

Tại vòng thi Hội, 28 TS đã trải qua phần thi trắc nghiệm với bộ đề 12 câu hỏi về kiến thức các môn học: Toán, Ngữ văn, Anh văn, Lịch sử để chọn ra 12 TS xuất sắc nhất đại diện cho 4 khối lớp (6, 7, 8, 9) tham gia vòng chung khảo ứng xử. Đây là nội dung khá mới của cuộc thi “Trạng nguyên”. Các TS được thử thách không chỉ sự hiểu biết, trí thông minh mà cả óc tư duy, khả năng ứng biến nhanh nhạy và kỹ năng trình bày, lập luận thông qua ứng xử. Khả năng tự tin giao tiếp trước đám đông đã được hầu hết các TS thể hiện khá thành công qua phần thi tự giới thiệu. Không chỉ giới thiệu về mình, các TS còn chia sẻ ước mơ, quan niệm sống mà ở đó, ai cũng thấy đó là những lý tưởng sống đầy hoài bão như ước mơ trở thành thủy thủ để góp sức mình vào sự nghiệp giữ gìn bình yên biển đảo của TS Đào Bình Dương (lớp 8/3 Trường THCS Lý Thái Tổ); hay phương châm sống: “Nếu bạn muốn leo lên chỗ cao nhất thì hãy bắt đầu từ chỗ thấp nhất” của TS Trần Minh Nguyên (lớp 9/12 Trường THCS Trưng Vương).

Tuy mỗi khối thi có bộ đề thi ứng xử riêng với độ khó tăng dần nhưng đều độc đáo, thú vị. Với phần thi “Xem hình đoán nghĩa” (đoán bức tranh tương ứng với câu tục ngữ, cụm từ, bài hát, câu chuyện…), TS Lê Nguyễn Huyền Châu (lớp 6/7 Trường THCS Trần Cao Vân, TP. Huế) và Nguyễn Hồ Bảo Khang (lớp 6/9 Trường THCS Trần Quốc Toản) đã có sự khởi đầu thuận lợi với những đáp án và sự lý giải chính xác cho câu tục ngữ “Tre già măng mọc” và thành ngữ “Tay xách nách mang”. Phần thi dành cho khối lớp 7 - “Liêu xiêu tưởng” lại trừu tượng như chính tên gọi. Đề thi là một một bức tranh siêu tưởng với nhiều chấm đen tập trung và một chấm đen nằm đơn lẻ, tất cả được bao bọc trong một khung vuông đã khiến các TS phải vận dụng hết khả năng tưởng tượng của mình để đặt tên cho bức tranh, đồng thời lý giải ý nghĩa tên gọi đã đặt. Tuy vậy, các TS đã gây nhiều bất ngờ với những ý tưởng độc đáo và sáng tạo. Trong khi Lê Phan Quốc Bảo (lớp 7/8 Trường THCS Thái Nguyên) đặt tên cho bức tranh là “sự bứt phá” với lý giải: “Chấm đen nằm đơn độc bên ngoài là con người với sự bứt phá, hơn người và có thể đó là người chiến thắng tại cuộc thi này”, thì Phùng Anh Khoa (lớp 7/11 Trường THCS Nguyễn Hiền) lại có cách tư duy khác hẳn. Em gọi bức tranh là “sự đoàn kết” vì “muốn thành công chúng ta phải đoàn kết chứ không nên làm việc riêng lẻ như chấm đen ngoài này”.

Trong khi đó, phần thi “Vẽ vui tục ngữ” dành cho các TS khối lớp 8 lại đòi hỏi vốn am hiểu về kho tàng tục ngữ Việt Nam. Với mỗi câu tục ngữ được bốc thăm, các TS phải vẽ minh họa và giải thích ý nghĩa câu tục ngữ đã chọn. Tuy nhiên, trong số 3 TS gồm: Đào Bình Dương, Trần Ngọc Như Ý (TP. Nha Trang) và Đoàn Thị Nghi Trâm (lớp 8H Trường THCS Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc), ngoài Bình Dương đưa ra phần lý giải rõ ràng, chuẩn xác về ý nghĩa câu thành ngữ “Quýt làm cam chịu” thì Nghi Trâm và Như Ý lập luận chưa thực sự thuyết phục về các câu: “Con sâu làm rầu nồi canh” và “Mật ngọt chết ruồi”, mặc dù các bạn đã có phần tranh vẽ rõ ràng và đưa ra được những ví dụ phù hợp.

“Bật đèn ý tưởng”, phần thi xoay quanh chủ đề “Văn hóa giao thông với học đường” dành cho HS khối lớp 9 lại đòi hỏi mức độ tư duy cao hơn. Qua mẫu vật là chiếc mũ bảo hiểm và những gợi ý mang tính định hướng của Ban tổ chức, các TS đã trình bày những hiểu biết và suy nghĩ của mình về vai trò của mũ bảo hiểm trong tham gia giao thông. Nguyễn Nữ Ngọc Hân (lớp 9E Trường THCS Phan Chu Trinh, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc) bày tỏ: “Hầu như mỗi chúng ta mỗi ngày đều phải sử dụng xe máy và tham gia giao thông. Vì vậy, theo em, mũ bảo hiểm là vật dụng rất cần thiết và rất gần gũi, không thể thiếu giúp bảo vệ chính mình và người thân”.

Cuộc thi cũng đã chọn ra được các “Trạng nguyên” và “Bảng nhãn”. Có thể nói, các em đã khẳng định được mình và có thêm sự tự tin, niềm đam mê học hỏi để chinh phục đỉnh cao tiếp theo tại vòng thi Đình. Với những TS phải dừng cuộc chơi, các em cũng có được những phần thưởng vô giá là có thêm nhiều bạn bè, tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích, nhất là vốn kiến thức về kho tàng ca dao, thành ngữ, tục ngữ của dân tộc.

NGỌC THẢO

Tại vòng thi Hội, các đại diện của TP. Nha Trang đã tỏ rõ ưu thế và năng lực của đơn vị chủ nhà khi có đến 8 trên tổng số 12 đại diện lọt vào vòng chung khảo ứng xử. Kết quả chung cuộc, Nha Trang có đến 3/4 “Trạng nguyên” và 4/4 “Bảng nhãn”. Những TS này sẽ thay mặt khu vực tham dự vòng thi Đình toàn quốc tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) vào tháng 5.