Những ngày này, không khí của vùng quê nghèo xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) trở nên tấp nập hơn. Cả ngày lẫn đêm, hàng chục lượt xe tải chở các loại vật liệu xây dựng chạy rầm rập, cùng với đó là tiếng đập, .....
Những ngày này, không khí của vùng quê nghèo xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) trở nên tấp nập hơn. Cả ngày lẫn đêm, hàng chục lượt xe tải chở các loại vật liệu xây dựng chạy rầm rập, cùng với đó là tiếng đập, dập liên hồi của những chiếc máy khoan, trộn bê tông của công trình xây dựng cầu Sơn Bình. Trong thời gian không xa nữa, người dân nơi đây sẽ được đi trên chiếc cầu mới nối những bờ vui.
Từ lâu, chiếc cầu tạm Sơn Bình - con đường giao thông huyết mạch nối các xã: Sơn Bình, Thành Sơn, Sơn Lâm với trung tâm huyện Khánh Sơn đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Hàng năm, cứ đến mùa mưa lũ, hàng ngàn hộ dân ở phía bên kia cầu (khu vực Sơn Bình, Thành Sơn, Sơn Lâm…) luôn sống trong cảnh phập phồng lo lắng, chờ đợi nước rút, tránh sự cô lập. Bởi chỉ cần một cơn mưa lớn kéo dài, chiếc cầu tạm Sơn Bình sẽ bị ngập nước, giao thông bị chia cắt. Theo ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình, mấy chục năm nay, người dân địa phương luôn phải chịu cảnh khó nhọc mỗi khi qua lại trên cây cầu này. Vào mùa nắng, tuy cầu Sơn Bình luôn trong tình trạng hư hỏng nhưng người dân địa phương vẫn còn đi lại được; còn đến mùa mưa lũ thường bị cô lập hoàn toàn nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, khổ nhất là các hộ dân sinh sống bằng nghề trồng chuối. Đến vụ mùa thu hoạch chuối mà gặp cầu ngập nước kéo dài, chuối sẽ bị hỏng, bởi các tiểu thương không thể đến tận nơi thu mua, chỉ còn biết “ôm” của xót xa… Chúng tôi được biết, cách đây vài năm, một đợt lũ lớn kéo dài đã cướp đi sinh mạng của 3 người và thiệt hại hàng trăm triệu đồng hoa màu của các hộ dân xung quanh khu vực cầu Sơn Bình. Chính vì vậy, khi dự án cầu Sơn Bình được triển khai, người dân rất phấn khởi và tạo mọi điều kiện. Theo cán bộ phụ trách địa chính xã Sơn Bình, tổng diện tích đất thu hồi để triển khai dự án là 12.116m2, trong đó 65m2 đất ở và 10.251m2 đất nông nghiệp. Chưa đầy một tuần triển khai việc đền bù giải tỏa, đơn vị thi công đã có mặt bằng. Được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương và nhân dân vùng hưởng lợi, đơn vị thi công đã nhanh chóng khởi công xây dựng công trình… Giờ đây, niềm mơ ước lớn nhất của người dân về chiếc cầu bê tông cốt thép vững chắc đã sắp thành hiện thực.
Đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ thi công với hy vọng đưa cầu Sơn Bình vào sử dụng trong mùa mưa năm nay. |
Dự án cầu Sơn Bình có tổng vốn đầu tư gần 44,8 tỷ đồng (nguồn vốn ngân sách tỉnh), đang được chủ đầu tư (Ban quản lý các công trình trọng điểm tỉnh) và đơn vị thi công (Công ty TNHH Xây dựng Thống Nhất) đẩy nhanh tiến độ để kịp đưa vào sử dụng trong mùa mưa năm nay. Theo thiết kế, dự án có tổng chiều dài 133,25m với kết cấu 4 nhịp (mỗi nhịp dài 33m), bề rộng 9m; 39 cọc khoan nhồi và các mố trụ bê tông cốt thép. Dự án được khởi công từ tháng 12-2011, dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 18 tháng. Có mặt tại công trình, chúng tôi ghi nhận không khí làm việc khẩn trương, đầy trách nhiệm của các công nhân. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Ngọc Hà - kỹ thuật thi công công trình cầu Sơn Bình cho biết: “Để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án đúng hạn, hiện nay, chúng tôi bố trí 40 công nhân, kỹ thuật viên thường xuyên túc trực tại công trường để đảm bảo khối lượng công việc”. Tuy chỉ mới khởi công từ cuối năm 2011 đến nay nhưng dự án cầu Sơn Bình đã hoàn thành hơn 25% khối lượng công trình.
“Lần đầu tiên tôi chứng kiến một công trình thi với công máy móc hiện đại như thế. Với không khí làm việc khẩn trương, tôi nghĩ không bao lâu nữa, người dân các xã: Sơn Bình, Thành Sơn, Sơn Lâm sẽ có cầu mới để tránh lũ, cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn” - ông Nguyễn Văn Thành (xã Sơn Lâm) phấn khởi nói.
K.H - P.H