Tăng tiết, mở lớp phụ đạo, gom học sinh (HS) yếu kém tổ chức bán trú, thi thử… là những biện pháp được nhiều trường áp dụng để “lên dây cót” cho HS, giúp HS không bị ngỡ ngàng trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT).
Tăng tiết, mở lớp phụ đạo, gom học sinh (HS) yếu kém tổ chức bán trú, thi thử… là những biện pháp được nhiều trường áp dụng để “lên dây cót” cho HS, giúp HS không bị ngỡ ngàng trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT).
Thầy Phan Lèo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học (Diên Khánh) cho biết: “Do đầu vào HS của trường thấp nên từ đầu năm học, được sự nhất trí của phụ huynh HS lớp 12, ngoài các tiết học chính khóa, nhà trường đã tăng thêm 4 tiết/tuần đối với 3 bộ môn: Toán, Văn, tiếng Anh. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 6 môn thi tốt nghiệp, nhà trường tiếp tục tăng 4 tiết/tuần đối với 3 môn còn lại và tiến hành phân loại HS để có kế hoạch phụ đạo hiệu quả. Do bắt đầu chương trình sớm, lại biết “đón đầu” những khó khăn nên nhà trường đã kết thúc sớm chương trình lớp 12. Hiện nay, tất cả đang dồn sức cho việc ôn thi tốt nghiệp”.
Được biết, từ năm học 2010 - 2011, Trường THPT Bán công Nguyễn Bỉnh Khiêm sáp nhập vào Trường THPT Nguyễn Thái Học. Số HS lớp 12 của Trường THPT Bán công Nguyễn Bỉnh Khiêm chuyển qua Trường Nguyễn Thái Học là 180 HS, phần lớn là HS yếu kém. Hiện nay, Trường THPT Nguyễn Thái Học có 495 HS lớp 12. Kết thúc học kỳ 1, số lượng HS đạt kết quả học tập từ trung bình trở xuống chiếm khoảng 60%. “Với kết quả học tập như vậy, để HS đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới là nhiệm vụ hết sức nặng nề của giáo viên (GV) nhà trường. Đầu học kỳ 2, nhà trường đã sắp xếp các HS yếu kém vào thành một lớp, chọn những GV có kinh nghiệm tốt nhất làm chủ nhiệm và giảng dạy lớp này. Sau khi thành lập lớp, chúng tôi thấy các em đi học chuyên cần hơn, kết quả học tập cũng tốt hơn. Mục tiêu của nhà trường là tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay phải đạt hơn 90%” - thầy Phan Lèo cho biết.
Cô Trương Thị Lợi - giáo viên môn Địa lý Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật đang dò bài học sinh. |
Không chỉ Trường THPT Nguyễn Thái Học, việc lọc các HS học lực yếu kém đưa vào một lớp riêng để phụ đạo cũng là biện pháp được nhiều trường áp dụng. Tại Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang), bên cạnh việc phân loại HS yếu kém để phụ đạo, nhà trường còn tổ chức bán trú để HS có được những điều kiện tốt nhất. Được biết, hiện nay đã có 90 HS đăng ký học bán trú tại trường. Hàng ngày, từ 7 giờ đến 11 giờ 15, các em học theo lớp, sau đó ăn cơm và ngủ tại trường; từ 14 giờ giờ trở đi học theo thời khóa biểu của trường dành cho HS yếu. Mọi hoạt động của HS đều được GV kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Cô Nguyễn Thị Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật cho biết: “Năm học trước, trường tổ chức mô hình này rất hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,58%”. Năm nay, Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật có 8 lớp 12 với 373 HS. Kết thúc học kỳ 1, chỉ có 7,2% HS đạt học lực khá; 53,9% HS có học lực trung bình; 37% HS yếu và 1,9% HS kém. Với kết quả này, GV toàn trường đang phải nỗ lực để ôn tập, phụ đạo cho HS nhằm giúp các em nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của kỳ thi. Cô Thanh Vân tâm sự: “Thời điểm này, GV rất vất vả, công việc gần như tăng gấp đôi. Ngoài việc củng cố kiến thức căn bản, GV còn cho thêm bài tập, hướng dẫn các em tự làm bài, tự ôn tập… Kỳ thi tốt nghiệp năm nay có 2 môn Sử và Địa, đòi hỏi HS phải học thuộc bài; thế nhưng, nhiều em còn ham chơi, không chịu học nên GV rất mệt mỏi”. Cô Trương Thị Lợi - GV môn Địa lý Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật cho biết: “Tuy là môn xã hội nhưng môn Địa lý có số lượng bài học không nhiều. Nếu các em sử dụng tốt Atlat thì môn thi này khá nhẹ so với những môn thi khác. Tuy nhiên, sức học của các em phần lớn là trung bình trở xuống, còn ham chơi… nên việc ôn thi vất vả hơn. Thời gian này, chúng tôi phải kèm các em chặt chẽ hơn, vừa dò bài vừa hướng dẫn các em cách tự ôn sao cho hiệu quả nhất. Không chỉ vậy, GV còn phải biết động viên, khen ngợi các em đúng lúc để “lên dây cót” cho HS”.
Cô Nguyễn Thị Thanh Vân cho biết, ngày 27, 28, 29-4, các em sẽ làm bài kiểm tra học kỳ 2 các môn thi tốt nghiệp theo đề chung của Sở Giáo dục và Đào tạo. Đây được xem như kỳ thi thử tốt nghiệp THPT do Sở tổ chức. Đến ngày 19, 20, 21-5, nhà trường sẽ tiếp tục tổ chức thi thử 6 môn theo đề của trường. Mọi năm, kết quả thi theo đề của trường bao giờ cũng thấp hơn rất nhiều so với đề của Sở. “Cũng có ý kiến cho rằng, việc tăng ca, thi thử có thể gây cho HS nhiều áp lực. Tuy nhiên, thời điểm này cũng cần đốc thúc HS học hành. Đồng thời, qua thi thử, những em nào biết mình đang thuộc diện “báo động đỏ” sẽ cố gắng hơn” - cô Thanh Vân chia sẻ. Đây cũng là quan điểm của nhiều hiệu trưởng. Theo họ, việc thi thử chính là cách để các HS luôn phải tập trung vào bài vở. Qua mỗi kỳ thi, các em cũng biết mình còn hổng kiến thức ở phần nào để tập trung ôn tập hiệu quả hơn. Việc thi thử không chỉ rèn cho HS kiến thức mà còn rèn kỹ năng làm bài, giúp các em có sự chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho kỳ thi thật. Em Trần Ngọc Tâm - HS lớp 12 C2 Trường THPT Dân lập Nguyễn Thiện Thuật tâm sự: “Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Chúng em thấy mình tiến bộ hơn rất nhiều so với đầu học kỳ, có thể tự làm được nhiều bài hơn. Chúng em sẽ cố gắng để không phụ công lao của thầy cô”.
THU HIỀN
Theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 2 đến hết ngày 4-6-2012) với thứ tự các môn thi: Ngữ văn (150 phút), Hóa học (60 phút), Địa lý (90 phút), Lịch sử (90 phút), Toán (150 phút), Ngoại ngữ (60 phút), Vật lý (60 phút) - đối với thí sinh thi môn thay thế và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên.