Với chức năng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Kiến trúc sư có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hành nghề của giới kiến trúc sư.
Với chức năng là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, Hội Kiến trúc sư (KTS) có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hành nghề của giới KTS. Đặc biệt, công tác tư vấn phản biện xã hội cho các công trình, dự án sẽ xây dựng trên địa bàn tỉnh luôn được Hội quan tâm nâng cao chất lượng.
Nâng cao vai trò phản biện
Hoạt động của giới KTS có vai trò và ảnh hưởng rộng lớn đến nhiều hoạt động quy hoạch, kiến trúc, đầu tư, xây dựng và diện mạo của đô thị… Giới KTS không chỉ tham gia thiết kế công trình, tham gia công tác xây dựng mà còn đóng góp phản biện xã hội với các đồ án quy hoạch. Hàng loạt công trình của tỉnh, thành phố đều có sự đóng góp của giới KTS. Hội KTS vẫn thường xuyên được UBND tỉnh mời tham gia góp ý kiến trong các hội đồng quy hoạch về kiến trúc, giao thông, các dự án xã hội phát triển.
Theo KTS Bùi Dũng - Chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa: Thời gian qua, Hội KTS Khánh Hòa đã rất chú trọng vào công tác tư vấn phản biện trong việc đánh giá, thẩm định chất lượng các đồ án quy hoạch kiến trúc, để chất lượng phản biện đồ án thật sự chuyên sâu và thiết thực. Tuy chưa được UBND tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn phản biện công trình mà phải thông qua Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh, trong đó Hội KTS là thành viên, nhưng Hội KTS Khánh Hòa đã tham gia phản biện nhiều công trình kiến trúc quy hoạch, kinh tế - xã hội của tỉnh. Các KTS được mời tham gia hội đồng phản biện đều rất có trách nhiệm, trung thực, khoa học, góp ý với tỉnh nhiều ý tưởng phù hợp với xu hướng kiến trúc trong giai đoạn mới và đã đạt được một số kết quả. Chẳng hạn như ý kiến phản biện của Hội KTS về công trình xây dựng vườn hoa Ngã Sáu Nha Trang, Khu công nghiệp Khatoco, Tháp Trầm Hương… Ngoài ra, năm 2011, Hội đã được mời tham gia góp ý hơn 30 thiết kế quy hoạch hoặc ý tưởng các đề án quy hoạch của UBND tỉnh do Sở Xây dựng chủ trì. Một số thành viên của Hội cũng được mời tham gia các hội đồng tư vấn của tỉnh như: Hội đồng Quy hoạch Sân bay Nha Trang, Hội đồng tượng đài, tranh hoành tráng… “Tuy nhiên, để góp phần tạo ra những sản phẩm kiến trúc xây dựng tại Khánh Hòa ngày càng hoàn thiện hơn, công tác phản biện xã hội của Hội sẽ ngày càng được chú trọng và nâng cao hơn. Các đồ án sẽ được nghiên cứu sâu hơn nhằm đóng góp các ý kiến xác đáng, hiệu quả với tính khoa học, kỹ thuật và thẩm mỹ”, KTS Bùi Dũng nhấn mạnh.
Quan tâm đào tạo kiến trúc sư trẻ
Cùng với đội ngũ KTS trong cả nước, đội ngũ KTS Khánh Hòa đã có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng cũng như chất lượng, đóng góp trí tuệ, sức lực cho công cuộc phát triển đất nước. Năm 1984, tại Khánh Hòa chỉ có 8 KTS, đến nay con số này đã tăng hơn 100 người, trong đó có 58 hội viên Hội KTS đang sinh hoạt, công tác tại các đơn vị tư vấn kiến trúc, xây dựng, các sở, ban, ngành. Hội cũng đã thành lập Câu lạc bộ KTS trẻ. Đây là sân chơi cho các KTS trẻ có dịp giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác kiến trúc giữa các vùng miền. Năm 2011, Hội đã hỗ trợ kinh phí cho 10 KTS trẻ tham gia cuộc giao lưu được tổ chức tại Cần Thơ. Những năm qua, tuy hoạt động chưa sôi nổi nhưng Hội KTS Khánh Hòa đã trở thành môi trường xúc tác giúp các KTS hoạt động nghề nghiệp.
Vấn đề đặt ra hiện nay là tuy số lượng và chất lượng KTS hành nghề tăng lên rõ rệt những vẫn thiếu vắng những KTS với những tác phẩm thật sự đặc sắc, tạo dấu ấn. Những năm trước, Khánh Hòa có nhiều công trình của các KTS Phan Văn Đáng, Trần Thanh Cường… đạt giải thưởng quốc gia, nhưng thời gian gần đây hầu như không có công trình nào. Một phần do các KTS chưa mặn mà tham gia các cuộc thi sáng tác kiến trúc do Hội KTS Việt Nam tổ chức; mặt khác, Hội KTS Khánh Hòa cũng có tham gia nhưng chưa lựa chọn được tác phẩm tiêu biểu. Hai công trình tại Nha Trang đạt giải Kiến trúc xanh mới đây lại do một KTS ngoài tỉnh thiết kế.
KTS Trần Thanh Cường trăn trở: “Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị diễn ra mạnh mẽ đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực quy hoạch kiến trúc, là cơ hội để giới KTS được cọ xát nghề nghiệp, tiếp cận với số lượng và quy mô công trình ngày một lớn. Tuy nhiên, do các công trình ở Khánh Hòa có chủ đầu tư phần lớn ở ngoài tỉnh nên cơ hội để các KTS của tỉnh tham gia những dự án quan trọng, những công trình lớn không nhiều. Chính vì thế, các KTS Khánh Hòa ít có điều kiện để cập nhật những tri thức mới, cũng như học hỏi, trau dồi kinh nghiệm thực tế để nâng cao năng lực”. Cách đây vài năm, công trình Khách sạn Nha Trang Lodge - một trong những tòa nhà cao nhất Nha Trang hồi đó do nhóm KTS Phan Văn Đáng thiết kế đã đạt giải thưởng quốc gia. Đây là công trình có chủ đầu tư là người Nha Trang nên các KTS Nha Trang mới có cơ hội thiết kế.
Hiện nay, trong giới KTS vẫn còn có khoảng cách lớn giữa các thế hệ, tình trạng giấu nghề, không chia sẻ kinh nghiệm, cạnh tranh không lành mạnh vẫn còn phổ biến… Chính vì thế, nhiều KTS trẻ hiện vẫn chưa mặn mà tham gia tổ chức Hội. Để Hội KTS thực sự trở thành mái nhà chung của các KTS, một KTS trẻ kiến nghị: “Ngoài việc liên kết những cá nhân, Hội nên có những phương hướng, chương trình liên kết với các công ty hoạt động kiến trúc trong tỉnh để định hướng hoạt động kiến trúc theo một hướng đi chung, trên quan điểm phát triển bền vững, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Hội cũng cần có những chương trình, hoạt động thiết thực dành cho các KTS trẻ, quan tâm hơn đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ KTS trẻ, tạo môi trường hành nghề cạnh tranh lành mạnh để có những sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội”.
BÍCH KHUÊ
Ngày 27-4 hàng năm được Thủ tướng Chính phủ chọn là ngày Kiến trúc Việt Nam. Đây là dịp để giới KTS nhìn lại và đánh giá về tình hình hoạt động của giới KTS; là dịp để xã hội quan tâm, động viên giới KTS, các nhà quản lý kiến trúc quy hoạch, nhà đầu tư, tổ chức xã hội nghề nghiệp… cùng đoàn kết sáng tạo, tích cực tham gia xây dựng và phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và bản sắc. Năm 2011 là lần đầu tiên ngày Kiến trúc Việt Nam 27-4 được tổ chức kỷ niệm trên phạm vi cả nước.