03:04, 27/04/2012

“Lượng” nhiều nhưng “chất” thiếu

Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm cấp Trung học phổ thông năm học 2011 - 2012 do Sở Giáo dục và Đào tạo  tổ chức vừa kết thúc với kết quả khiêm tốn: chỉ 22/232 sản phẩm dự thi đạt giải A,

Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm cấp Trung học phổ thông (THPT) năm học 2011 - 2012 do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức vừa kết thúc với kết quả khiêm tốn: chỉ 22/232 sản phẩm dự thi đạt giải A, không có sản phẩm nào đạt loại xuất sắc. Tuy số lượng sản phẩm dự thi nhiều hơn, phong phú hơn so với các hội thi lần trước nhưng hội thi lần này lại thiếu… chất.

Hội thi Đồ dùng dạy học tự làm cấp THPT năm học 2011 - 2012 được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, Nha Trang. Hội trường nhỏ, sản phẩm dự thi nhiều, lại có khá đông giáo viên (GV) đến dự thi và học hỏi nên không khí hội thi khá lộn xộn; các sản phẩm dự thi được trưng bày trong không gian chật hẹp nên chưa tạo được điểm nhấn để thu hút người xem. Ông Trần Thức - Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD-ĐT) cho biết, so với các hội thi lần trước, hội thi lần này có nhiều trường, đơn vị tham gia nên số lượng sản phẩm dự thi nhiều hơn, khá phong phú về chủng loại và đầy đủ các bộ môn. Mục đích của hội thi nhằm khuyến khích GV tích cực làm đồ dùng dạy học phù hợp với điều kiện giảng dạy của GV và việc học tập của học sinh. Qua đó, nâng cao chất lượng bài giảng, giúp học sinh nắm kiến thức nhanh hơn, gắn lý thuyết với thực hành. Các sản phẩm dự thi phải thỏa mãn 5 yêu cầu: Sư phạm; kỹ thuật và tổ chức lao động có khoa học; mỹ thuật; kinh tế và sáng tạo.

Ban Giám khảo và giáo viên nghe thuyết trình một sản phẩm đồ dùng dạy học tự làm.

Ban Giám khảo và giáo viên nghe thuyết trình một sản phẩm đồ dùng dạy học tự làm.

Ghi nhận tại hội thi, bộ môn Vật lý có số sản phẩm dự thi nhiều nhất (30 sản phẩm), tiếp theo là Ngoại ngữ (29), Sinh học (28), Địa lý (25), Hóa học (23), Văn học (22), Lịch sử (21), Tin học (16)… Tuy có số lượng sản phẩm tham gia dự thi nhiều nhất nhưng các thiết bị đồ dùng dạy học tự làm của các GV bộ môn Vật lý lại ít sáng tạo; chủng loại thiết bị dạy học chưa phong phú, còn sơ sài về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Với môn Sinh học, tuy hội thi lần này có số lượng sản phẩm dự thi nhiều nhất so với các đợt thi trước nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Hải - Tổ trưởng Giám khảo môn Sinh học, tính sáng tạo của các sản phẩm dự thi chưa cao, một số chủ yếu lấy tư liệu trên mạng nên bị trùng lặp. “Một số sản phẩm còn mang tính chiếu lệ, sơ sài, một số dựa trên các mẫu đã có. Đây là nhược điểm khá lớn trong hội thi lần này”, ông Nguyễn Văn Hải nhận định. Môn Lịch sử cũng có số lượng sản phẩm dự thi nhiều hơn những năm trước. Các sản phẩm khá đa dạng về thể loại như: Sa bàn, lược đồ đa dụng, bản đồ động, sơ đồ hệ thống kiến thức, tư liệu hình ảnh, bài hát lịch sử… Mẫu mã, hình thức của các sản phẩm dự thi cũng được chú trọng hơn trước, các loại giấy in bền, sử dụng được lâu dài. Điều này cho thấy, đội ngũ GV môn Lịch sử đã có chú ý nhiều đến việc tự trang bị thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ giảng dạy ngày càng tốt hơn. Cô Nguyễn Thị Kim Hoa - Tổ trưởng Giám khảo môn Lịch sử nhận xét: “Ở hội thi, các loại đồ dùng dạy học là sa bàn hay bài hát lịch sử là những nét mới và thiết thực nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Trong số đồ dùng dự thi, chiếm đa số là hình ảnh tư liệu. Ở dạng đồ dùng này, các GV mới dừng lại ở việc tích lũy thô, nghĩa là lấy từ mạng xuống và chưa chọn lọc, phân loại, chưa chú thích nguồn. Những loại “đồ dùng” này gọi là “tích lũy kiến thức cá nhân” thì đúng hơn và tích lũy như dạng này cũng rất khó để sử dụng. Qua hội thi, có thể thấy một số GV nhận thức chưa đúng về đồ dùng dạy học tự làm, còn rập khuôn từ sách giáo khoa, chưa thể hiện sự sáng tạo”.

Các sản phẩm đồ dùng dạy học tự làm của GV môn Hóa học được đánh giá cao ở hội thi lần này bởi phong phú về chủng loại (sưu tầm tranh ảnh, thí nghiệm ảo hóa học, các giá thí nghiệm hóa học, các mô hình thí nghiệm…) và có sự đầu tư công sức, thời gian. Ví dụ như sản phẩm “Bộ giá đỡ ống nghiệm đa năng” của các Trường THPT Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng có thể phục vụ cho việc giảng dạy được nhiều bài, nhiều khối lớp khác nhau, có thể nhân mẫu để áp dụng cho nhiều đơn vị. Ông Lê Văn Phước - Tổ trưởng Giám khảo môn Hóa học cho biết: “Các sản phẩm dự thi đáp ứng các yêu cầu về sư phạm, khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật, kinh tế, sáng tạo… mang lại hiệu quả cho các bài giảng. Nhiều GV đã thiết kế những phần mềm có giá trị, mang tính chất sáng tạo, thay thế cho những thí nghiệm thực hành khó thực hiện, tạo điều kiện cho học sinh ôn tập kiến thức. Có nhiều đĩa CD tác giả sưu tầm nhiều tranh ảnh, thí nghiệm ảo giúp học sinh quan sát được các thí nghiệm khó, độc hại và khắc sâu kiến thức”. 

Tổng kết hội thi, trong 232 sản phẩm dự thi, chỉ có 22 sản phẩm đạt giải A, 41 sản phẩm giải B và 97 sản phẩm giải C. Trường THPT Phan Bội Châu giành giải nhất tập thể, Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp Nha Trang giải nhì và Trường THPT Lạc Long Quân giải ba. Ông Trần Thức - Trưởng phòng GD Trung học (Sở GD-ĐT) nhận xét, kết quả hội thi đã phản ánh đúng đắn sự chuẩn bị của các nhà trường và từng cá nhân tham dự hội thi. Tuy các sản phẩm dự thi chưa đạt chất lượng như mong muốn nhưng qua hội thi, các GV và nhà trường phải thấy được tầm quan trọng của đồ dùng dạy học tự làm. Các sản phẩm nếu được đầu tư công phu, có tính sáng tạo cao thì sẽ giúp cho việc truyền thụ các tri thức một cách nhanh chóng, khoa học, chính xác, giúp học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng, khắc sâu được kiến thức, gây hứng thú học tập, giảm được công sức của GV và tiết kiệm thời gian giảng dạy trên lớp.

LÊ NGUYÊN