09:04, 07/04/2012

Nguy hiểm rình rập

Sát cạnh tường rào Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) hiện có hơn chục người hành nghề hàn gió đá (sử dụng gió oxy và đá acetylene hay gas để gia nhiệt, tạo nóng chảy liên kết các mối hàn lại với nhau).

Sát cạnh tường rào Trường Trung học cơ sở (THCS) Trưng Vương (phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) hiện có hơn chục người hành nghề hàn gió đá (sử dụng gió oxy và đá acetylene hay gas để gia nhiệt, tạo nóng chảy liên kết các mối hàn lại với nhau). Nếu không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn cần thiết, chỉ cần sơ suất, những bình hàn gió đá cũ kỹ, lâu năm có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Nhà trường, phụ huynh đều rất lo lắng vì các cơ sở hàn gió đá đang đe dọa đến sự an toàn của học sinh.

Từ lâu, vỉa hè góc đường Sinh Trung và Lý Quốc Sư, cạnh chân tường Trường THCS Trưng Vương trở thành nơi mưu sinh của những người làm nghề hàn gió đá. Hàng ngày, có hơn chục thợ hàn miệt mài với công việc này. Họ nhận hàn từ vật dụng gia đình (bàn, ghế…) đến phụ tùng xe đạp, xe máy, nhiều nhất vẫn là hàn ống khói xe máy. Điều bất an là những bình khí trông rất cũ kỹ, lâu năm, khó đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn. Nguy hiểm hơn, các bình khí lại để san sát nhau. Nếu sơ suất trong khi làm việc, nó có thể phát nổ bất cứ lúc nào, gây cháy nổ liên hoàn thì hậu quả sẽ rất khó lường. Trong khi đó, những lúc vào lớp và tan trường, khu vực này có rất nhiều học sinh ra vào, phụ huynh đứng chờ đưa đón con em. Thậm chí, nhiều em đi học về, trong lúc đứng chờ người thân, bị cuốn hút bởi những ngọn lửa màu xanh phát ra khi hàn gió đá, liền tụm 5, tụm 7 lại xem. Chị Nguyễn Thị Anh (ở đường Vạn Hòa, phường Vạn Thạnh) thường xuyên đón con đi học ở trường Trưng Vương, lo lắng: “Tôi nghe nói hàn gió đá rất nguy hiểm, vụ nào nổ cũng gây chết người và bị thương hàng loạt, thậm chí sập nhà, sập tường. Việc hàn gió đá sát trường khiến chúng tôi lo lắng, nhưng trẻ con lại hiếu kỳ đứng xem”. Bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương cho biết: “Từ lâu, phía ngoài nhà trường có nghề hàn liên quan đến cháy nổ. Nhà trường và phụ huynh rất lo lắng. Thực ra, việc này thuộc trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương. Chúng tôi chỉ thường xuyên nhắc nhở, giáo dục học sinh không được đến gần khu vực hàn xì. Thế nhưng, nếu có sự cố xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sự an toàn của học sinh, an ninh trật tự của nhà trường. Vì vậy, nhà trường mong muốn các cấp cần có quy hoạch dành cho thợ hàn để khu vực này được đảm bảo an toàn”.

Sát cạnh tường rào Trường Trung học cơ sở (THCS) Trưng Vương (phường Vạn Thạnh, TP. Nha Trang) hiện có hơn chục người hành nghề hàn gió đá (sử dụng gió oxy và đá acetylene hay gas để gia nhiệt, tạo nóng chảy liên kết các mối hàn lại với nhau).
Một thợ hàn gió đá đang làm việc.

Trong số những người hàn gió đá ở khu vực này có người đã theo nghề 20 - 30 năm nay. Đa số họ đều có đời sống khó khăn, quanh năm dãi dầu mưa nắng nhưng cũng chỉ đủ tiền đong gạo hàng ngày. Một thợ hàn gió đá đã đứng tuổi tâm sự: “Ở Nha Trang, chỉ có khu vực này hàn gió đá theo kiểu tập trung và lâu năm, nếu chuyển đi sẽ mất khách hàng. Theo nghề này, chúng tôi thấy nhiều nơi bị nổ, gây ra tai nạn nên cũng sợ, nhưng nếu làm cẩn thận, giữ vệ sinh an toàn thì vẫn không sao”. Theo những thợ hàn ở đây, tuy biết nghề này nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo, họ vẫn theo nghề. Làm lâu năm, đã có khách hàng quen, vì vậy, việc chuyển đến một nơi khác an toàn hơn như mong muốn là không thể. Ông Lữ Phúc Trí - Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Thạnh cho biết: Phường đã biết việc hàn gió đá bên cạnh trường học gây nguy hiểm, bởi nhà trường và người dân xung quanh khu vực đã nhiều lần kiến nghị. Phường cũng đã làm việc với những người hàn gió đá, đồng thời kiến nghị lên thành phố. Trong đề án sắp xếp vỉa hè vừa qua, thành phố giao Phòng Quản lý đô thị tìm địa điểm di dời nhưng đến nay chưa tìm ra. Nếu họ chấp nhận chuyển đổi nghề nghiệp thì phường sẽ hỗ trợ”. Ông Ngô Khắc Thinh - Phó Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết: “Khu vực hàn gió đá quanh trường học rất nguy hiểm, các điều kiện an toàn không đảm bảo, mặt hàng này lại không thể để trên vỉa hè vì cực kỳ nguy hiểm. Thành phố đã giao cho Phòng Quản lý đô thị phối hợp với UBND phường Vạn Thạnh kiểm tra, đề xuất địa điểm an toàn để di dời nhưng chưa tìm được địa điểm. Vận động họ di dời về nhà làm cũng rất nguy hiểm. Những người theo nghề đều có hoàn cảnh khó khăn, vì vậy can thiệp sao cho hợp tình, hợp lý đang là vấn đề nan giải”.

Những bình hàn gió đá đặt san sát nhau, nếu xảy ra nổ bình, sẽ gây cháy nổ liên hoàn, hậu quả khó lường.

Những bình hàn gió đá đặt san sát nhau, nếu xảy ra nổ bình, sẽ gây cháy nổ liên hoàn, hậu quả khó lường.

Nghề hàn gió đá rất nguy hiểm. Theo những người có kinh nghiệm, để sử dụng an toàn thì vỏ bình phải được kiểm tra thường xuyên, nạp nhiên liệu tại các cơ sở có uy tín. Mỗi lần nạp, các cơ sở đều kiểm tra chất lượng vỏ bình, lấp van chống cháy ngược khi hàn, bảo quản bình đúng quy định. Khi hàn phải dùng xích cố định, tránh ngã đổ và va chạm mạnh với các vật khác. Nếu sử dụng bình khí lâu năm, không kiểm định chất lượng, vỏ bình bị oxy hóa, rò rỉ bên trong, khi hàn gây áp lực lớn, bình sẽ phát nổ. Trong quá trình hàn, nếu không cẩn thận làm ngã bình, va chạm mạnh, bình khí cũng phát nổ. Khi nổ bình, sức công phá rất lớn. Trên thực tế, nhiều vụ nổ bình gió đá đã gây chết người, sát thương cao, thậm chí sập nhà, sập tường… Chính vì vậy, không thể để một khu vực hàn gió đá thiếu tính an toàn tồn tại mãi bên cạnh trường học. Trong khi chính quyền địa phương và cơ quan quản lý đô thị đang loay hoay tìm cách giải quyết thì hàng ngày, hơn 1.500 học sinh Trường THCS Trưng Vương vẫn đi học, ra vào ngay cạnh khu vực hàn xì. Không biết bao giờ nguy hiểm từ việc hàn gió đá hết “rình rập” học sinh và các hộ dân lân cận?

MINH THIẾT