10:04, 22/04/2012

Cần sự đồng thuận từ người dân

Với quy mô lớn, công nghệ đóng mới tàu biển hiện đại, dự án Nhà máy đóng tàu của Công ty Oshima Shipbuilding - Nhật Bản (tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) hứa hẹn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh hơn.

Với quy mô lớn, công nghệ đóng mới tàu biển hiện đại, dự án Nhà máy đóng tàu (NMĐT) của Công ty Oshima Shipbuilding - Nhật Bản (tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) hứa hẹn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển mạnh hơn. Tuy vậy, dự án đã gặp khó ngay giai đoạn khảo sát khi mà dự án kế bên đang tiến hành đền bù cho người dân theo mức giá thỏa thuận; trong khi đó, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng áp dụng cho dự án NMĐT lại được thực hiện theo mức giá quy định của Nhà nước. Đó là những băn khoăn của người dân nhưng nếu nhìn xa hơn, chắc chắn khi dự án hoàn thành, người dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn… 

.  Nhiều kỳ vọng…

Người dân xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) bao đời nay chỉ biết mưu sinh từ biển, gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản vốn còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Còn hiện nay, cuộc sống của người dân nơi đây đang bước sang một trang mới với các dự án công nghiệp được phê duyệt. Ngoài 2 dự án Nhà máy xi măng Công Thanh và xi măng Hà Tiên, dự án NMĐT do Công ty Oshima Shipbuilding (Nhật Bản) làm chủ đầu tư đã trở thành dự án trọng điểm của Nam Cam Ranh, hứa hẹn triển vọng sáng sủa cho kinh tế địa phương.

Bến ghe - nơi mưu sinh của 2/3 hộ dân 2 thôn Hòa Diêm và Hòa Sơn cũng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án.

Bến ghe - nơi mưu sinh của 2/3 hộ dân 2 thôn Hòa Diêm và Hòa Sơn cũng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dự án.

Dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập thủ tục đầu tư vào tháng 2-2012. Đây sẽ là nhà máy đóng mới tàu phục vụ trong nước và xuất khẩu, dự kiến khi hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.000 lao động, đóng góp cho ngân sách Nhà nước 0,7 triệu USD (tiền thuê đất, mặt nước) và 2,4 triệu USD tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mỗi năm. Nhà máy này sẽ là “đòn bẩy” quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của thành phố trẻ Cam Ranh nói chung và xã Cam Thịnh Đông nói riêng. Gặp chúng tôi, bà Võ Thị Ái Tịnh - Bí thư Đảng ủy xã Cam Thịnh Đông vui vẻ cho biết: “Dự án NMĐT do Công ty Oshima Shipbuilding thực hiện có tổng diện tích 304ha, cùng với 2 dự án nhà máy xi măng, sẽ đưa xã Cam Thịnh Đông trở thành xã công nghiệp của thành phố. Khi thực hiện dự án, chắc chắn địa phương có gặp khó khăn. Tuy nhiên, vì mục tiêu phát triển kinh tế, chúng tôi rất kỳ vọng vào dự án này”.

Những người dân có đất nằm trong dự án NMĐT cũng suy nghĩ rất tích cực. Ông Trần Thanh Phong (thôn Hòa Diêm, Cam Thịnh Đông) lạc quan: “Khi sắp phải từ giã cái nghề đã gắn bó và nuôi sống gia đình hơn 20 năm, tôi tiếc lắm. Nhưng để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển,  dù không còn đìa để làm, chúng tôi vẫn rất phấn khởi bởi sẽ có những nhà máy quy mô lớn, hiện đại được xây dựng trên quê hương mình”. Anh Phan Đình Kiệt (phường Ba Ngòi) cũng lạc quan không kém, dù toàn bộ 1,2ha đìa nuôi trồng thủy sản của anh sắp bị thu hồi: “Tôi rất ủng hộ chủ trương xây dựng NMĐT vì đây là cơ hội để kinh tế - xã hội địa phương phát triển, góp phần nâng cao đời sống cho người dân”.  

.  Và trăn trở…

Hiện tại, công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng NMĐT tại xã Cam Thịnh Đông mới bắt đầu giai đoạn khảo sát để lập hồ sơ, lên phương án bồi thường, hỗ trợ cho  những đối tượng chịu ảnh hưởng. Trong khi đó, bên cạnh dự án này, dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh hiện trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng. Mức giá bồi thường thu hồi đất của dự án này được thực hiện theo phương thức thỏa thuận giữa chủ đầu tư và đối tượng có đất bị thu hồi nên khá cao. Trong khi đó, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng áp dụng cho dự án NMĐT lại được thực hiện theo mức giá quy định của Nhà nước. Tuy mức giá này chưa được công bố nhưng nhiều hộ dân có đìa nuôi trồng thủy sản thuộc diện bị thu hồi đã có tâm lý băn khoăn. Phần lớn là so bì với mức giá đền bù của dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh.

1
 

Ông Nguyễn Nở (thôn Hòa Diêm) chia sẻ: “Tôi nghe nói chủ đầu tư dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh bồi thường cho những hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng nhà máy với mức giá bình quân 1 - 1,2 tỷ đồng/ha. Đây là khu vực nuôi trồng thủy sản hiệu quả nhất trên địa bàn TP. Cam Ranh nên tôi mong muốn, khi thu hồi đất để xây dựng NMĐT, Nhà nước sẽ bồi thường cho chúng tôi với mức giá bằng hoặc cao hơn mức giá áp dụng cho khu vực dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh”. Tuy rất ủng hộ chủ trương xây dựng NMĐT, nhưng ông Trần Thanh Phong cũng băn khoăn về mức giá bồi thường: “Tôi sẵn sàng bàn giao mặt bằng để xây dựng nhà máy nếu Nhà nước có chính sách bồi thường, hỗ trợ hợp lý. Ngoài ra, tôi cũng hy vọng sau này NMĐT sẽ tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương. Tôi có 3 đứa con đang học đại học, dự định khi ra trường sẽ xin cho chúng vào làm việc trong NMĐT nhưng chưa biết thế nào… ”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã và bà Võ Thị Ái Thịnh - Bí thư Đảng ủy xã Cam Thịnh Đông, trên địa bàn xã, số dân sống bằng nghề biển chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó, 2/3 hộ dân của 2 thôn Hòa Diêm và Hòa Sơn sống bằng nghề này nên khi bến ghe phải bỏ để xây dựng NMĐT, chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh kế và đời sống của không ít người dân địa phương. Hiện tại, UBND xã Cam Thịnh Đông đang xây dựng phương án xin chủ trương của UBND TP. Cam Ranh để quy hoạch 1 bến ghe mới, tạo điều kiện cho ngư dân. Dù vậy, ông Nguyễn Ngọc Minh vẫn không khỏi lo lắng: “Phương án này nếu được thực hiện cũng không mấy hiệu quả bởi thực tế, toàn bộ chiều dài 12km bờ biển, bãi triều trên địa bàn đã và đang được xây dựng các nhà máy công nghiệp, điều đó cũng có nghĩa ngư trường ven bờ bị “xóa sổ”. Do vậy, địa phương rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành trong việc tạo điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân trên địa bàn”.  

.  Cần đồng lòng

Trăn trở của người dân và chính quyền cơ sở không khó hiểu. Nhất là khi ngay cạnh khu vực dự án NMĐT là dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh đang đền bù với mức rất cao. Tuy nhiên, việc thu hồi đất phục vụ 2 dự án này là hoàn toàn khác nhau. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004, Điều 34; Điều 35 Nghị định số 84/NĐ-CP ngày 25-5-2007…, dự án 100% vốn đầu tư nước ngoài và dự án nhóm A sẽ do Nhà nước đứng ra thu hồi, đền bù đất trước khi giao cho chủ đầu tư. Dự án NMĐT thuộc trường hợp này, Nhà nước sẽ thu hồi đất và đền bù theo giá đất mà UBND tỉnh niêm yết. Còn dự án Nhà máy Xi măng Công Thanh là dự án mà chủ đầu tư chính là bên thỏa thỏa thuận giá đền bù với người dân nên khả năng mức giá sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, ngoài tiền đền bù, người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án NMĐT còn được hưởng nhiều chính sách khác như tái định cư, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ đào tạo nghề… Với những chính sách này, người dân cũng sẽ không bị thua thiệt so với những dự án khác. Ngoài ra, lãnh đạo các cấp cũng cần tính toán kỹ phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề hợp lý cho hàng ngàn người dân đang mưu sinh tại khu vực này. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng cần nhìn xa hơn để tạo điều kiện cho dự án sớm hoàn thành, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, qua đó mở rộng cơ hội có việc làm, tăng thu nhập của bản thân và gia đình.

Tổ P.V

Ông Đào Văn Hòa - Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, UBND TP. Cam Ranh lên phương án tiến hành đền bù cho người dân có đất trong dự án NMĐT. Chúng tôi sẽ đền bù đất cho người dân đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, UBND thành phố sẽ xem xét, giải quyết những quyền lợi của người dân. Mong người dân hiểu đây là dự án có ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển kinh tế của Cam Ranh; chính quyền thành phố mong nhận được sự đồng thuận của người dân.