Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đang triển khai Đề án Phẫu thuật tim hở. Chuẩn bị cho đề án này, từ năm 2010, BV đã đưa đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên...
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa đang triển khai Đề án Phẫu thuật tim hở (PTTH). Chuẩn bị cho đề án này, từ năm 2010, BV đã đưa đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đi học về PTTH tại BV Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh; đồng thời từng bước đầu tư cơ sở vật chất để thành lập Khoa Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch (PTLN-TM) vào cuối năm nay. Việc triển khai đề án sẽ mở ra nhiều cơ hội cho những người mắc bệnh tim, nhất là đối với những trẻ bị bệnh tim bẩm sinh…
. Phát triển phẫu thuật tim hở - nhu cầu cần thiết
Bác sĩ Cao Việt Dũng - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, hiện nay bệnh lý tim mạch đang có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ ở những nước phát triển, các nước đang phát triển mà cả ở những nước nghèo. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 8.500 trẻ em bị dị tật tim bẩm sinh ra đời, trong đó 4.250 trường hợp có chỉ định phẫu thuật. Riêng tại Khánh Hòa, số bệnh nhân (BN) mắc bệnh tim mạch đến khám ngày càng tăng, nếu năm 2009 có 4.448 người đến khám thì đến năm 2010 tăng lên 5.327 BN. Theo thống kê của bảng xếp hạng các loại bệnh có lượng BN bị tử vong cao thì BN tim mạch xếp hàng đầu. Trung bình mỗi năm, tại BVĐK tỉnh có khoảng 60 trường hợp BN mắc bệnh tim mạch tử vong. Số lượng này sẽ giảm nếu BN được điều trị hiệu quả và được can thiệp kịp thời bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, hiện tại BVĐK tỉnh chỉ mới có đơn vị can thiệp tim mạch (thành lập năm 2009), vì thế nhu cầu phát triển PTTH ở BVĐK tỉnh là cần thiết để phục vụ người bệnh, đặc biệt là những BN nghèo, giúp giảm chi phí đi lại, ăn ở cho BN. Việc triển khai PTTH còn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân các tỉnh lân cận và khách du lịch đang lưu trú tại địa phương; hỗ trợ và giải quyết các biến chứng nếu có cho đơn vị tim mạch can thiệp, giải quyết triệt để các bệnh lý tim mạch tại BVĐK tỉnh… Ngoài ra, phát triển PTTH sẽ nâng cao chất lượng điều trị của BV ngang tầm với BV hạng I, khu vực Nam Trung bộ.
. Sẽ thành lập Khoa Phẫu thuật lồng ngực - tim mạch
Bệnh viện Chợ Rẫy phối hợp Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám sàng lọc bệnh tim tại Khánh Hòa năm 2012. |
Theo đề án, BVĐK tỉnh sẽ thành lập Khoa PTLN-TM với quy mô 30 giường bệnh, 2 phòng mổ tim hở. Đây sẽ là khoa chuyên biệt thuộc hệ ngoại của BV. Về nhân sự, Khoa PTLN-TM sẽ có 10 bác sĩ, gồm: phẫu thuật tim mạch, gây mê hồi sức, chạy tuần hoàn ngoài cơ thể, siêu âm tim mạch, hồi sức sau mổ tim; 8 điều dưỡng về dụng cụ trong phẫu thuật tim, chăm sóc hậu phẫu tim, tiền phẫu kim hậu phẫu xa; 4 kỹ thuật viên chạy máy tuần hoàn ngoài cơ thể, gây mê hồi sức tim mạch. Tổng kinh phí của đề án (bao gồm kinh phí đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất…) khoảng gần 31 tỷ đồng. Theo đó, giai đoạn 1, ê-kíp (gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên) của BV Chợ Rẫy sẽ phối hợp với ê-kíp của BV tỉnh tiến hành phẫu thuật những trường hợp đơn giản, an toàn như: Thông liên nhĩ thứ phát chưa tăng áp phổi, tồn tại ống động mạch, thông liên thất… Giai đoạn 2, ê-kíp BVĐK tỉnh trực tiếp mổ với sự hỗ trợ, cầm tay chỉ việc của ê-kíp BV Chợ Rẫy và sẽ tiến hành phẫu thuật những trường hợp phức tạp hơn như: thay, sửa van 2 lá, thay van động mạch chủ… Giai đoạn 3, ê-kíp BVĐK tỉnh trực tiếp mổ với sự cố vấn, quan sát, hỗ trợ của chuyên gia BV Chợ Rẫy và tiến dần đến việc triển khai mổ độc lập, thường quy những trường hợp phức tạp.
Được biết, mới đây, BVĐK tỉnh, BV Chợ Rẫy cùng với Quỹ bảo trợ trẻ em (BTTE) tỉnh đã có cuộc họp bàn về nội dung hợp đồng điều trị can thiệp thủ thuật và phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh của tỉnh. Theo hợp đồng, cuối năm nay, sẽ có khoảng 20 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh được phẫu thuật tại BVĐK tỉnh. Có mặt tại buổi ký kết, bà Trần Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Giám đốc Quỹ BTTE tỉnh cho biết, theo số liệu thống kê ở Khánh Hòa, trung bình mỗi năm có 19.000 trẻ sơ sinh ra đời, trong đó có 152 ca bị bệnh tim bẩm sinh. Trong số đó, có hơn một nửa có chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, mỗi năm số trẻ bị bệnh tim bẩm sinh của tỉnh được phẫu thuật không nhiều, nguyên nhân do phần đông trẻ bị bệnh tim bẩm sinh đều có hoàn cảnh khó khăn, trong khi chi phí cho một lần PHTH còn khá cao, cộng với chi phí di chuyển, ăn ở khi phải vào TP. Hồ Chí Minh để phẫu thuật khiến nhiều gia đình không lo nổi. Từ năm 2007 đến nay, cùng với chính sách hỗ trợ mổ tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh của tỉnh, Quỹ BTTE tỉnh phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã vận động nguồn kinh phí từ các tổ chức từ thiện đưa một số em bị bệnh tim bẩm sinh vào TP. Hồ Chí Minh phẫu thuật. Qua 6 năm triển khai, chương trình đã khám, phát hiện và phẫu thuật cứu sống hơn 500 em. Tuy nhiên, nỗ lực này cũng chỉ đáp ứng một phần nhu cầu so với thực tế số trẻ bị bệnh tim bẩm sinh cần được phẫu thuật. Vì thế, nếu đề án Phát triển PTTH tại BVĐK tỉnh được triển khai sẽ tạo cơ hội cứu sống nhiều trẻ bị bệnh tim bẩm sinh nói riêng và người bị bệnh tim mạch nói chung.
THẢO LY
Bác sĩ Cao Việt Dũng: “Để ca PTTH đầu tiên được triển khai tại BVĐK tỉnh vào cuối năm nay thành công, chúng tôi đang chuẩn bị sửa chữa, xây dựng phòng mổ tim, phòng hồi sức sau mổ tim đúng tiêu chuẩn tại khu vực tầng 2, khu 8 tầng (Khoa Hồi sức cấp cứu hiện nay). Đội ngũ ê-kíp bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên học về PTTH tại BV Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) phần lớn đã hoàn thành các khóa học. Việc mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho 2 phòng mổ tim hở đang được triển khai thực hiện”.