03:04, 10/04/2012

Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng

Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4-2012, thị xã Ninh Hòa là địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng cao nhất tỉnh Khánh Hòa với 221 ca, chiếm hơn 30% số ca mắc trong toàn tỉnh.

Đến cuối tháng 3, đầu tháng 4-2012, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) là địa phương có số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) cao nhất tỉnh Khánh Hòa với 221 ca, chiếm hơn 30% số ca mắc trong toàn tỉnh. Hiện UBND thị xã Ninh Hòa đang đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch (PCD) bệnh TCM với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh và tránh để xảy ra tử vong.

Theo số liệu của UBND thị xã Ninh Hòa, tính đến ngày 4-4, toàn thị xã có 221 trường hợp mắc bệnh TCM, không có ca tử vong, tăng 214 ca so với cùng kỳ năm 2011. Số ca bệnh TCM xuất hiện ở 24/27 xã, phường với 112 thôn, tổ dân phố; trong đó, các địa phương có trên 15 ca là: Ninh Phụng (23 ca), Ninh Quang (21 ca), Ninh Xuân và Ninh Bình (16 ca), Ninh Hiệp và Ninh Hưng (15 ca). Toàn thị xã xuất hiện 22 ổ dịch nhỏ ở 12 xã, phường. Bệnh nhân (BN) tập trung ở độ tuổi dưới 36 tháng (165 ca, chiếm 77,5%), nhỏ nhất là 2 tháng tuổi và lớn nhất là 9 tuổi. Điều đáng chú ý, trong số ca mắc bệnh TCM chỉ có 12 ca mắc tại 11 trường mầm non, điều này cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến trẻ mắc bệnh là do người lớn mang vi trùng truyền qua. Ông Trịnh Tiến Khoa - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa nhận định: “Thời tiết nắng nóng xen kẽ các cơn mưa là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Số lượng người mắc bệnh TCM trên địa bàn thị xã tăng cao ngay từ đầu năm và rải rác ở hầu hết các xã, phường. Việc xác định và kiểm soát nguồn lây bệnh TCM rất khó khăn, do nguồn lây chủ yếu từ người lành mang trùng. Vì vậy, thời gian tới, tình hình dịch bệnh TCM trên địa bàn có khả năng diễn biến phức tạp”.

Trẻ ở thị xã Ninh Hòa bị mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại nhà
Trẻ ở thị xã Ninh Hòa bị mắc bệnh tay chân miệng đang được điều trị tại nhà

Trước tình hình trên, thị xã Ninh Hòa đã triển khai và đẩy mạnh các biện pháp PCD bệnh TCM với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh và tránh để xảy ra tử vong. Công tác PCD của thị xã tập trung vào các hoạt động như: truyền thông, giáo dục sức khỏe về PCD bệnh trên Đài Truyền thanh - Truyền hình thị xã; có công văn nghiêm cấm các cơ sở y tế tư nhân tiếp nhận điều trị bệnh TCM; chỉ đạo UBND các xã, phường thường xuyên phát tin, bài hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng, chống bệnh TCM; các trạm y tế cung cấp tờ rơi, bài tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Bên cạnh đó, Đội Y tế dự phòng thực hiện giám sát BN hàng ngày tại các bệnh viện và phòng khám; thực hiện xử lý dịch ngay trong ngày tại các hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo có BN mắc TCM. Bệnh viện Đa khoa khu vực (BVĐKKV) Ninh Hòa, Ninh Diêm và Phòng khám ĐKKV Ninh Sim đã bố trí sẵn khu cách ly, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc, sẵn sàng tiếp nhận BN điều trị… Tuy nhiên, theo bà Đinh Thị Vân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa, hiện nay công tác PCD TCM trên địa bàn thị xã gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc huy động cộng đồng và sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể ở một số xã, phường trong công tác PCD còn nhiều hạn chế, có xã, phường chưa thật sự quan tâm đến công tác này; dịch bệnh rải rác trên diện rộng (24/27 xã), BN mắc TCM thường dưới 3 tuổi nên thường được chăm sóc tại nhà, trong khi công tác vệ sinh của người lớn khi tiếp xúc với trẻ không được thực hiện tốt nên dễ gia tăng dịch bệnh; khó xác định được nguồn lây bệnh TCM, đặc biệt đối với nguồn lây từ người lành mang trùng. Mặt khác, kinh phí hoạt động chưa được phân bố kịp thời, làm hạn chế hiệu quả trong việc triển khai hoạt động PCD bệnh; một bộ phận người dân còn chủ quan, ý thức phòng bệnh TCM trong từng hộ gia đình và cộng đồng chưa cao…

Trước tình hình dịch bệnh TCM ở thị xã Ninh Hòa tăng cao, mới đây, đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với thị xã về công tác PCD TCM. Tại buổi làm việc, đồng chí yêu cầu UBND thị xã phải giữ mục tiêu không để xảy ra tình trạng tử vong do bệnh TCM; tăng cường công tác truyền thông, nhất là truyền thông đại trà; đẩy mạnh việc giám sát, phát hiện khám và điều trị đúng bệnh; phát động chiến dịch rửa tay trên toàn thị xã; tăng cường vai trò của Chủ tịch UBND, ban ngành, đoàn thể của xã, phường, tổ trưởng dân phố trong công tác PCD TCM; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc…

Trước thực trạng trên, bà Đinh Thị Vân kiến nghị, UBND tỉnh cần sớm phân bổ kinh phí PCD kịp thời cho Trung tâm Y tế thị xã; thực hiện đầy đủ các chế độ cho nhân lực tham gia chống dịch. Bên cạnh đó, Sở Y tế, Viện Pasteur Nha Trang cần tăng cường hỗ trợ công tác tuyền thông và công tác chuyên môn về giám sát, xử lý ổ dịch để công tác PCD TCM ở thị xã được thực hiện tốt hơn.

BÁ NGHĨA