11:04, 30/04/2012

Công tác xã hội - Nghề mới và cần thiết

Hiện nay, xã hội ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc, rất cần sự tham gia giải quyết của đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội có nghề, có trình độ.

Hiện nay, xã hội ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề bức xúc, rất cần sự tham gia giải quyết của đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội (CTXH) có nghề, có trình độ. Chính vì vậy, ngày 25-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Đề án 32). Với quyết tâm triển khai hiệu quả Đề án 32, những năm qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ…

. Nhu cầu của xã hội hiện đại

Sự phát triển vượt bậc của kinh tế - xã hội (KT-XH) đã làm tỷ lệ người nghèo giảm mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, khoảng cách giữa người giàu và người nghèo lại tăng lên đáng kể. Trong khi phần lớn thành tựu từ tăng trưởng kinh tế đem lại lợi ích cho người giàu trong xã hội, thì người nghèo lại tập trung sống ở khu vực nông thôn, miền núi, nơi cơ sở hạ tầng còn rất thiếu thốn. Đó là thách thức đặt ra với công tác giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội. Cũng chính vì vậy, xã hội cần có đội ngũ nhân viên CTXH giúp người nghèo thoát nghèo và giảm bất bình đẳng.

Cùng với sự phát triển KT-XH, những thay đổi về cách thức làm việc cũng ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, cụ thể như sự di chuyển, thời gian làm việc kéo dài đã hạn chế thời gian ở bên nhau, giúp đỡ lẫn nhau của gia đình. Thêm vào đó, tình trạng nghiện rượu, ma túy, bạo lực gia đình và lạm dụng trẻ em cũng tăng lên. Trẻ em và phụ nữ thường có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đói nghèo, là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, tình trạng lạm dụng và nạn buôn bán người. Phụ nữ trẻ lên thành phố bị thất nghiệp có thể sa vào con đường mại dâm. Trẻ em lang thang gắn liền với việc các em lên thành phố kiếm tiền bằng cách bán hàng trên đường phố hoặc đi xin ăn và thường có nguy cơ mắc vào tệ nạn mại dâm, ma túy hay các tệ nạn xã hội khác. Vì thế, xã hội cần có những nhân viên CTXH chuyên nghiệp để giúp các gia đình và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hòa nhập cộng đồng, tự vươn lên trong cuộc sống.

Phát triển nghề công tác xã hội sẽ đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay.

Phát triển nghề công tác xã hội sẽ đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện nay.

Song song với các vấn đề xã hội còn có các vấn đề về sức khỏe mà con người gặp phải khi công nghiệp phát triển, đời sống trở nên khá giả. Đặc biệt, bệnh tâm thần trở nên trầm trọng hơn, bao gồm cả rối nhiễu thần kinh nhẹ như lo lắng, phiền muộn, hay rối nhiễu tâm thần; sự lây lan của căn bệnh HIV gắn chặt với tệ nạn mại dâm và ma túy. Nếu không có lực lượng CTXH chuyên nghiệp thì hiệu quả của các chương trình, dự án phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS rất hạn chế, đại dịch HIV/AIDS không thể kiểm soát được. Lĩnh vực bảo trợ xã hội cũng cần có những con người làm CTXH chuyên nghiệp để trợ giúp trẻ em đặc biệt, những người bị tàn phế từ hậu quả chiến tranh, người tàn tật và những người già yếu. Ở các làng, xã và các huyện, thị xã, thành phố cần có sự tư vấn và trợ giúp của nhân viên CTXH để người dân có thể hưởng lợi từ sự phát triển cũng như đảm bảo khả năng đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng, thực thi các chính sách.

Từ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc phát triển CTXH như một nghề chuyên nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án “Phát triển nghề CTXH”.

. Đến 2020, khoảng 475.300 người cần hỗ trợ dịch vụ công tác xã hội

Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: Do những biến đổi nhanh chóng về KT-XH và những tác động của quá trình đổi mới đã dẫn đến những thay đổi trong mối quan hệ gia đình và cộng đồng; tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, lao động di cư từ nông thôn ra đô thị; thêm vào đó là sự gia tăng số lượng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, số lượng người già và người khuyết tật, vấn đề HIV/AIDS, tệ nạn xã hội… Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi phải có một đội ngũ làm CTXH chuyên nghiệp để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, góp phần tích cực vào sự phát triển phúc lợi của một xã hội hiện đại. Ước tính đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có khoảng 475.300 người cần sự hỗ trợ dịch vụ CTXH, bao gồm cả đối tượng cần hỗ trợ thường xuyên và không thường xuyên”. 

Để thực hiện hiệu quả Đề án 32, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả nghề CTXH. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, nhằm làm thay đổi cơ bản nhận thức của các cấp, ngành và toàn xã hội về tầm quan trọng của nghề CTXH. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Đề án 32 cũng đề ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, nhân dân về vai trò, vị trí của nghề CTXH để người dân hiểu và tiếp cận với các dịch vụ CTXH; xây dựng đội ngũ nhân viên CTXH chuyên nghiệp; phấn đấu đến cuối năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên CTXH không chuyên trách; đào tạo, đào tạo lại chuyên ngành CTXH cho 195 người, trong đó trình độ trung cấp 165 người, trình độ cao đẳng, đại học 30 người; tập huấn nâng cao kỹ năng thực hành CTXH cho khoảng 885 cán bộ, công chức, viên chức mỗi năm; phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ CTXH, phấn đấu đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 4 trung tâm bảo trợ xã hội đặt tại các huyện, thị xã, thành phố và tạo điều kiện phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, đồng thời xây dựng thí điểm 1 trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng thêm số lượng viên chức, nhân viên CTXH ở các cấp; phấn đấu đến cuối năm 2020, mỗi xã, phường, thị trấn có 1 nhân viên và 1 cộng tác viên CTXH; đào tạo, đào tạo lại chuyên ngành CTXH cho 205 viên chức, nhân viên đảm bảo trình độ từ trung cấp trở lên; tăng cường tập huấn nâng cao năng lực thực hiện CTXH cho khoảng 965 người mỗi năm; xã hội hóa hoạt động CTXH theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghề CTXH và cung cấp dịch vụ CTXH…

Theo ông Mai Xuân Trí, “nghề CTXH có phạm vi hoạt động khá rộng. Đó là những hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình và cộng đồng; bảo vệ quyền con người; bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội; thúc đẩy phát triển xã hội hài hòa vì hạnh phúc của các thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, để phát triển nghề CTXH chuyên nghiệp, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung vào một số trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các tầng lớp xã hội; xây dựng khuôn khổ pháp luật phát triển nghề CTXH; phát triển nguồn nhân lực làm CTXH để có đủ năng lực trợ giúp đối tượng, hội nhập với quốc tế; ban hành mã ngạch, chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức từ thấp tới cao và xây dựng chương trình đào tạo cho từng cấp học tương ứng…”.

VĂN GIANG