Ngày 27-4, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, lãnh đạo xã Ninh Phước có buổi đối thoại với 74 hộ dân thuộc diện giải tỏa đợt 1 ở thôn Ninh Yểng (xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa) để triển khai dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong.
Ngày 27-4, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan, lãnh đạo UBND thị xã Ninh Hòa, lãnh đạo xã Ninh Phước có buổi đối thoại với 74 hộ dân thuộc diện giải tỏa đợt 1 ở thôn Ninh Yểng (xã Ninh Phước, Ninh Hòa, Khánh Hòa) để triển khai dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong. Đây là cuộc đối thoại được những người dân nơi đây mong đợi, bởi họ mong muốn qua cuộc đối thoại này, những khúc mắc quanh việc đền bù, giải tỏa sẽ được xem xét cụ thể hơn…
. Nhiều kiến nghị liên quan đến giá đền bù
Tuy chỉ mới hơn 7 giờ sáng nhưng người dân thuộc diện giải tỏa đợt 1 ở thôn Ninh Yểng đã tập trung đông đủ tại hội trường UBND xã Ninh Phước. Mở đầu cuộc đối thoại, 74 hộ dân đã nghe ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong, tiến độ thực hiện cơ sở hạ tầng Khu dân cư và tái định cư Ninh Thủy. Theo báo cáo của lãnh đạo thị xã, tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là 74 hộ, đều thuộc thôn Ninh Yểng. Đến nay, công tác kiểm kê đã xong, UBND thị xã đã phê duyệt được 14 đợt và các đợt bổ sung với 272 trường hợp, trong đó có 74 hộ đăng ký tái định cư. Có 46 trường hợp chưa lập phương án bồi thường, trong đó có 37 hộ gia đình và cá nhân (chủ yếu có đất đìa)… Đối với Khu dân cư và tái định cư Ninh Thủy, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Cơ quan chức năng thị xã cũng đã tiến hành cắm mốc thực địa các lô đất. Ngày 16-4-2012, người dân đã tiến hành bốc thăm phân lô theo 3 nhóm đất tương ứng với hiện trạng vị trí đất người dân đang sinh sống tại thôn Ninh Yểng. Tuy nhiên, số hộ tham gia bốc thăm rất ít. Ngày 27-4, Khu dân cư và tái định cư này đã cho đấu nối nước sinh hoạt vào khu vực 34,9ha để đáp ứng nhu cầu xây dựng nhà ở và sinh hoạt của 74 hộ dân thôn Ninh Yểng khi đến nơi ở mới. Hệ thống điện cũng sẵn sàng kéo đến cung cấp khi các hộ dân đến xây dựng công trình… Trước đó, UBND thị xã cũng đã trả lời đơn thư khiếu nại của người dân trong vùng bị giải tỏa…
Được biết, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng đối với 74 hộ dân đã được điều chỉnh theo Quyết định 46/2001/QĐ-UBND ngày 30-12-2011 của UBND tỉnh về việc quy định Bảng giá xây dựng mới các loại công trình vật kiến trúc và chi phí đền bù, hỗ trợ một số công trình trên đất tại địa bàn Khánh Hòa. Theo Quyết định này, mức đền bù, hỗ trợ sẽ tăng thêm 49% so với trước. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, người dân vẫn còn thắc mắc. Tại buổi đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh, đã có hơn 20 hộ dân thuộc diện di dời đề đạt nguyện vọng của mình. Trong đó, các nội dung kiến nghị tập trung ở nhóm vấn đề như: giá đền bù vật kiến trúc, đất sản xuất còn thấp, chưa hợp lý; giá đền bù không thống nhất ở các hộ có cùng diện tích, vị trí gần kề; đất tái định canh; việc đền bù, hỗ trợ như thế nào đối với 17 hộ bị di dời lần 2 (lần thứ nhất di dời để thực hiện dự án Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin năm 1996). Bên cạnh đó, quá trình thực hiện còn nhầm lẫn trong việc thống kê loại đất; việc sử dụng nước sinh hoạt; có danh sách đền bù nhưng không có giấy bốc thăm lô đất tái định cư; tổ chức bốc thăm cần hợp lý hơn; tạo điều kiện về việc làm cho người dân trong độ tuổi lao động… Ông Nguyễn Thanh Phước kiến nghị: “Trong 74 hộ di dời đợt này có 17 hộ trước đây cũng đã bị di dời để thực hiện dự án Nhà máy Tàu biển Hyundai VinaShin. Hiện nay, 17 hộ này tiếp tục di dời nên người dân sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, những hộ dân có nhà ở ven Tỉnh lộ 1B lại có giá đền bù thấp, khi đến nơi định cư mới sẽ không đủ tiền xây dựng nhà. Vì vậy, đề nghị cơ quan chức năng có giá bồi thường hợp lý, tạo điều kiện cho người dân làm ăn”. Còn đối với ông Phan Chân, ông xác định việc di dời khi Nhà nước thu hồi đất là không phải bàn cãi. Tuy nhiên, do giá cả đền bù không hợp lý nên người dân không chịu di dời. Ngoài ra, việc xác định vị trí đất vẫn còn có nhiều thửa không hợp lý. Cùng vị trí đất, có sổ đỏ, diện tích gần giống nhau nhưng mức hỗ trợ khác xa nhau… Đa số hộ dân xác định, khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án kinh tế, người dân sẵn sàng ủng hộ; tuy nhiên, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ vật kiến trúc, các tài sản đầu tư sản xuất… một cách hợp lý. Việc chậm trễ trong nhận bồi thường và di dời đến nơi ở mới cũng do từ những bất cập nêu trên. Những người trực tiếp làm công tác rà soát, thống kê đã không thực hiện rõ ràng…
. Nhà nước đã đền bù, hỗ trợ cao hơn giá thị trường
Ông Nguyễn Chiến Thắng đối thoại với người dân xã Ninh Yểng. |
Qua ý kiến, kiến nghị của người dân, ông Trần Văn Minh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cho biết, có những kiến nghị của người dân đến nay thị xã mới được nghe. Các căn cứ để bồi thường đất đều dựa vào xác nhận của UBND xã Ninh Phước. Ông Minh đề nghị lãnh đạo xã Ninh Phước tổng hợp kiến nghị để gửi trực tiếp cho thị xã nghiên cứu, rà soát, giải quyết. Trước đây, các chủ trương, chính sách về đền bù giải tỏa, thị xã đều niêm yết. Việc tính toán tăng mức hỗ trợ sau khi đã có Quyết định 46/2001/QĐ-UBND ngày 30-12-2011 của UBND tỉnh, các bộ phận chức năng có liên quan sẽ rà soát lại giá trị công trình, vật kiến trúc để tổng hợp gửi cho từng hộ gia đình. Ông Minh cũng giải đáp thắc mắc đối với trường hợp các hộ dân bị di dời lần 2…
Về việc đền bù, hỗ trợ đối với vật kiến trúc, ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hàng năm, Sở đều tham mưu UBND tỉnh ban hành bảng giá đền bù vật kiến trúc theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, đã có tính đến trượt giá. Vì vậy, nếu các hộ gia đình còn thắc mắc nên liên hệ với thị xã để xem xét, rà soát. Trên thực tế, việc đền bù, hỗ trợ vật kiến trúc cho người dân bị di dời ở Ninh Phước, tỉnh đã xem xét đền bù với giá 100% theo hiện trạng nhà mới xây. Mặt khác, xét thêm việc triển khai các dự án đặc thù trên địa bàn, tỉnh cùng đã quyết định hỗ trợ thêm 49% tại Quyết định 46…
Sau khi nghe lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan giải đáp thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, có thể do công tác tuyên truyền chưa tốt nên một số chính sách mới của tỉnh người dân chưa kịp nắm bắt hết. Điều này dẫn đến nảy sinh ý kiến, kiến nghị. Ông Nguyễn Chiến Thắng khẳng định, Nhà nước đã thực hiện chính sách đền bù, hỗ trợ cao hơn giá thị trường. Bởi lẽ, bên cạnh những chính sách theo quy định của Trung ương, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù trong thẩm quyền của tỉnh. Đây là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nên số tiền đền bù, hỗ trợ đều lấy từ ngân sách Nhà nước, cũng chính là tiền của nhân dân đóng góp. Do vậy, trong công tác đền bù, hỗ trợ cũng phải công bằng đối với các khu vực đất khác khi Nhà nước thu hồi. Nếu là những dự án đền bù theo giá thị trường, người dân sẽ không có tiền hỗ trợ, mặt khác còn phải đóng thuế. Việc đền bù, tái định cư, tỉnh đã học tập từ các dự án ở Khu Kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi), có rút kinh nghiệm để việc đền bù được tốt hơn.Ông Nguyễn Chiến Thắng nhấn mạnh, việc đầu tư các dự án là để đất nước phát triển, để cuộc sống của người dân ổn định hơn. Trong phát triển sản xuất công nghiệp, người dân không thể sống chung trong khu vực này, vì sẽ bị ảnh hưởng.
Có thể về khu tái định cư, bước đầu, người dân vẫn còn gặp những khó khăn. Nhưng chắc chắn trong tương lai, cuộc sống sẽ khá lên… Đối với những quyền lợi riêng mà từng hộ gia đình kiến nghị, ông Nguyễn Chiến Thắng đề nghị người dân viết đơn gửi thị xã giải quyết trước, tỉnh và Trung ương sẽ có kiểm tra, giải quyết sau. Riêng đối với một số nhà cấp 4 thuộc dạng kiên cố, sẽ được nghiên cứu cụ thể từng trường hợp để có hướng giải quyết hợp lý.
Gần 11 giờ 30 cùng ngày, cuộc đối thoại kết thúc. Ông Nguyễn Chiến Thắng chỉ đạo UBND thị xã Ninh Hòa tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của những hộ dân để tiếp tục xem xét, giải quyết. Hy vọng từ cuộc đối thoại này, những khúc mắc trong việc đền bù, hỗ trợ để di dời dân thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong sẽ sớm được giải quyết thỏa đáng.
ĐẠI HẢI
* Ông Nguyễn Văn Đông (thôn Ninh Yểng, xã Ninh Phước):
Khi Nhà nước thu hồi đất, người dân sẵn sàng giao. Tuy nhiên, vật kiến trúc, các vật dụng đầu tư cho sản xuất cần phải tính toán lại và có mức chi trả hợp lý. Việc thống kê của cơ quan chức năng cần trung thực, chính xác.
° Những ảnh hưởng của dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong:
- Phần lớn dự án thuộc thôn Ninh Yểng, người dân ở đây chủ yếu làm rẫy, trồng hành tỏi, nuôi trồng thủy sản.
- Tổng diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án là 343,04ha; số trường hợp bị ảnh hưởng là 318 trường hợp, trong đó hộ gia đình, cá nhân 309 trường hợp (có 74 trường hợp tái định cư với 95 lô, có 21 trường hợp nhận 2 lô).
- Tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ 112 tỷ đồng.
- Tổ chức di dời các hộ dân từ tháng 5-2012.
° Ngày 30-3-2012, UBND tỉnh đã có Thông báo số 109/TB-UBND thông báo Kết luận của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ bổ sung trong bồi thường hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án trong điểm tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa). Xét tính chất đặc thù của các dự án này, UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ, bổ sung theo đề xuất của UBND thị xã Ninh Hòa. Theo đó, các trường hợp hộ nghèo bị thu hồi đất thuộc diện tái định cư, ngoài việc được bồi thường như các hộ khác còn được hỗ trợ một lần 4,32 triệu đồng/người; giáo dục: mỗi học sinh phổ thông các cấp của hộ thuộc diện tái định cư được hỗ trợ một lần bằng tiền để mua sách giáo khoa và vở là 200.000 đồng/học sinh, được miễn học phí trong 3 năm học liên tục tính từ khi bắt đầu học tập tại nơi ở mới; nước sinh hoạt: hộ thuộc diện tái định cư tại Khu dân cư và tái định cư Ninh Thủy được hỗ trợ một lần nước sinh hoạt là 1 triệu đồng/hộ tái định cư; ngư dân duy chuyển tàu, thuyền, ngư cụ đến nơi neo đậu mới: ngoài quy định hiện hành và quy định hỗ trợ tại Văn bản số 6250/UBND ngày 24-11-2009 về việc hỗ trợ ngư dân xã Ninh Phước di dời, các ngư dân có tàu, thuyền được hỗ trợ một lần để di chuyển tàu, thuyền đến địa điểm mới là 1 triệu đồng/tàu, thuyền; kinh phí xây dựng công trình, vật kiến trúc mới: hỗ trợ cho các hộ bị ảnh hưởng các loại công trình, vật kiến trúc một lần chi phí xây dựng công trình, mức hỗ trợ bằng phần chênh lệch giá bồi thường tại Quyết định 46/2011/QĐ-UBND ngày 30-12-2011 so với Quyết định 39/QĐ-UBND ngày 24-11-2011 (dự kiến phần chênh lệch có tỷ lệ 1,49 lần); miễn lệ phí trước bạ và lệ phí cấp giấy chứng nhận đối với đất tái định cư; hỗ trợ ổn định đời sống đối với các hộ bị giải tỏa lần 2 (có 17 trường hợp): hỗ trợ ổn định đời sống bằng lương thực tương đương 30kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian 12 tháng. Riêng hỗ trợ về y tế, UBND tỉnh đề nghị tính toán lại và xem xét hỗ trợ theo mức lương cơ bản mới; hỗ trợ yếu tố nghi lễ cúng đình, miếu khi dời làng là 10 triệu đồng/làng và nhân dân trong làng có trách nhiệm cùng đóng góp; hỗ trợ cúng nhà mới cho mỗi gia đình là 500.000 đồng.