08:04, 10/04/2012

Cảnh giác khi mùa mưa bão đến sớm

Bão số 1 (Pakhar) phát triển từ áp thấp nhiệt đới và mạnh lên thành bão ngay tại quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 3 là điều bất thường của thời tiết. Việc những cơn bão “lạ” xuất hiện sớm đã và đang cảnh báo sự khác thường của thời tiết, vì thế cần đề cao cảnh giác trong mùa mưa bão năm nay.

Bão số 1 (Pakhar) phát triển từ áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) và mạnh lên thành bão ngay tại quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 3 là điều bất thường của thời tiết. Việc những cơn bão “lạ” xuất hiện sớm đã và đang cảnh báo sự khác thường của thời tiết, vì thế cần đề cao cảnh giác trong mùa mưa bão năm nay.

. Bão số 1: Sớm, bất thường, phức tạp

Ngày 29-3, ATNĐ gần khu vực quần đảo Trường Sa mạnh lên thành bão, trở thành cơn bão đầu tiên trong khu vực biển Đông năm 2012. Theo kỹ sư (KS) Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung bộ, việc bão số 1 hình thành ngay khu vực quần đảo Trường Sa và xuất hiện sớm trong tháng 3 là điều bất thường. Cơn bão gần nhất xuất hiện vào tháng 3 cách đây đúng 30 năm (ngày 25-3-1982), đổ bộ vào khu vực phía Nam nước ta nhưng xuất phát từ Philippines; nếu tính vị trí bão xuất hiện ngay tại quần đảo Trường Sa và trong khoảng tháng 3 thì cách đây đã hơn 40 năm. Đa số các cơn bão được hình thành tại khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, hoặc xung quanh quần đảo Philippines; quy luật và hoạt động chung của bão sẽ dịch chuyển dần từ Bắc vào Nam và những tháng cuối năm mới có nhiều bão, ATNĐ ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ. Do vậy, sự hình thành bão số 1 là điều bất thường. Bên cạnh đó, bão số 1 di chuyển cũng khác thường so với các cơn bão đầu mùa khác, tốc độ di chuyển chậm nhưng khi gần bờ lại tăng tốc, mạnh lên.

 Cần chủ động cảnh giác trước những bất thường của thời tiết (trong ảnh: Lực lượng Bộ đội Biên phòng kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão an toàn). (3934)
Cần chủ động cảnh giác trước những bất thường của thời tiết (trong ảnh: Lực lượng Bộ đội Biên phòng kêu gọi tàu thuyền tìm nơi tránh trú bão an toàn).

Đồng quan điểm này, KS Nguyễn Thái Như Trị, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão Khánh Hòa cho rằng, thông thường các cơn bão đầu mùa xảy ra ở phía Bắc, sau dịch chuyển dần vào phía Nam. Lần này, ATNĐ xuất hiện ngay tại khu vực quần đảo Trường Sa và nhanh chóng mạnh lên thành bão là điều đặc biệt. Không những thế, việc bão xuất hiện sớm trong tháng 3 cũng là điều đáng quan ngại. Theo KS Nguyễn Thái Như Trị, Khánh Hòa ít xuất hiện bão hơn nhiều tỉnh, thành khác. Tuy nhiên, điều lo ngại hơn cả là ảnh hưởng của bão sẽ gây ra ngập lụt ở nhiều nơi. Trong lúc đó, khả năng tiêu thoát nước ở vùng bị ngập lại kém do có nhiều vật cản, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển đô thị, nhiều nơi chưa quan tâm đến việc xây dựng hạ tầng tiêu, thoát nước, do vậy mức độ ngập lụt nặng nề và kéo dài hơn. Hiện Khánh Hòa đã triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du sông Cái Nha Trang và sông Cái Ninh Hòa. UBND tỉnh đã phê duyệt đề án và triển khai tập huấn, chuyển giao phần mềm đề án cho Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão các địa phương thực hiện.

. Cần đề cao cảnh giác

Bão số 1 không đổ bộ vào Khánh Hòa và lượng mưa do ảnh hưởng của bão không lớn như các tỉnh phía Nam. Các số liệu quan trắc cho thấy, lượng mưa đo được tại các địa phương phía Bắc tỉnh lớn hơn các địa phương phía Nam, đặc biệt khu vực Khánh Vĩnh có lượng mưa lớn nhất (427mm). Tuy lượng mưa không lớn nhưng thiệt hại về người và vật chất tương đối lớn. Toàn tỉnh có 2 người chết, 1 người mất tích, hàng ngàn héc-ta lúa chuẩn bị thu hoạch bị ngập, giảm chất lượng, thiệt hại ước tính hàng chục tỷ đồng. Thương tâm nhất là trường hợp hai dượng cháu chết đuối khi đi qua tràn tại Diên Khánh. Những ngày lực lượng cứu hộ cứu nạn Diên Khánh tìm kiếm thi thể cháu Nguyễn Trung Hoàng tại cầu Núi, khu vực Chín Khúc, xã Diên An (Diên Khánh), chúng tôi cũng có mặt và nhận ra nhiều điều. Đó là, việc bố trí các đội xung kích trực gác tại các khu vực hiểm yếu cần được duy trì nghiêm ngặt, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại cho đến khi hết thông báo nguy hiểm. Cần xây dựng quy chế trực gác và quy định trách nhiệm cụ thể cho lực lượng này. Khu vực cầu, ngầm, tràn trong mùa mưa lũ có lượng nước chảy rất xiết. Tuy nhiên, hiện nay trong thi công chỉ chú ý đến công năng của công trình mà quên đi yếu tố an toàn. Các đơn vị chủ đầu tư cần xem xét, yêu cầu đơn vị thi công đưa vào hệ thống bảo vệ bằng xích để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện khi di chuyển trong mùa mưa lũ.

Phương tiện, trình độ lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng là điều đáng quan tâm. Hiện nay, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão các địa phương đã được trang bị các phương tiện cứu hộ như: ca nô, tàu thuyền. Tuy nhiên, khi triển khai tìm kiếm thi thể người bị nạn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu kinh nghiệm trong việc cứu hộ, cứu nạn. Vấn đề này cần được tỉnh quan tâm tổ chức, trang bị, tập huấn, diễn tập theo hướng cứu hộ chuyên nghiệp để đảm bảo năng lực tác chiến của lực lượng này trong tình hình thiên tai có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

HOÀI AN