12:04, 15/04/2012

Vì sao người dân chưa thực hiện nghiêm?

Để ưu tiên phát triển du lịch và bảo tồn vịnh Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND cấm các hình thức xả thải, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trong vịnh. Chỉ thị được UBND TP. Nha Trang rốt ráo thực hiện. Tuy nhiên, sau một thời gian, người dân lại vi phạm…

 

Để ưu tiên phát triển du lịch và bảo tồn vịnh Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND cấm các hình thức xả thải, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trong vịnh. Chỉ thị được UBND TP. Nha Trang rốt ráo thực hiện. Tuy nhiên, sau một thời gian, người dân lại vi phạm…

Trong các hình thức khai thác thủy sản bị cấm, việc đặt bẫy tôm hùm dọc bờ biển được cơ quan chức năng quan tâm hơn cả. Bởi, hình thức này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động du lịch, làm xấu cảnh quan, cản trở các hoạt động giao thông trên biển và hoạt động thể thao dưới nước. Tuy cơ quan chức năng đã nhiều lần bắt giữ và xử phạt nhưng tình trạng đặt bẫy nhử tôm hùm vẫn tái diễn.

° “Ở đâu chẳng có bẫy nhử!"

Dù bị cấm nhưng hoạt động đánh bắt hải sản trong vịnh Nha Trang vẫn diễn ra.
Dù bị cấm nhưng hoạt động đánh bắt hải sản trong vịnh Nha Trang vẫn diễn ra.

Mới 7 giờ sáng. Tại khu vực Hòn Rớ, xã Phước Đồng (TP. Nha Trang), nhiều tàu cá chở theo hàng ngàn bẫy nhử (lưới rũ) tôm hùm con đã cập bến. Trên bến, dưới tàu, người người hối hả bốc các bẫy nhử lên bờ. Nhìn cách làm việc gấp rút, vội vàng của những người này, cũng biết họ đang tận dụng thời gian để tránh lực lượng chức năng. Thực tế, từ khi UBND TP. Nha Trang thực hiện chủ trương cấm đánh bắt trong vịnh Nha Trang, đã có 114 tấn ngư cụ bị bắt với 44 trường hợp bị xử phạt. Mỗi trường hợp vi phạm phải nộp phạt tới gần chục triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ, song các ngư dân vẫn cố tình khai thác. Anh Phạm Văn Thắng (trú Hòn Rớ, xã Phước Đồng) tặc lưỡi, gãi đầu phân bua: "Biết là chính quyền cấm, nhưng đã sắm ngư cụ hết mấy chục triệu đồng, chẳng lẽ lại đắp đống để đó. Thôi thì cứ làm liều, tới đâu hay tới đó" (?!). Đang bốc bẫy nhử tôm hùm, ông Hoàng Nguyên (trú phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) cũng xen vào: "Phải làm chui thế này chẳng sung sướng gì. Song, không làm thì biết kiếm gì mà ăn. Không chỉ có ngư dân ở đây làm chui đâu, các ngư dân ở phường khác vẫn làm thế thôi. Không tin các anh cứ đi thử một vòng dọc bờ biển Nha Trang mà xem, ở đâu chẳng có bẫy nhử!".

Quả đúng như lời ông Nguyên; dù đã có lệnh cấm và cơ quan chức năng cũng nhiều lần ra quân thu gom, nhưng dọc bãi biển Nha Trang, bẫy nhử vẫn giăng mắc khắp nơi. Từ Cảng Cầu Đá cho tới Cảng cá Vĩnh Lương, đâu đâu cũng thấy các phao xốp (để nâng đỡ bẫy) nổi trên mặt nước. Tuy số lượng bẫy nhử có giảm đáng kể so với trước, nhưng với gì đang tái diễn, có lẽ vịnh Nha Trang còn lâu mới thực sự thông thoáng.

Để đối phó với lệnh cấm, ngư dân không thả bẫy ngâm cả tháng như trước mà mỗi địa điểm chỉ thả vài ngày, sau đó lại chuyển đi nơi khác. Bởi họ nắm được lịch trình làm việc của cơ quan chức năng; nếu cơ quan chức năng bắt ở khu vực bãi biển trung tâm thành phố, họ sẽ thả bẫy ở khu vực cầu Trần Phú và ngược lại. Tình trạng thả bẫy tôm hùm cũng không khác gì việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè, dẹp trước lại lấn sau. Nhiều ngư dân còn “qua mặt” cơ quan chức năng bằng cách cắt bớt phao xốp, chỉ để phần bẫy chìm dưới nước. Anh Triệu Quốc Hải (phường Vĩnh Thọ) còn trả lời đầy vẻ đốp chát: "Dân biển, thấy cái gì đánh bắt được là đánh. Giờ lên núi đốt than cũng bị bắt, đánh xa bờ thì bị thu tàu, vậy không bắt tôm hùm thì biết làm gì? Tui cũng vừa bị phạt hơn 8 triệu đồng vì đặt bẫy tôm hùm, nhưng có tiền đâu mà đóng! Mặc kệ lệnh cấm, làm gì kiếm được tiền bằng sức lao động là tụi tui làm".

° Khó khăn nên làm liều

Dù bị cấm nhưng hoạt động đánh bắt hải sản trong vịnh Nha Trang vẫn diễn ra.

 Ông Lê Văn Quang đem dàn bẫy tôm hùm ngoài biển về nhằm tránh bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Ghé thăm một gia đình ở tổ 5, khóm Hà Ra, phường Vĩnh Phước, chúng tôi thấy mấy người đàn ông đang ngồi đánh cờ, uống trà. Lý giải về sự “nhàn rỗi” này, ông Lê Văn Quang tâm sự: "Mấy anh em chúng tôi vừa bị UBND thành phố bắt hết ngư cụ và phạt hành chính. Người ít cũng trên 7 triệu đồng, người nhiều cả chục triệu đồng. Không biết lấy tiền đâu ra để nộp phạt, rồi trả nợ ngân hàng…". Ông Quang vừa dứt lời, ông Nguyễn Văn Chân đã một tay chìa cuốn sổ nợ, một tay chỉ về căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, rộng chừng 8m2 ở kế bên, than thở: "Vì nghề biển mà gia đình tôi khánh kiệt tài sản, đánh bắt đủ kiểu nhưng vẫn thất bại. Mới đây, vợ chồng gom góp được chút đỉnh, cộng thêm 20 triệu đồng tiền vay, đầu tư cả vào làm bẫy tôm hùm. Cả nhà trông chờ hết vào đó, giờ bị Nhà nước bắt, không biết lấy gì để sống và trả nợ".

Tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, đa số ngư dân chuyên sống bằng nghề bẫy tôm hùm đều thuộc diện hộ nghèo. Bản thân các hộ này đã từng bươn chải kiếm sống bằng rất nhiều nghề, cuối cùng vẫn phải quay về biển để mưu sinh. Trong số 5 ngư dân ngồi tiếp chuyện chúng tôi tại nhà ông Quang, có tới 4 người đã từng bị các nước Malaysia, Brunei, Philippines bắt tàu khi đi đánh bắt xa bờ. Ông Quang từng bị bắt tới 3 lần và chịu phạt tù gần 12 tháng ở nước ngoài vì tội đánh bắt sai lãnh hải. Để mua sắm ngư cụ phục vụ việc đánh bắt tôm hùm con, tất cả họ đều vay vốn ngân hàng hoặc vay ngoài với lãi suất cao. Hoàn cảnh khó khăn đó đã lý giải phần nào nguyên nhân vì cơ quan Nhà nước đã cấm mà ngư dân vẫn làm liều!

° Cần hướng giải quyết

Có thể khẳng định, chủ trương cấm đánh bắt, bẫy tôm hùm dọc bờ biển Nha Trang để ưu tiên phục vụ du lịch là một chủ trương đúng, và đã nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, sự đồng tình của du khách trong và ngoài tỉnh. Khi chúng tôi đến Phòng Kinh tế - UBND TP. Nha Trang, lãnh đạo phòng đã cho chúng tôi xem hàng loạt thư của các du khách ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long… thể hiện sự bức xúc trước tình trạng thả bẫy vô tội vạ ở ven bờ biển Nha Trang. Đa số du khách đều kiến nghị chính quyền dẹp ngay các hoạt động đánh bắt này để trả lại cảnh quan vốn có và tạo sự thuận tiện cho giao thông đường thủy. Bản thân cơ quan chức năng cũng đã đầu tư gần 300 triệu đồng để tổ chức 2 đợt truy quét việc đặt bẫy tôm hùm.

Lãnh đạo ủng hộ, du khách đồng thuận, kinh phí bỏ ra cũng nhiều, nhưng tình trạng khai thác này vẫn tái diễn? Ông Bùi Văn Quỳ - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ (địa phương có nhiều người đặt bẫy tôm hùm) phụ trách kinh tế, lắc đầu: "Khi có chủ trương, UBND phường đã làm tốt công tác tuyên truyền. Nhưng ngay sau khi thực hiện chỉ thị, người dân liên tục khiếu nại. Thậm chí, mấy chục hộ dân đã kéo lên UBND phường để đòi quyền lợi và phản đối chủ trương của cấp trên. Tại thời điểm này, đánh bắt hải sản đang gặp nhiều khó khăn, chỉ có bẫy tôm hùm mới đem lại thu nhập. Do đó, cấm khai thác sẽ rất khó".

Ông Mai Văn Ba (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cũng thừa nhận: "Việc đặt bẫy tôm hùm đang đem lại cho ngư dân thu nhập đáng kể. Một con tôm hùm con có giá 120 ngàn đồng,  bằng giá tiền 4kg cá bình thường. Vì vậy, bây giờ mà cấm đánh bắt thì ngư dân TP. Nha Trang sẽ vô cùng khó khăn. Trước đây, tôi cũng từng là chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ, nhưng vì tiền dầu quá cao nên đành bán hết. Đánh khơi không được, chúng tôi đành quay về đánh lộng; song đánh lộng cũng không còn cá. Hiện nay, chỉ có bắt tôm hùm giống là có thể kiếm sống được. Biết việc đặt bẫy nhử tôm hùm là đi ngược với chủ trương của cơ quan Nhà nước nhưng chúng tôi đành phải làm liều. Ở thời điểm hiện tại, để chuyển đổi nghề khác là quá khó".

Ngoài khó khăn về kinh tế, còn một vướng mắc từ phía cơ quan chức năng. Trả lời những khiếu nại của người dân xung quanh lệnh cấm đặt bẫy tôm hùm, các cơ quan chức năng của TP Nha Trang, đơn vị triển khai Chỉ thị số 11-CT-UBND cho rằng, việc đặt bẫy tôm hùm đã vi phạm Luật Thủy sản. Ông Đào Thanh Tùng - Trưởng phòng Kinh tế UBND TP. Nha Trang cho rằng: Hoạt động đặt bẫy tôm hùm đã vi phạm vào Điều 6 Luật Thủy sản năm 2003. Nó gián tiếp hủy hoại rạn san hô, cản trở đường di chuyển tự nhiên của thủy sản vào vịnh. Đồng thời, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn giao thông. Ông Trần Văn Võ Thịnh - Chánh Văn phòng UBND TP. Nha Trang cũng phân tích: Nghề này mới xuất hiện nên không thể nói ngư dân không có con đường sống khi bị cấm. Do đó, cũng không thể tạo điều kiện để chuyển đổi ngành nghề. Việc người dân cho rằng bắt như vậy chỉ là bắt tôm giống thực sự không đúng. Tôm giống cũng phải có kích cỡ quy định. Ở đây họ bắt tôm hùm quá nhỏ. Nếu cứ đà này, tôm hùm sẽ bị tận diệt. Trong khi đó, ông Đặng Quốc Phú - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại nhìn nhận: Việc đánh bắt tôm hùm bằng phương pháp tự nhiên (đục các lỗ trên đá, thân cây… để tôm hùm chui vào - PV) hoàn toàn không cấm. Trong Luật Thủy sản không cấm các trường hợp này mà chỉ cấm các trường hợp đánh bằng lờ dây, dã cào, đánh vây. Tuy nhiên, vì hiện nay việc bẫy nhử tôm hùm trong khu vực vịnh Nha Trang ảnh hưởng nhiều đến du lịch và an toàn giao thông đường thủy nên phải cấm.

Cơ quan Nhà nước ra lệnh cấm khai thác hải sản trên vịnh Nha Trang là mong muốn giữ cho môi trường du lịch được thông thoáng, sạch đẹp. Còn người dân vẫn khai thác hoàn toàn cũng chỉ vì nhu cầu mưu sinh. Muốn giải quyết vẹn mọi đường, rất cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có hướng giải quyết hợp lý, đồng thời tuyên truyền chủ trương cho sát hợp để người dân đồng thuận.

LAM ĐIỀN - NAM ANH

 Ông Trần Xuân Minh Thế - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ: "Tôi là người sinh ra và lớn lên từ biển nên hiểu những khó khăn trong thực hiện chủ trương này. Để ngư dân chấp hành, cần tuyên truyền sao cho thấu tình, đạt lý. Cần  phân khu rạch ròi giữa vùng phát triển du lịch và vùng đánh bắt để người dân có thể tiếp tục khai thác, không nên cấm trong toàn vịnh. UBND tỉnh Khánh Hòa  và thành phố cần đối thoại trực tiếp để nắm bắt khó khăn cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó tìm ra hướng giải quyết".