Sau 4 năm đi vào hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ vận tải xe buýt đã và đang gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, với sự tham mưu của Sở Giao thông vận tải, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt....
Sau 4 năm đi vào hoạt động, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh loại hình dịch vụ vận tải xe buýt đã và đang gặp không ít khó khăn. Trước thực trạng đó, với sự tham mưu của Sở Giao thông vận tải (GTVT), UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải hành khách (HK) công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là động thái góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN, thế nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị vận tải vẫn gặp khó.
. Doanh nghiệp phải bù lỗ
Thực hiện chủ trương xã hội hóa vận tải HK công cộng bằng xe buýt, giảm trợ giá từ ngân sách Nhà nước, từ năm 2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 DN kinh doanh loại hình dịch vụ vận tải này hoạt động, đó là Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch (CPVT-DVDL) Phương Trang, Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang. Theo đánh giá của nhiều người dân đi lại trên các tuyến đường này, nhìn chung 2 tuyến xe buýt đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho HK lựa chọn phương tiện đi phù hợp và an toàn, từng bước thay đổi thói quen đón xe, xuống xe tùy tiện. Đặc biệt, giá sử dụng dịch vụ vận tải này hợp với túi tiền của người dân với 3 mức: 8.000 đồng, 15.000 đồng và 22.000 đồng (tuyến Nha Trang - Cam Ranh). Hiện trung bình mỗi tháng, xe buýt Phương Trang có khoảng 100.000 lượt khách với khoảng 2.400 lượt xe, tháng cao điểm Tết lên tới 120.000 lượt khách. Riêng tuyến xe buýt Nha Trang - Ninh Hòa - Vạn Giã, trước đây còn nhiều hạn chế về chất lượng phương tiện nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư xe mới, nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện trung bình mỗi tháng, tuyến xe buýt này vận chuyển khoảng trên 44.000 lượt khách với trên 2.000 lượt xe.
Tuy có cơ chế ưu đãi nhưng các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt vẫn còn gặp khó khăn. |
Có thể nói, hiệu quả từ việc xã hội hóa xe buýt và việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên 2 tuyến đường này đã rõ, nhưng qua quá trình hoạt động, các DN gặp rất nhiều khó khăn do chi phí xăng dầu, vật tư phụ tùng tăng cao, ảnh hưởng đến doanh thu của DN. Theo ông Lê Ngọc Hải - Công ty CPVT-DVDL Phương Trang, Giám đốc Chi nhánh Nha Trang - sau 3 năm đi vào hoạt động tuyến xe buýt Nha Trang - Cam Ranh, trung bình mỗi năm DN phải bù lỗ khoảng 500 triệu đồng. Khi mở tuyến xe buýt này, Công ty xác định sẽ thu chỗ này bù đắp chỗ kia, nhưng tình hình thua lỗ kéo dài, khiến Công ty phải tính đến phương án giải thể. Còn ông Nguyễn Thái Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang chia sẻ: “Thời gian qua, tuy Công ty không thua lỗ nhiều như xe buýt Phương Trang do cân đối được lượng khách nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thu chi. Nguyên nhân do việc thuê bến bãi không ổn định; giá nhiên liệu tăng cao nhưng giá vé không thể điều chỉnh tăng theo giá thị trường”. Chưa kể các tuyến xe buýt này còn phải chịu sự cạnh tranh với xe “dù” nên lượng khách bị ảnh hưởng.
. Có cơ chế ưu đãi, nhưng…
Trước thực trạng đó, vừa qua, Sở GTVT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải HK công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các DN sẽ được miễn tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án đối với diện tích đất để xây dựng trạm bảo dưỡng, sửa chữa, bãi đỗ xe, bến xe điểm đầu, cuối tuyến xe buýt nhằm tạo điều kiện cho DN có điểm đầu điểm cuối, có bãi tập kết, khu quản lý điều hành… Ngoài ra, tỉnh có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người khuyết tật, học sinh, sinh viên…
Cụ thể, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người khuyết tật nặng được ngân sách hỗ trợ 100% khi đi xe buýt thông qua vé ưu tiên, có giá trị tương đương vé tháng; học sinh, sinh viên… được ngân sách hỗ trợ 50% thông qua vé tháng hoặc vé tập. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn có chính sách ưu đãi riêng đối với xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch theo quy định tại thời điểm đầu tư; đồng thời ưu đãi về thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng…
Tuy cơ chế ưu đãi đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-3 nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, các đơn vị vận tải vẫn gặp khó khăn. Theo quy định, các DN được miễn tiền thuê đất, nhưng hiện nay do quỹ đất trên địa bàn tỉnh quá eo hẹp nên DN không tìm ra đất để đầu tư bến bãi. Theo ông Nguyễn Thái Thanh, DN rất phấn khởi khi tỉnh có cơ chế quan tâm hỗ trợ DN. Song, hiện diện tích đất trên địa bàn tỉnh không còn, không chỉ điểm đầu Nha Trang mà ngay cả điểm cuối ở các huyện, thị cũng rất khó kiếm đất để thuê. “Mấy tháng nay, chúng tôi rất tích cực tìm đất nhưng đi đến đâu cũng nhận được câu trả lời là đã quy hoạch dự án hoặc không còn. Hiện mỗi tháng, cả hai đầu bến, DN thuê hết 40 triệu đồng và nơi làm việc rất tạm bợ. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh chủ động khoanh vùng đất cho DN thuê, bởi DN rất khó tự tìm được đất trống. Chúng tôi chỉ cần tỉnh hỗ trợ đất xây dựng bến bãi để DN tồn tại là quý lắm rồi” - ông Thanh cho biết.
CẨM VÂN
Ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở GTVT: “Hiệu quả hoạt động của hai tuyến xe buýt Nha Trang - Cam Ranh và Nha Trang - Ninh Hòa - Vạn Giã thời gian qua đã rõ. Nhưng trong quá trình hoạt động, DN gặp không ít khó khăn, vì đây là tuyến xe buýt xã hội hóa, không có sự trợ giúp của Nhà nước nên việc cân đối thu chi của DN không đảm bảo”.
Ông Lê Ngọc Hải, Công ty CPVT-DVDL Phương Trang, Giám đốc Chi nhánh Nha Trang: “Việc UBND tỉnh ban hành quy định về cơ chế ưu đãi trong hoạt động vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh là một cơ chế mở, rất tốt cho DN; nhất là việc hỗ trợ các đối tượng để thu hút họ sử dụng xe buýt. Tuy nhiên, hiện nay bến bãi mới là điều DN lo ngại nhất, do phải thuê nên DN luôn nơm nớp lo bị đòi lại. Thời điểm này, Công ty chúng tôi đang cố cầm cự”.