Tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động của ngành quý I/2012, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ quan điểm, tới đây, ai sử dụng nhiều hạ tầng giao thông, người đó phải nộp nhiều tiền hơn.
Ảnh minh họa. |
Tại cuộc họp báo về tình hình hoạt động của ngành quý I/2012, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nêu rõ quan điểm, tới đây, ai sử dụng nhiều hạ tầng giao thông, người đó phải nộp nhiều tiền hơn.
Liên quan tới vấn đề thu phí đang được dư luận quan tâm, tại buổi họp báo diễn ra chiều 3-4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, nếu việc thu phí được thực hiện từ năm 2002 và nâng dần lên theo các năm thì việc thu phí sẽ là bình thường và các mức được Bộ GTVT trình là mức hợp lý.
Giải thích về các loại phí, ông Đinh La Thăng cho biết, phí bảo trì đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ từ năm 2009. Đáng lẽ phải thu loại phí này sớm hơn nhưng Bộ GTVT đã chậm ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như tuyên truyền chưa đầy đủ nên người dân cho đây là loại phí mà Bộ GTVT mới đề ra.
Căn cứ Nghị quyết số 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII) về chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ GTVT đề suất Chính phủ xem xét để trình Quốc hội quyết định về phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và phí hạn chế phương tiện vào nội đô giờ cao điểm. Nghị quyết ghi rõ “tán thành với chủ trương, biện pháp của Chính phủ và Bộ GTVT nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giao thông, trong đó có các biện pháp chống ùn tắc giao thông, tăng mức xử phạt các hành vi về vi phạm an toàn giao thông, thu phí”. Các đề xuất này là một trong những giải pháp cụ thể để triển khai các chủ trương của Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Ông Đinh La Thăng cho biết, hiện toàn bộ hệ thống đường bộ của Việt Nam dài 280.000 km, trong khi nguồn phí thu được qua các trạm thu phí hiện nay là 2.500 km, bằng 0,7%. Do vậy quan điểm của Bộ GTVT là tới đây, ai sử dụng nhiều hạ tầng người đó phải nộp nhiều tiền hơn. Người đi ô tô phải nộp nhiều hơn người đi xe máy. Nghị quyết của Hội nghị BCH Trung ương Đảng kỳ họp thứ 4 vừa qua cũng khẳng định những người tham gia giao thông phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp kinh phí để góp phần có nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Trả lời một số giải pháp chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, ông Đinh La Thăng cho biết thêm, Bộ đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó thu phí chỉ là một trong các giải pháp Bộ GTVT đang tích cực làm. Đây là giải pháp được đặt ra trong tình hình hiện nay, khi chúng ta hoàn thành các cầu vượt, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, hệ thống giao thông thuận tiện hơn thì các giải pháp và chính sách này có thể thay đổi để phù hợp hơn với thực tế.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, các chỉ tiêu kế hoạch của ngành đều cơ bản hoàn thành. Kết quả vận tải trong quý I tiếp tục tăng trưởng khá cao, trong đó vận tải hành khách đạt 807,8 triệu lượt khách, tăng 14,3% so với cùng kỳ 2011, vận tải hàng hoá đạt 215,2 triệu tấn tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Về công tác đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), điểm đáng chú ý là, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về bảo đảm trật tự ATGT, giảm thiểu tai nạn tại các vị trí giao cắt giữa đường sắt và đường bộ, Bộ GTVT đã rà soát các nội dung liên quan đồng thời trình Chính phủ cho phép đầu tư xây dựng sớm một số hạng mục công trình thuộc giai đoạn 2 và 3 của kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định 1856 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ GTVT cũng sẽ tích cực nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, do đó trong tháng 3, tai nạn giao thông trên cả nước đã giảm trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ 2011, trong đó số vụ TNGT giảm 19,72%, số người thiệt mạng giảm 5,72%, số người bị thương giảm 38,55%. Tính cả 3 tháng số vụ TNGT giảm 22,78%, số người chết giảm 19,24% và số người bị thương giảm 26,33%.
Tuy nhiên, khó khăn của ngành GTVT trong quý I/2012 là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ giảm nên tình hình thực hiện giải ngân các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của ngành bị giảm so với cùng kỳ.
Theo báo cáo của Bộ GTVT hết quý I, vốn ngân sách nhà nước của ngành thực hiện đạt 1.564/7.319 tỷ đồng kế hoạch giao, đạt 21,4% kế hoạch, giải ngân đạt 1.494 tỷ đồng, đạt 20,4%.
Theo CP