Cùng với cả nước, Khánh Hòa đang triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. Những bước đi đầu tiên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng đó là con đường tất yếu để xây dựng một nông thôn mới Việt Nam văn minh, hiện đại.
Cùng với cả nước, Khánh Hòa đang triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Những bước đi đầu tiên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhưng đó là con đường tất yếu để xây dựng một NTM Việt Nam văn minh, hiện đại. Hàng loạt vấn đề được đặt ra từ góc nhìn cơ sở, cần có sự quan tâm thấu đáo, có định hướng và can thiệp ngay từ bây giờ.
Bài 1: Con đường tất yếu
Vị trí, vai trò của nông thôn Việt Nam (NTVN) qua các giai đoạn lịch sử đã được khẳng định rõ. Nông thôn là “hậu cứ” vững mạnh, là “vùng đệm” tuyệt vời giúp đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn, đặc biệt trong những thời điểm ngặt nghèo. Nhưng NTVN phát triển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch, thiếu định hướng và chưa đạt mục tiêu văn minh, hiện đại. Bởi vậy, XDNTM là con đường tất yếu.
. Cuộc “đại chỉnh trang” nông thôn
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, NTVN có nét đặc sắc riêng mà không nông thôn nước nào có được. Đó là “cây đa, bến nước, sân đình”, là cánh đồng làng lộng gió với những cánh diều… và còn rất nhiều nét đặc sắc khác. Tuy nhiên, với những đặc điểm nội tại của mình, NTVN đang “vô tình” kìm hãm sự phát triển, trở thành lực cản lớn trong quá trình hội nhập quốc tế. Vì thế cần có một cuộc chỉnh trang thì NTVN mới thật sự trở thành nông thôn văn minh, hiện đại nhưng không “đánh mất” bản sắc riêng.
Xây dựng nông thôn mới khang trang hiện đại không phải trách nhiệm của riêng ai |
Trên thế giới đã có nhiều nước tiến hành xây dựng nông thôn, chỉnh trang nông thôn đem lại thành công lớn và nhiều bài học quý rất đáng suy ngẫm trong bối cảnh XDNTM của nước ta hiện nay. Một trong những quốc gia có nhiều nét tương đồng với chúng ta là Hàn Quốc. Phong trào Saemaul Undong (làng mới) ngay từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước đã làm nên thành công rực rỡ cho Hàn Quốc. Từ một đất nước chậm phát triển, nghèo đói và bị thiên tai, lũ lụt triền miên, sau 30 năm, Hàn Quốc đã có một nông thôn văn minh, hiện đại. Tinh thần Saemaul Undong dựa trên 3 trụ cột chính, đó là: cần cù, tự lực và hợp tác đã khơi dậy niềm tự tin dân tộc, sức mạnh nội tại, đưa nông thôn Hàn Quốc trỗi dậy làm nên kỳ tích, trong đó vai trò của Chính phủ là “chất xúc tác” cho nông thôn phát triển.
Để XDNTM Việt Nam giàu bản sắc, Đảng ta đã khái quát mục tiêu của NTM Việt Nam là: nông thôn văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất phát triển bền vững theo hướng kinh tế hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn an ninh tốt, quản lý dân chủ. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã tổng hợp bằng 19 tiêu chí quốc gia nhằm đưa NTVN đi vào “quỹ đạo” mới, phát triển toàn diện.
. Chung tay xây dựng nông thôn mới
Khánh Hòa, địa phương ở vùng Nam Trung bộ, có nét đặc sắc riêng, đồng thời là địa phương có tiềm lực kinh tế khá, bởi vậy XDNTM chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi. Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Khánh Hòa nổi lên như một vùng đất giàu tiềm năng, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tinh thần của người dân, trong đó có người dân nông thôn được cải thiện và ngày càng được nâng cao. Về với vùng nông thôn, miền núi của tỉnh bây giờ, cơ sở vật chất hạ tầng của người dân cũng như chính quyền đã có sự thay đổi lớn, khang trang và đẹp đẽ. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm có thể coi là điển hình của khu vực. Nét nổi bật trong những năm gần đây là hệ thống đường sá nối thông các vùng, miền trong tỉnh và liên kết với các tỉnh bạn…
Nông thôn Khánh Hòa phát triển nhưng so với 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM thì vẫn còn “khiêm tốn”, bởi việc phát triển nông thôn trong nhiều năm qua chưa có định hướng, quy hoạch, quy chuẩn. Qua rà soát thực trạng nông nghiệp, nông thôn, hầu hết các xã vẫn chưa có quy hoạch nông thôn theo tiêu chí mới; mức độ “cứng hóa” giao thông nông thôn mới đạt 60 - 90%; số trường học đạt chuẩn quốc gia hơn 60%; hầu hết các xã đều chưa đạt tiêu chí của nhà văn hóa, khu thể thao theo quy định; chợ nông thôn chưa đảm bảo yêu cầu… Bên cạnh đó, còn nhiều hệ lụy về môi trường, về sản xuất cần phải đổi mới… Đây là thách thức lớn. Điều đó cho thấy XDNTM không hề đơn giản, không thể nóng vội, chủ quan. XDNTM, điều quan trọng hơn cả là phát huy nội lực cộng đồng, các làng cạnh tranh lành mạnh để cùng phát triển, đồng thời vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong bối cảnh “nhà nhà XDNTM, người người XDNTM mới” thì việc phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, đề cao vai trò chủ thể của người dân cần được xem là động lực chính để làm nên thành công của công cuộc XDNTM.
QUANG VIÊN