Năm 2011, Văn phòng Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa đã tư vấn trực tiếp cho 153 cán bộ, đoàn viên và người lao động, tư vấn qua điện thoại cho 176 trường hợp, tiếp nhận 13 đơn thư khiếu nại.
Năm 2011, Văn phòng Tư vấn pháp luật (VPTVPL) của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Khánh Hòa đã tư vấn trực tiếp cho 153 cán bộ, đoàn viên và người lao động (NLĐ), tư vấn qua điện thoại cho 176 trường hợp, tiếp nhận 13 đơn thư khiếu nại. Không chỉ đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho NLĐ, VPTVPL còn là địa chỉ tin cậy của nhiều NLĐ khi xảy ra tranh chấp lao động.
Được LĐLĐ tỉnh thành lập vào tháng 4-2006, VPTVPL lúc đó chỉ có một số cán bộ Công đoàn kiêm nhiệm. Tháng 2-2010, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh quyết định kiện toàn một bộ phận chuyên trách đảm nhiệm vai trò tư vấn pháp luật cho NLĐ. Đến nay, tuy còn gặp nhiều khó khăn về công tác nhân sự nhưng hoạt động VPTVPL đã giúp cho hàng trăm NLĐ tìm được quyền lợi hợp pháp. Luật gia Nguyễn Thanh Hải - Chủ nhiệm VPTVPL cho biết: “Trước đây, sự hiểu biết của NLĐ về quyền lợi, pháp luật còn hạn chế nên khi bị xâm hại quyền lợi, họ thường chịu đựng. Tuy nhiên, những năm gần đây, ý thức và hiểu biết pháp luật của NLĐ đã được nâng lên rất nhiều. Do vậy, khi quyền lợi bị xâm hại, họ đã biết tìm đến Công đoàn hoặc các cơ quan đại diện để được hỗ trợ. Nhiệm vụ của VPTVPL là lắng nghe những bức xúc của NLĐ, phân tích một số văn bản pháp luật liên quan và đưa ra những phương án tối ưu, phù hợp với từng trường hợp. Khi NLĐ đã chọn được phương án phù hợp, chúng tôi hỗ trợ cách thức tiến hành, quy trình thủ tục đúng pháp luật để họ tìm lại quyền lợi chính đáng của mình”.
NLĐ tìm đến sự hỗ trợ của VPTVPL bằng nhiều cách như: gặp trực tiếp, gọi điện thoại hoặc gửi đơn khiếu nại. Đặc biệt, một số NLĐ, phần lớn là công nhân trong các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp lại chủ yếu liên lạc ngoài giờ (buổi trưa, buổi tối, ngày nghỉ), khi họ đã tan ca. Vì vậy, thời gian tư vấn của cán bộ tại VPTVPL hầu như không giới hạn. Chị Nhiên, công nhân Công ty Cổ phần Giấy Rạng Đông cho biết: “Năm 2010, 14 công nhân, trong đó có tôi bị Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng không phù hợp với Luật Lao động. Chúng tôi đã làm đơn gửi VPTVPL của LĐLĐ tỉnh nhờ sự tư vấn, giúp đỡ để đòi lại quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình. Kết quả, Công ty đã ra văn bản thu hồi 14 quyết định thôi việc và phục hồi quyền lợi cho chúng tôi”. Trường hợp của chị Nhiên và 13 công nhân của Công ty Cổ phần Giấy Rạng Đông chỉ là một trong hàng trăm trường hợp có tranh chấp lao động đã tìm đến VPTVPL để được tư vấn. Có thể kể một số trường hợp tranh chấp lao động ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người mà VPTVPL đã hỗ trợ và kịp thời tư vấn như: giải quyết truy trả trợ cấp thôi việc cho 75 vận động viên của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch với số tiền hơn 220 triệu đồng; giải quyết chế độ thôi việc cho 14 lao động của Nhà máy Nước khoáng Sanna… Đặc biệt, trong các vụ đình công, lãn công của công nhân trên địa bàn tỉnh, cán bộ tư vấn pháp luật của VPTVPL đều có mặt trong đoàn làm việc của cơ quan chức năng để kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ.
Ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: “Thời gian qua, NLĐ tìm đến VPTVPL phần lớn có tranh chấp về các nội dung như: trợ cấp tai nạn lao động, bố trí trái ngành nghề, giữ lại tiền trợ cấp thôi việc sai quy định, đơn phương chấm dứt hợp đồng sai quy định, kỷ luật lao động và trách nhiệm vật chất… Đối với những tranh chấp mang tính cá nhân, chúng tôi luôn khuyến khích các bên tự thương lượng, thỏa thuận với nhau để đảm bảo quyền lợi cho đôi bên. Tuy nhiên, đối với những trường hợp tranh chấp lao động có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của NLĐ, phải đưa ra Tòa án dân sự thì theo quy định, VPTVPL không đương nhiên cử người bảo vệ NLĐ dưới tư cách là luật sư bào chữa được mà chỉ với cương vị cá nhân khi được NLĐ chỉ đích danh. Đây chính là khó khăn lớn trong quá trình tư vấn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho NLĐ”. Để giải quyết khó khăn trên, đồng thời nâng cao hơn nữa nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho NLĐ, VPTVPL nói riêng và LĐLĐ tỉnh nói chung đang có hướng xây dựng VPTVPL trở thành Trung tâm Tư vấn pháp luật có sự tham gia của các luật sư nhằm giúp cho NLĐ được đảm bảo quyền lợi của mình.
MAI HOÀNG