Từ đầu năm đến nay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bước đầu được kiềm chế.
Từ đầu năm đến nay, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nên tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) bước đầu được kiềm chế. Tuy nhiên, tình hình vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT) vẫn còn diễn ra phổ biến, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chưa có giấy phép lái xe (GPLX) mô tô còn nhiều.
Thực hiện Năm ATGT 2012, ngay từ đầu năm, Ban ATGT huyện Khánh Sơn, UBND các xã, thị trấn, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện đồng loạt ra quân tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, các quy định về trật tự ATGT nhằm nâng cao ý thức cho người dân. Theo Trung tá Nguyễn Hồng Hà - Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Khánh Sơn, người dân ở đây phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trình độ dân trí còn thấp, việc phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, lực lượng CSGT thường xuyên phối hợp với các già làng, trưởng bản đến từng thôn xóm để tuyên truyền. Thông qua các hình ảnh trực quan sinh động, băng đĩa, lực lượng CSGT giới thiệu đến người dân những lỗi vi phạm thường gặp như: Đi sai làn đường; băng qua đường tùy tiện; không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng cách; uống rượu bia khi tham gia giao thông… Đồng thời phối hợp với các trường học lồng ghép nội dung tuyên truyền về trật tự ATGT vào các giờ sinh hoạt lớp hoặc giờ chào cờ đầu tuần. “Trong quá trình tuyên truyền Luật Giao thông, chúng tôi thường lấy các ví dụ thực tế tại địa phương để giúp các em dễ hiểu như: Việc phơi lúa ra đường; dắt trâu, bò giữa đường… đều vi phạm ATGT. Qua đó hình thành thói quen về chấp hành pháp Luật Giao thông cho các em” - ông Hà cho biết.
Ngoài ra, lực lượng CSGT huyện còn tổ chức tuần tra kiểm soát và
Hầu hết người dân đều chấp hành tốt việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. |
tuyên truyền theo từng chuyên đề cụ thể như: chuyên đề về tốc độ; đội mũ bảo hiểm; uống rượu, bia điều khiển phương tiện; GPLX; chở quá số người quy định… Nhờ vậy, tình hình TNGT trên địa bàn huyện được kiềm chế, số người vi phạm về trật tự ATGT giảm đáng kể. Năm 2011, trên địa bàn huyện xảy ra 3 vụ TNGT, làm 3 người chết. Riêng từ đầu năm 2012 đến nay, trên địa bàn huyện chỉ xảy ra 3 vụ va chạm giao thông, làm 5 người bị thương nhẹ, không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào. Lực lượng CSGT huyện đã tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện 138 trường hợp vi phạm các quy định về trật tự ATGT, xử phạt vi phạm hành chính 130 trường hợp với số tiền gần 29 triệu đồng; tước GPLX có thời hạn 30 ngày đối với 2 trường hợp; tạm giữ phương tiện xe mô tô 3 trường hợp và tạm giữ giấy tờ xe 5 trường hợp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tuần tra kiểm soát một số lỗi vi phạm trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn. Điển hình như lỗi vi phạm về điều khiển xe mô tô không có GPLX. Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 80 - 90% người điều khiển mô tô, xe gắn máy không có GPLX. Nguyên nhân do nhiều người điều khiển phương tiện không biết chữ. Mặt khác, thời gian gần đây, tại địa phương không tổ chức đào tạo và sát hạch cấp GPLX cho người dân. Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn huyện không tổ chức lớp sát hạch cấp GPLX mô tô nào. Vì vậy, người dân muốn đăng ký học và thi lấy GPLX phải xuống các trung tâm dạy nghề tại Nha Trang, do đường xa cách trở nên rất ít người tham gia. Ông Hà cho biết: “Mỗi lần chúng tôi đặt vấn đề với Trung tâm Dạy nghề huyện về việc mở lớp đào tạo cấp GPLX cho người dân đều nhận được câu trả lời: không đủ số lượng, chưa có đợt… Thiết nghĩ, đối với người dân Khánh Sơn, các cơ quan chức năng không nên chờ đủ lớp, đủ số lượng mới mở mà được bao nhiêu nên tổ chức học bấy nhiêu; có thêm được người nào biết luật và có GPLX là thêm ổn định trật tự ATGT”.
Ông Hà cho biết thêm, hiện nay, phương tiện tham gia giao thông ngày càng tăng đột biến. Trung bình, mỗi gia đình có từ 1 đến 2 xe mô tô nhưng phần lớn đều không nắm rõ luật. Vì vậy, ngành Giao thông cần mở các lớp đào tạo sát hạch cấp GPLX tại chỗ cho những người biết chữ. Riêng những trường hợp không biết chữ, cần nghiên cứu chuyển đổi hình thức phổ biến kiến thức pháp luật về ATGT cho họ. Cụ thể, mở các lớp tập huấn ngắn ngày tuyên truyền cho người dân về các lỗi vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT như: Đi không đúng làn đường, phần đường; tránh vượt sai quy định; phóng nhanh vượt ẩu… Sau mỗi khóa học có tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cho họ; đồng thời kiến nghị với Trung ương cho phép người dân dùng giấy này thay thế GPLX. “Có thể nói, việc cấp giấy chứng nhận tuy không đúng với Luật Giao thông đường bộ nhưng nếu người dân không học, không biết luật mà vẫn tham gia giao thông sẽ càng nguy hiểm hơn nhiều” - ông Hà chia sẻ.
Có thể nói, từ đầu năm đến nay, tuy trên địa bàn huyện không xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng nào nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ TNGT. Hiện nay, hệ thống đường giao thông chính ở Khánh Sơn đang được đầu tư nâng cấp và mở rộng, chưa có dải phân cách hoặc vạch kẻ đường; trong khi đó, mật độ phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng, hiện tượng phóng nhanh, đi lấn phần đường vẫn còn diễn ra phổ biến. Vì vậy, để đảm bảo trật tự ATGT, kiềm chế TNGT, thời gian tới, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ, nhân dân, đồng thời tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
C.V - P.H